Bất động sản

Đại gia tuổi Rồng kín tiếng rót 1 tỷ USD làm dự án bô xít lớn nhất Lào: "Phủ sóng" từ khoáng sản, tài chính... đến loạt BĐS đắc địa, các KCN hàng trăm ha

Chiều 9/1/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đã trao phụ lục hợp đồng cho CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương liên quan đến dự án khai thác bô xít và xây dựng nhà máy chế biến alumin tại Lào.

Rót 1 tỷ USD khai thác bô xít tại Lào

Dự án có công suất thiết kế 1 triệu tấn alumin/năm với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, là dự án khai thác mỏ lớn nhất của Việt Nam tại Lào.

Được biết, bô xít là một loại quặng nhôm. Từ bô xít có thể tách ra Alumin (Al2O3 - nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân). Bô xít không chỉ là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp luyện nhôm phát triển lâu dài, mà hiện còn là nguồn tài nguyên được “săn đón” nhằm phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Thực tế, Việt Phương đã sớm khai thác bô xít và bắt đầu thăm dò khai thác quặng bô xít tại Sekong (Lào) từ năm 2008. Đến tháng 9/2018, Việt Phương được biết đã ký hợp đồng khai thác và chế biến quặng bô xít và xây dựng nhà máy sản xuất aluminat với Chính phủ Lào, trên diện tích gần 100 km2.

Không riêng Lào, tại Việt Nam, tập đoàn này cũng đã xin chủ trương đầu tư dự án tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Glong tại cụm alumin Đắk Nông 2. Diện tích khoảng 600 ha, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm và 600.000 tấn nhôm/năm.

Ảnh: Dự án bô xít tại Lào.

Hệ sinh thái khổng lồ được dẫn dắt bởi ông Phương Hữu Việt – một trong số nhân tố quan trọng tại VietABank

Dù khá kín tiếng trên thương trường, song Việt Phương cũng được xếp vào hàng các Tập đoàn đa ngành nổi trội tại Việt Nam dưới sự dẫn dắt của ông Phương Hữu Việt – một trong những nhân tố quan trọng tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).

Trong đó, ông Phương Hữu Việt sinh năm 1964 (tuổi Rồng) quê Lương Tài, Bắc Ninh. Ông là tiến sỹ kinh tế, đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong quản lý kinh tế. Ông Việt từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT VietABank từ tháng 8/2011 cho đến tháng 9/2021, trước khi miễn nhiệm.

Tại thời điểm ông Việt được bổ nhiệm Chủ tịch VietABank, ông cũng đồng thời là Chủ tịch của Việt Phương Group; Phó Chủ tịch hội doanh nghiệp Việt Nam - liên bang Nga; Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ucraina và Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam.

Ảnh: Ông Phương Hữu Việt - một trong số nhân tố quan trọng tại VietABank.

Còn CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPG) tiền thân là Công ty TNHH Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương, được thành lập ngày 5/1/1996.

Tại thời điểm thành lập, ngành nghề hoạt động chính của doanh nghiệp là Thương mại, Dịch vụ; Vận chuyển hành khách công cộng bằng Taxi; Phân phối độc quyền mặt hàng thép không gỉ của Tập đoàn NEUMO (Cộng hòa Liên bang Đức).

Năm 2001 – 2006, Việt Phương Group đầu tư ra nước ngoài và tham gia lĩnh vực sản xuất; Đầu tư Nhà máy sản xuất chế gỗ tại Tỉnh Khăm-Muộn, CHDCND Lào; Tham gia đầu tư lĩnh vực sản xuất và lắp ráp Ô tô.

Cũng trong giai đoạn này, Việt Phương Group đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Đến tháng 3/2007, Việt Phương chuyển đổi mô hình sang CTCP.

Đến nay, Việt Phương đã phủ sóng hầu hết các lĩnh vực kinh doanh từ khai khoáng, bất động sản, khu công nghiệp, ngân hàng, đầu tư tài chính, thủy điện đến y tế. Ngoài ra, ông Phương Hữu Việt còn điều hành nhiều tập đoàn khác như Capella Group, Infinity Group và LEC Group, củng cố thêm cho "đế chế" kinh doanh của mình.

