Gemadept bán Cảng Nam Hải Đình Vũ cho những ai?
Ngày 31/5, CTCP Gemadept (Mã: GMD) công bố đã hoàn tất thoái toàn bộ 84,7% vốn góp tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ (trước đó là CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ) theo như hợp đồng chuyển nhượng được các bên ký kết ngày 19/4.
Theo văn bản công bố thông tin, Gemadept chỉ đề cập đến tên một nhà đầu tư tham gia nhận chuyển nhượng là CTCP Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC) và gọi chung những nhà đầu tư còn lại là các bên nhận chuyển nhượng khác.
Tuy nhiên theo, thông tin đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 30/5, danh sách cổ đông của Cảng Nam Hải Đình Vũ bao gồm 4 thành viên là Viconship với giá trị vốn góp 140 tỷ đồng (chiếm 35% vốn); Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy có giá trị vốn góp 146,7 tỷ đồng (chiếm 36,7%); Công ty TNHH Thương mại Kim khí Xuất Nhập khẩu Huy Hoàng có giá trị vốn góp 113,3 tỷ đồng (chiếm 28,3%) và ông Nguyễn Đình Hưởng góp 900.000 đồng (chiếm tỷ lệ rất nhỏ).
Trước đó, trong cơ cấu vốn điều điệu lệ 400 tỷ đồng của Cảng Nam Hải Đình Vũ, phía Gemadept nắm 84,7% vốn và phần còn lại thuộc về các cá nhân gồm Nguyễn Thanh Hải (10,9%); Tạ Thu Hà (3,3%); Nguyễn Văn Giáp (1,1%) và Nguyễn Đình Hưởng (góp 900.000 đồng, chiếm tỷ lệ nhỏ).
Như vậy ngoài, cổ đông Nguyễn Đình Hưởng, 4 cổ đông cũ của Cảng Nam Hải Đình Vũ đã thoái toàn bộ phần vốn của mình tại đây.
Tiết lộ tại ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra của Gemadept, Chủ tịch HĐQT Đỗ Văn Nhân cho biết: "Đây là một thương vụ đặc biệt với tinh thần win-win và phù hợp chiến lược dài hạn của cả hai bên"
Bên cạnh đó, trên thực tế, Gemadept chỉ bán tài sản và cơ sở hạ tầng tại Cảng Nam Hải Đình Vũ. Toàn bộ đội ngũ vận hành và khách hàng sẽ được Gemadept đưa về Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2.
Lãnh đạo của Gemadept còn thông tin việc chuyển nhượng này có thể mang về khoản lãi 2.000 tỷ đồng cho công ty mẹ Gemadept và có thể được ghi nhận vào kết quả của quý III.
Ngoài ra, Gemadept cũng cho biết thời gian tới sẽ chỉ duy trì một vài hoạt động logisctic tại Cảng Nam Hải và tìm đối tác để thoái vốn. Công ty cũng vừa đưa Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 vào khai thác và xác định giai đoạn 3 của Cảng Nam Đình Vũ là một trong những dự án trọng tâm cho đến năm 2025.
Trước khi chuyển nhượng Cảng Nam Hải Đình Vũ, Gemadept có ba cảng tại Hải Phòng gồm Cảng Nam Hải, Cảng Nam Hải Đình Vũ và Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1.
Theo Chủ tịch Gemadept, các cảng này nằm rải rác nên cần đến ba khối cơ giới, ba khối nhân lực tổ chức hành chính riêng để vận hành cùng lúc. Điều này gây ra lãng phí, hiệu quả không cao trong vận hành và khi Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 đi vào hoạt động, Gemadept thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ để tránh dư thừa công suất.
Như vậy có thể thấy, Gemadept đang muốn tối ưu hoá hoạt động khai thác cảng tại khu vực Hải Phòng về Cảng Nam Đình Vũ.
Vai trò của nhóm cổ đông liên quan T&D Group trong thương vụ chuyển nhượng Cảng Nam Hải Đình Vũ
Theo thông tin từ cổng thông tin về đăng ký doanh nghiệp, hai công ty cùng với Viconship nhận chuyển nhượng vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ đều có người đại diện pháp luật mang tên Đoàn Quang Huy và hai công ty này cũng có trụ sở chính đặt tại TP Hải Phòng.
Bên cạnh đó, thời điểm quý IV/2022, phía Viconship và Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy đã cùng nhau đặt cọc 1.000 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng Cảng Nam Hải Đình Vũ, trong đó Viconship góp 300 tỷ đồng.
Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy còn là chủ nợ khoản vay ngắn hạn 171,8 tỷ đồng của Viconship. Hợp đồng khoản vay được ký ngày 29/12/2022, theo đó thời hạn vay là 12 tháng tính từ ngày giải ngân. Khoản vay được miễn lãi đến hết tháng 3/2023 và bắt đầu tính lãi từ ngày 1/4/2023 với lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2%/năm. Lãi và gốc vay được trả một lần vào cuối kỳ.
Khoản vay nhằm đáp ứng mục đích phục vụ hoạt động kinh doanh và đầu tư của Viconship.
Theo VDSC, Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy là công ty có liên quan đến nhóm cổ đông của bà Đoàn Thị Tơ (Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn T&D Group) tại Viconship.
