Thời sự

Đăng kiểm giảm nhiệt

Sau 2 ngày Thông tư 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành và có hiệu lực, hoạt động đăng kiểm tại nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực.

Người dân đồng thuận cao

Thông tư trên miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và điều chỉnh chu kỳ kiểm định của một số loại xe cơ giới. Theo đó, với ôtô mới, chưa qua sử dụng, từ ngày 22-3, chủ xe không cần đưa xe đến trung tâm đăng kiểm như trước mà chỉ cần mang các loại giấy tờ để làm hồ sơ kiểm định và được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định để tự dán. Đối với xe đã qua sử dụng được điều chỉnh tăng thời hạn theo chu kỳ kiểm định.

Ông Lê Hoàng Đạt (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết gia đình ông có 3 ôtô. Ông Đạt cho biết: "Quay qua quay lại gần như năm nào cũng phải "vác" xe đi đăng kiểm đến 3 lần, quá mất thời gian, tốn kém". Ông Đạt đồng tình với việc bỏ kiểm định lần đầu với xe mua mới cũng như tăng thời gian kiểm định đối với xe cũ.

Tại TP Cần Thơ có 7 trung tâm đăng kiểm (TTĐK). Ghi nhận vào ngày 23-3 ở Chi nhánh Trung tâm Kiểm định kỹ thuật phương tiện thiết bị thủy bộ Cần Thơ 65.02S (quận Cái Răng), cho thấy phương tiện kiểm định không nhiều nên không xảy ra tình trạng ùn ứ. Các TTĐK khác cũng không bị quá tải như trước. Ông Nguyễn Văn Tùng (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), nhận xét: "Thông tư mới rất có lợi cho những người mua ôtô dưới 9 chỗ lần đầu, vì sẽ giảm được chi phí cũng như tiết kiệm thời gian. Nếu như trước kia, xe mới mua và sử dụng trong vòng 7 năm đầu tiên phải đi kiểm định 4 lần, còn với thông tư mới chỉ kiểm định 2 lần".

Ông Lê Hoàng Kiếm, Phó Giám đốc TTĐK 6901V - Cà Mau, cho biết trung tâm có 16 cán bộ, kiểm định viên. Áp dụng quy định mới cho thấy ít nhiều giảm áp lực cho kiểm định viên, đồng thời tạo nhiều thuận lợi cho người dân, tránh tình trạng phải xếp hàng chờ đăng kiểm như trước.

Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng việc TTĐK 66-02D bị phát hiện sai phạm và buộc đóng cửa thì hoạt động của các TTĐK còn lại có phần đông hơn nhưng cũng chưa có nhiều áp lực. Theo ông Bảo, với quy định mới, lượng xe đến các trung tâm đang giảm.

Trong khi đó, theo ghi nhận tại một số TTĐK ở tỉnh Bình Dương, do chưa nắm thông tin, một số người vẫn đưa xe mới mua đến đăng kiểm. Ông Phan Hữu Thọ, Giám đốc TTĐK 6110D (thị xã Bến Cát), nói rằng người dân cần nắm bắt quy định mới tại Thông tư 02. Việc ban hành thông tư này trong thời điểm hiện nay là kịp thời và cần thiết, sẽ giúp hạn chế tình trạng quá tải đăng kiểm kéo dài nhiều tháng qua.

Đăng kiểm giảm nhiệt - Ảnh 1.

Những ngày qua, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 6101S (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) không còn đông xe đến đăng kiểm như trướcẢnh: THẢO NGUYỄN


Mang lại nhiều lợi ích thiết thực

Đồng tình cao với quy định miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới, ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc đại lý Hyundai Huế, cho hay thông thường, khi xuất xưởng ôtô, nhà sản xuất đã kiểm tra rất kỹ. Trước khi giao xe cho khách hàng thì đại lý cũng thực hiện quá trình kiểm tra PDI - Pre Delivery Inspection. Quá trình này mất khoảng 1-2 giờ, bảo đảm xe đến tay khách hàng với chất lượng hoàn hảo nhất. Vì vậy, không cần thiết phải đăng kiểm lần đầu đối với loại xe vừa xuất xưởng này.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng với khoảng 2 triệu ôtô kinh doanh vận tải trên cả nước, việc Thông tư 02 quy định miễn kiểm định lần đầu với xe mới và giãn chu kỳ kiểm định với một số loại xe sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cho các chủ doanh nghiệp.

Còn theo ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2023, có xấp xỉ 570.000 xe mới được miễn đăng kiểm lần đầu theo Thông tư 02. Đồng thời sẽ có hơn 3,2 triệu trong tổng số 5 triệu ôtô trong cả nước được kéo giãn chu kỳ kiểm định, mang lại nhiều lợi ích về tiền bạc, thời gian, công sức cho người dân và doanh nghiệp.

Cũng theo ông Nguyễn Tô An, sắp tới đây hệ thống đăng kiểm sẽ có những thay đổi rất lớn từ cơ cấu, mô hình tổ chức cho đến bổ sung, sửa đổi, thậm chí là thay thế nhiều quy định pháp luật liên quan, bao gồm Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 8-10-2018) quy định về điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực kiểm định xe cơ giới.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ tiếp thu những kiến nghị, học hỏi những mô hình tiên tiến trên thế giới để nghiên cứu áp dụng. Đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất việc đưa các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của các nhà sản xuất chính hãng đủ điều kiện, tham gia đăng kiểm. Đây là những mô hình đã được áp dụng ở những nước tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Áo và nhiều quốc gia khác, với mục tiêu để người dân được thụ hưởng dịch vụ một cách tốt nhất.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng ngoài vai trò quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cần bổ sung yêu cầu về trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn của sở GTVT các địa phương. Điều này nhằm ngăn ngừa việc buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan như vừa qua.