Hiện, 4 ngành cốt lõi của Việt Phương gồm:

Thứ nhất, mảng khoáng sản: Việt Phương sở hữu các dự án trải rộng từ Bắc vào Nam với những mỏ khoáng sản quy mô lớn tại Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào). Chủ yếu là cát trắng, bô xít, đất hiếm, thạch anh...

Ngoài các dự án bô xít thì tập đoàn sở hữu mỏ cát trắng Phong Điền (Huế) với trữ lượng 27 triệu tấn, công suất khai thác hơn 1 triệu tấn/năm. Công ty thành viên MINCO khai thác 180.000 nghìn tấn cát và kính xây dựng/năm tại Quảng Nam.

Thứ hai, mảng năng lượng: Việt Phương cũng phát triển rộng rãi trên các khía cạnh thủy điện, điện khí, điện mặt trời, điện gió. Một số dự án nổi bật như Thủy điện Nậm Be (Lai Châu), Thủy điện Tà Niết (Sơn La), Thủy điện Chấn Thịnh (Yên Bái), Thủy Điện A Vương 3 và 5 (Quảng Nam)...

Việt Phương Group còn xuất hiện tại CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (mã chứng khoán TTE) - chủ sở hữu nhiều dự án thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên như Tà Vi, Đăk Bla 1, Đăk Ne, Đăk Pia và dự kiến đầu tư năng lượng tái tạo.

Thứ ba, lĩnh vực bất động sản: một trong những dự án đầu tư sớm nhất của Việt Phương Group là Sơn Trà Resort&Spa, thuộc CTCP Sơn Trà, tọa lạc tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Dự án có quy mô 14ha đất và 20ha mặt biển, trải dài 1,3km bờ biển Sơn Trà.

Bên cạnh những doanh nghiệp được Việt Phương thông tin trên website, một doanh nghiệp quan trọng có liên quan là Công ty TNHH Capella Group ra đời tháng 7/2015 có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, thời điểm đó thuộc sở hữu của ông Phương Hữu Việt.

Tuy nhiên sau đó, Chủ tịch VietABank đã thoái vốn khỏi Capella Group. Dù vậy, theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tại thời điểm thay đổi năm 2022, 2 cổ đông họ Phương là ông Phương Minh Tuấn đang nắm 30% vốn và bà Phương Thùy Liên đang có 40% vốn tại Capella Group.

Ảnh: Sở hữu tại Capella Group.

Về Capella Group, công ty này được biết có đơn vị thành viên là CTCP Bất động sản Capella (Capella Land), chuyên đầu tư và phát triển khu công nghiệp với các dự án như: KCN Gia Bình, Bắc Ninh (306,9ha); KCN Thanh Liêm với 150ha đã được cơ bản lấp đầy trong giai đoạn 1, nhiều dự án đầu tư lớn của Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Tân Á Đại Thành…

Bên cạnh đó, Capella Group còn là cổ đông sáng lập, góp 50% vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn LEC (LEC Group) được thành lập vào tháng 11/2018, với quy mô vốn điều lệ ban đầu ở mức 300 tỷ đồng.

LEC Group hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực logistics, bao gồm các dịch vụ cảng, kinh doanh kho bãi, vận chuyển. Theo giới thiệu trên website, doanh nghiệp này đang có mối hợp tác với nhiều cảng lớn, trải dài khắp 3 miền trên cả nước, trong đó nổi bật là cảng Phú Thái (Hải Dương), cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) và cảng Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu).

LEC Group còn là đơn vị vận chuyển, nhập khẩu dăm gỗ, viên nén gỗ, than đá (từ các quốc gia Indonesia, Nga, Úc) vào Việt Nam.

Cuối cùng, lĩnh vực tài chính: Việt Phương là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB). Tập đoàn này đang sở hữu trực tiếp 12,21% vốn điều lệ và các bên liên quan nắm 7,63% (tính đến tháng 10/2024).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm