Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, về dài hạn, Việt Nam là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Nam Á (9,2%/năm).Tiên lượng, trong 5-10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng đều rất tiềm năng với nhiều điều kiện phát triển thuận lợi.
Doanh nghiệp nội vươn lên dẫn đầu thị trường bán lẻ
Thực tế, thị phần ngành bán lẻ trong những năm qua đã có sự thay đổi đáng kể. Nếu thời điểm năm 2016, con số thống kê cho thấy hơn 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam đã về tay doanh nghiệp ngoại. Nhưng chỉ sau gần 5 năm, số lượng doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã có sự vượt trội về số điểm bán khi các doanh nghiệp này liên tục mở rộng độ phủ và chiếm ưu thế trên thị trường bán lẻ.
Theo nhận định của các doanh nghiệp bán lẻ, trong năm 2022, xu hướng hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, thay đổi mô hình mua nhanh bán gọn sẽ ngày càng phát triển. Một xu hướng nữa là chiến lược bán lẻ đặt khách hàng cá nhân lên hàng đầu. Các nhà bán lẻ tối ưu hóa trải nghiệm để giữ chân khách hàng và áp dụng nhiều chỉ số đánh giá quá trình bán hàng sẽ có được lợi thế tốt hơn để chiếm lĩnh thị trường.
Việc mở rộng độ phủ cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ trong nước không chịu khuất phục, vẫn âm thầm mở rộng quy mô, đảo ngược tình thế để làm chủ "sân nhà" bằng năng lực của mình.
Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã thể hiện sự khôn khéo khi vừa củng cố thị phần tại các tỉnh, thành phố lớn, vừa nhắm đến các thị trường ngách, nông thôn. Đây là một lựa chọn thông minh để đáp ứng tốt xu hướng mua hàng nhanh chóng, tiện lợi của người tiêu dùng.
Đơn cử như chuỗi WinMart/ WinMart+, với hệ thống quy mô lớn nhất cả nước, trải dài toàn quốc, đã có những cải thiện doanh thu khởi sắc và giảm lỗ rõ rệt chỉ sau mới 2 năm được Masan tái cơ cấu bằng chiến lược bán lẻ tích hợp với mô hình đa tiện ích đầy tiềm năng.
Những chuyển biến trong kết quả kinh doanh của WCM có sự tương đồng với tình hình kinh doanh của chuỗi WinMart/WinMart+, đặc biệt là những cửa hàng có tích hợp kiosk Phúc Long, hoạt động theo mô hình mini-mall. Mô hình mini-mall, nơi được Masan cho biết là công thức tăng trưởng thành công cho WCM, được chứng minh qua chỉ số kinh doanh.
Báo cáo mới nhất của Masan cho thấy, EBITDA của WCM năm 2021 đã cải thiện 2.334 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 1.100 tỷ đồng. Từ mức lỗ 1.234 tỷ đồng trong năm 2020, WCM đã có lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng cuối năm 2021, đánh dấu nửa năm đầu tiên có lãi.
Nhân rộng thần tốc công thức thành công để nhanh chóng giành ưu thế
Các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn, muốn giành được thị phần thì cần phải nhanh chóng nhân rộng mô hình thành công.
Và ngay trong quý III/2021 - quý đầu tiên WCM có lãi, CEO Masan Group - ông Danny Le, cho biết công ty đã nỗ lực tái mở chuỗi, với mục tiêu tăng nhanh độ phủ, cả hình thức tự sở hữu lẫn nhượng quyền thương mại. Từ đây, WCM bước sang trang mới.
Mô hình mini-mall là sự kết hợp của cả WinMart+, Phúc Long, Techcombank và dược phẩm. Ngoài ra, Masan cũng đã chuẩn bị cho nền tảng số hoá của WCM bằng cách mua lại Mobicast - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu mạng di động Reddi. Lãnh đạo Masan tin rằng đây yếu tố thay đổi cuộc chơi bán lẻ trong thời gian tới bằng cách cung cấp các giải pháp fintech.
Những chiến lược bài bản và vững chắc của Masan phản ánh sự nhanh nhạy của các nhà bán lẻ nội địa khi báo cáo về nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á của Google, Bain và Temasek cho thấy xu hướng mua sắm các sản phẩm nhu yếu phẩm trên nền tảng thương mại điện tử tăng trưởng mạnh trong những năm qua.
Cụ thể, tỷ trọng của ngành hàng này trong tổng giá trị hàng hóa được mua sắm online đã tăng từ mức 4% vào năm 2015 lên mức 11% vào năm 2020. Con số này dự kiến sẽ đạt mức 15% vào năm 2025.
Dự kiến, trong tháng 4/ 2022, WinCommerce sẽ khai trương hơn 100 WinMart+ và 2 siêu thị WinMart. Tiến tới mục tiêung năm 2022, quy mô WinMart+ sẽ đạt 4.000 cửa hàng, WinMart đạt hơn 170 siêu thị.
Như vậy, WinCommerce tiếp tục duy trì vị thế là chuỗi bán lẻ đứng đầu về quy mô cả nước. Đồng thời, đại diện chuỗi này cho biết với thế mạnh của Masan, WinMart/WinMart+ là điểm cuối của chuỗi phân phối từ sản xuất đến bán lẻ.
Vì vậy, WinMart/WinMart+ duy trì tỉ lệ hàng Việt luôn đạt hơn 90%, thực hiện nhiều hoạt động thúc đẩy sản xuất nội địa nổi bật là kết nối tiêu thụ nông sản với các địa phương.