Nguyễn Thị Thanh Vy, hiện là nhân viên văn phòng, nói đã đưa cân nặng từ 90 kg về 60 kg, nhờ chế độ ăn nhạt, kết hợp thực phẩm không chế biến như rau củ quả luộc, ngũ cốc kèm sữa chua (eat clean). Ngoài ra, cô loại bỏ hoàn toàn gia vị như hạt nêm, dầu hào, xì dầu, chỉ dùng muối hoặc muối hồng, đường ăn kiêng. Trong mỗi bữa ăn, Vy dùng tối đa từ hai đến 4 thìa cà phê muối, tùy lượng thức ăn cụ thể.
"Nhờ đó, tôi giảm gần 30 kg, vòng eo từ 100 cm về còn 60, vòng ba từ 130 cũng thu gọn còn hơn 100 cm", cô gái cao 1,56 m nói, cho biết rất tự tin với ngoại hình hiện tại.
Vy vốn mập mạp, mũm mĩm từ nhỏ. Cô bắt đầu tăng cân nhanh khi lên đại học, do tinh thần căng thẳng và chế độ ăn thất thường. Cô tăng 15 kg trong ba tháng, khiến cơ thể xuất hiện nhiều vết rạn da, quần áo cũ không còn mặc vừa.
Tình cờ đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ kết luận cô bị béo phì, cuống gan bị vôi hóa không thể thải độc, chu kỳ kinh thất thường, nội tiết tố kém. Cô hay bị ngưng thở khi ngủ, hay thở dốc, hụt hơi. Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân giảm cân để cải thiện tình trạng sức khỏe hiện tại. Lúc này cũng trong giai đoạn dịch bùng phát, Vy quyết định lên lộ trình giảm cân, "tút tát" lại ngoại hình.
Quy tắc đầu tiên trong kế hoạch giảm cân của Vy là chế độ ăn nhạt, nhưng không cắt giảm toàn bộ mà hạn chế. Trước hết, cô không nêm muối, hạt nêm, dầu hào, xì dầu, nước tương để bữa ăn nhạt đi, tức là giảm lượng natri trong khẩu phần ăn chứ không chỉ giảm riêng muối. Trong căn bếp, Vy chỉ giữ hai lọ muối hồng và muối tinh, số gia vị còn lại bị hủy bỏ. Khi nấu ăn, cô nêm 1/3 hoặc 1/4 thìa cà phê gia vị vào mỗi món, chủ yếu sử dụng phương phấp luộc, hấp.
Các thực phẩm như dưa chuột, cà chua, rau xà lách ưu tiên ăn sống, làm salad. Hay cà rốt, súp lơ khi hấp, luộc cũng ngọt thanh hơn khi dùng bột ngọt. "Đảm bảo mỗi ngày đủ hai bữa chính và hai bữa phụ để cơ thể đủ năng lượng để hoạt động", Vy nói.
Khi đi chợ, Vy đọc kỹ nhãn dán trên bao bì để chọn món ăn ít natri, ít chất béo. Nếu ăn ở ngoài, cô cũng ưu tiên món luộc, hấp hoặc yêu cầu nấu nhạt, hạn chế ăn nước sốt. Vy ăn nhiều rau xanh, hoa quả để hạn chế cơn thèm ăn. Ngoài ra, cô bổ sung các loại hạt để thêm chất béo tốt, uống thêm omega 3, sử dụng dầu oliu thay thế dầu ăn thường. Tháng đầu tiên, Vy giảm hơn 5 kg.
Để hành trình lấy lại vóc dáng hiệu quả, cô gái cắt giảm đường, hạn chế tối đa tiêu thụ đồ ngọt hoặc ăn vặt. Trước đây, cô nghiện trà sữa, sau đó giảm dần đường, sữa trong cốc trà, và hiện Vy chỉ uống nước lọc hoặc trà xanh. Người phụ nữ còn tập đi ngủ đúng giờ để cơ thể được nghỉ ngơi, đốt mỡ hiệu quả.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mỗi người chỉ nên tiêu thụ không quá 5g muối mỗi ngày để giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra, người Việt hiện tiêu thụ trung bình lượng muối lên tới 9,4 g mỗi ngày, gấp đôi so với con số khuyến nghị. Trong đó, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày là từ muối và các gia vị trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn; 11% muối từ thực phẩm chế biến sẵn, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%.
Đây là một con số báo động, bởi chế độ ăn thừa muối trong thời gian dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới bệnh lý nguy hiểm không chỉ bệnh tim mạch, mà còn các bệnh về dạ dày, thận, loãng xương, béo phì... Ở nước ta, cứ 5 người trưởng thành lại có một người bị tăng huyết áp; cứ ba trường hợp tử vong thì có một do mắc bệnh tim mạch.
Trên thế giới, mỗi năm khoảng 1,89 triệu người bị tử vong do ăn quá mặn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, khoảng 90% người Mỹ từ hai tuổi trở lên tiêu thụ quá nhiều muối. Hơn 40% người Mỹ trưởng thành bị huyết áp cao. Nghiên cứu từ Ðại học Tulane, Mỹ, cho thấy ăn nhiều muối có thể làm giảm hai năm tuổi thọ ở đàn ông và 1,5 năm ở phụ nữ.
Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo ăn quá nhạt cũng nguy hiểm. Ăn không đủ lượng muối dẫn đến cơ thể thiếu điện giải, giảm natri, gây phù tay, chân. Với mỗi độ tuổi cần bổ sung lượng muối nhất định. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhóm sau 11 tuổi, tương đương người trưởng thành chỉ tiêu thụ dưới 2.000 mg natri (dưới 5 g muối ăn) mỗi ngày.
Ngoài tuân thủ chế độ eat clean và ăn nhạt, Vy kết hợp tập xen kẽ cardio và tập tạ. Mỗi tuần cô tập 5 buổi, gồm ba buổi ta, hai buổi cardio. Mức tạ cao nhất Vy nâng là 70 kg. Ngoài ra, cô gái tập thêm boxing và nhảy dây trung bình 1000 cái một lần.
"Nhiều người cho rằng tập tạ thì to bắp tay, song thân hình nữ vốn khiêm tốn hơn nam, lượng cơ thấp còn lượng mỡ nhiều, cùng với khác biệt nội tiết nên không thể phát triển cơ bắp như cánh mày râu", Vy nói.
Ngoài ra, sau mỗi buổi tập, cô bổ sung thêm muối từ nước uống điện giải, chanh muối vừa bổ sung năng lượng vừa không gây tăng cân.
Hiện, Vy nặng 60 kg, các chỉ số mỡ máu, mỡ nội tạng cải thiện. Cô không còn ngưng thở khi ngủ, thay vào đó là giấc ngủ sâu, làn da mịn màng hơn. Vy lập thêm trang cá nhân chia sẻ hành trình giảm cân của mình và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Mục tiêu của Vy là giảm thêm 4-5 kg để vóc dáng thêm thon thả và cải thiện vấn đề sức khỏe, cũng như truyền cảm hứng cho nhiều người đồng trang lứa đang mắc vấn đề béo phì.