Trong số 3 cổ đông sáng lập của T&D Group thời điểm năm 2020, cũng có cái tên Đoàn Quang Huy với vai trò cổ đông thiểu số và trong cơ cấu cổ đông lớn của Viconship cũng từng xuất hiện tên ông Đoàn Quang Huy.
Tuy nhiên, tại này 24/8/2022, ông Huy không còn là cổ đông lớn của công ty sau khi đã bán bớt cổ phiếu GMD và chỉ còn nắm giữ lượng cổ phần tương ứng 2,8% vốn điều lệ tại Viconship. Tại thời điểm cuối năm 2023, ông Huy đã tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 3,25%.
Ngoài ra, theo báo cáo thường niên năm 2022, Viconship cho biết có khoản hợp tác đầu tư, triển khai kinh doanh dự án khách sạn Hyatt Place Hải Phòng lên đến gần 824 tỷ đồng. Đây là dự án do phía T&D Group làm chủ đầu tư.
Viconship vươn lên dẫn đầu thị phần cảng tại Hải Phòng
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), sau thương vụ chuyển nhượng Cảng Nam Hải Đình Vũ, vị thế của các doanh nghiệp cảng biển tại Hải Phòng sẽ có sự thay đổi lớn trong năm 2023.
Theo đó, Viconship sẽ trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại khu vực Hải Phòng với tổng công suất 2,6 triệu TEU/năm, tăng 36% so với năm ngoái và chiếm 24% thị phần.
Ở chiều ngược lại, dư địa tăng trưởng của Gemadept tại khu vực Hải Phòng sẽ không còn nhiều, thị phần của công ty sẽ giảm 3 điểm % về mức 14% với tổng công suất còn 1,2 triệu TEU/năm. Tuy nhiên, tiền thu về từ thương vụ sẽ giúp Gemadept có thêm nguồn lực để gia tăng vị thế ở các cảng nước sâu ở phía Nam thông qua dự án Gemalink Thị Vải giai đoạn 2.
Tới cuối quý I, Viconship đang nắm 100% vốn và 74,35% vốn lần lượt tại hai công ty con là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cảnh Xanh (Cảng Greenport) và CTCP Cảng Xanh VIP (Cảng VIP Greenport).
Bên cạnh đó, Viconship còn nắm 22% vốn tại CTCP Cảng Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ (Cảng PTSC Đình Vũ) và 36% vốn tại CTCP Cảng VIMC Đình Vũ (Cảng VIMC Đình Vũ).
Cả 4 cảng này đều nằm bên bờ sông Cấm, thuộc quận Hải An, TP Hải Phòng. Tuy nhiên, không có sự liền mạch mà nằm xen kẽ giữa các cảng, cụm cảng của những công ty khác.
Việc tham gia thương vụ mua lại Cảng Nam Hải Đình Vũ có thể giúp cho Viconship nối liền cụm cảng có vốn góp của công ty gồm Cảng VIMC Đình Vũ - Cảng Nam Hải Đình Vũ - Cảng VIP Greenport, từ đó giúp tối ưu vận hành khi tổng chiều dài cầu cảng của 3 cảng này lên đến gần 1,6 Km, hỗ trợ cho việc phân bổ và sắp xếp lịch tiếp nhận tàu tại khu vực này.
Bên cạnh đó, Cảng Nam Hải Đình Vũ có công suất thiết kế 550.000 TEU/năm và có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 48.000 DWT, lớn hơn trọng tải tàu mà hai cảng kế bên của Viconship có thể tiếp nhận. (Cảng VIMC Đình Vũ có thể nhận tàu trọng tải 40.000 DWT; Cảng VIP Greenport có thể tiếp nhận tàu tải trọng 42.000 DWT).
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau khi hoàn tất thương vụ, Viconship sẽ chuyển hàng hoá container được khai thác tại Cảng PTSC Đình Vũ về Cảng Nam Hải Đình Vũ. Báo cáo hồi tháng 4 của VDSC ước tính lượng container của Viconship đang còn khai thác tại PTSC Đình Vũ là khoảng 100.000 TEU. (Cảng PTSC Đình Vũ và Cảng VIMC Đình Vũ bị ngăn cách bởi hai Cảng Tân Vũ và Cảng Đình Vũ.)
Trong dài hạn, theo VDSC, Viconship có kế hoạch mở rộng thêm công suất cảng biển nhằm đón chờ sự hồi phục trở lại của thị trường xuất - nhập khẩu. Tuy nhiên, khả năng có thể lấp đầy công suất Cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ gặp phải nhiều thử thách do sự cạnh tranh tại Hải Phòng ngày càng căng thẳng khi có thêm Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và hai cảng nước sâu là Lạch Huyện bến 3-4 và bến 5-6 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025.
VDSC dự phóng trong năm nay, doanh thu của Viconship có thể đạt 1.974 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Song, lợi nhuận ròng được dự báo giảm đến 80%, còn 135 tỷ đồng bởi suy giảm lợi nhuận gộp và chi phí tài chính tăng mạnh lên mức 83 tỷ đồng khi công ty thực hiện trích trước tiền lãi vay.
Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào tháng 3, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch doanh thu 2.250 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 260 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và giảm 45% so với kết quả năm ngoái.