TP HCM: Tăng công suất đăng kiểm, giảm quá tải

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 của TP HCM vào ngày 23-3, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ - Sở GTVT TP HCM cho biết đến nay, trên địa bàn TP HCM chỉ còn 11/19 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động; 99/197 đăng kiểm viên làm việc; mỗi ngày phục vụ khoảng 1.500 đầu xe. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số phương tiện đến hạn đăng kiểm trong tháng 3 là 84.967 phương tiện, khả năng đáp ứng của các trung tâm chỉ đạt 55%; trong tháng 4 là 84.669 phương tiện, khả năng đáp ứng của các trung tâm là 31%.

Cũng theo ông Hải, cùng với việc triển khai thực hiện theo quy định mới về đăng kiểm, các cơ quan chức năng đang phối hợp, triển khai nhiều giải pháp để tăng công suất đăng kiểm, giảm quá tải cho các TTĐK. Lo lắng hiện nay là chưa biết chính xác khi nào các TTĐK bị dừng hoạt động sẽ vận hành trở lại.

P.Anh

Xe mới xuất xưởng, kiểm định chất lượng nghiêm ngặt

Không chỉ người dân mà các hãng xe, đại lý rất đồng tình với việc Thông tư 02/2023 của Bộ GTVT cho phép miễn đăng kiểm xe mới và kéo dài chu kỳ kiểm định một số loại phương tiện cơ giới.

Vấn đề đặt ra là việc các hãng xe kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe xuất xưởng; trách nhiệm bảo dưỡng định kỳ của các đại lý như thế nào để bảo đảm an toàn của xe trong thời gian xe được miễn đăng kiểm lần đầu?

Ông Nguyễn Minh Hiếu, phụ trách bộ phận chăm sóc khách hàng Công ty CP Dịch vụ Sài Gòn Ôtô Gia Định (TP HCM), cho biết trước khi giao xe cho khách đều phải thực hiện các công đoạn kiểm tra xe rất chu đáo như kiểm tra các phần mềm bằng máy test, kích hoạt lại tất cả tính năng, kiểm tra khung gầm, hệ thống bánh xe, hệ thống làm mát, cũng như tổ chức vận hành thử, nếu đáp ứng đúng kỹ thuật mới tiến hành bàn giao xe. Cũng theo ông Hiếu, chủ xe hiện nay không nhất thiết phải nhớ ngày tháng nào để mang xe đi bảo dưỡng vì công việc đó đã có nhân viên chăm sóc khách hàng của các đại lý thường xuyên cập nhật, theo dõi để thông báo. Mỗi lần bảo dưỡng đều được nhân viên kỹ thuật thông báo đầy đủ những bộ phận, linh kiện nào đang hoặc sẽ có nguy cơ trục trặc trong thời gian tới để có hướng khắc phục, sửa chữa kịp thời. Tại mỗi lần bảo dưỡng định kỳ cũng là thời điểm thay nhớt động cơ, còn những xe đời 2022-2023 việc thay nhớt được thực hiện theo tín hiệu thông báo trên bản màn hình trên xe.

Còn theo ông Nguyễn Trung Hiếu - phụ trách tiểu ban kỹ thuật của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) - quy trình kiểm tra chất lượng ôtô rất nghiêm ngặt thông qua nhiều lớp. Quy trình kiểm tra của nhà sản xuất từ nhà máy rất chặt chẽ theo tiêu chuẩn của tập đoàn, hãng mẹ. Ngoài những tiêu chuẩn chung còn có tiêu chuẩn về chuyên ngành ôtô kể cả quy trình chuyên sâu của nhà sản xuất. Chưa kể xe bán ra thị trường Việt Nam cho dù là xe nhập khẩu hay lắp ráp trong nước đều được được Cục Đăng kiểm Việt Nam giám sát, kiểm tra từ nhà máy ở nước ngoài cũng như nhà máy tại Việt Nam. Xe xuất bán ra thị trường còn được cơ quan trên lấy mẫu xe mang đến trung tâm kiểm nghiệm chuyên sâu của cục này để kiểm tra toàn diện từ đo đạc, thiết kế, kỹ thuật, tính năng vận hành, hệ thống điện, đèn với thời gian từ 2-3 tuần. Nếu đạt sẽ được cấp giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật, an toàn về môi trường. Cũng theo ông Hiếu, khi Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra mẫu xe đạt sẽ cấp mẫu phôi phiếu chứng nhận kiểm tra chất lượng xuất xưởng cho xe cơ giới. Theo đó, nhà máy căn cứ vào đó để cập nhật thông tin vào mẫu phiếu này để làm thủ tục đăng ký xe khi bán ra thị trường.

Chuyên gia kinh tế, GS-TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định xe xuất xưởng đều đã qua quy trình kiểm tra chất lượng rất nghiêm ngặt, kể cả việc các đại lý của hãng cũng chịu trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành đến cùng. Việc bỏ kiểm định lần đầu đối với xe mua mới là cần thiết giúp giảm được gánh nặng về thời gian cũng như chi phí. Động thái này mang tính thực tiễn cao, đáp ứng được mong mỏi của người tiêu dùng.

Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục

Đọc thêm