Đại gia Nam Định tham vọng chiểm thị phần 60% các sản phẩm Apple
Đối với thị trường điện thoại, điện máy, hiện tại Thế Giới Di Động của đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài đã có trên 3.000 cửa hàng nên trong các năm tới cơ hội mở thêm ồ ạt như các năm trước là không có. Tuy nhiên MWG sẽ vẫn có mở thêm hoặc mở thay thế tại một số khu vực có tiềm năng hoặc những nơi có mặt bằng khan hiếm.
Đại gia Nam Định tham vọng chiểm thị phần 60% các sản phẩm Apple.
Tập đoàn vẫn còn nhiều cơ hội để nâng cấp các shop hiện tại có thể chuyển đổi từ TGDĐ thành ĐMX hoặc từ các shop mini lên thành ĐMX lớn hoặc từ supermini thành mini.
Hiện phân khúc của ĐMX chỉ tập trung từ tầm trung trở xuống nên vẫn còn phân khúc khách hàng tầm cao cấp. Năm nay, tập đoàn đặt mục tiêu có thể mở những trung tâm ĐMX quy mô tới 2.500 tới 3.500 m2 với đầy đủ các dòng sản phẩm bao gồm cả sản phẩm cao cấp.
Đáng chú ý, chuỗi TopZone hiện có 20 cửa hàng, mục tiêu tới cuối tháng 3 có 50 cửa hàng và đang làm việc tới Apple tới hết năm có 200 cửa hàng. Doanh số trong mỗi cửa hàng thì có thể lên tới 8 - 10 tỷ/cửa hàng.
Đối với các sản phẩm của Apple, thị phần của MWG trong năm 2021 dao động khoảng 30 - 35% với doanh số trong năm qua khoảng 500 triệu USD (thị trường Apple ở Việt Nam khoảng 1,5 tỷ USD).
Mục tiêu cho 2022, doanh số bán sản phẩm Apple của MWG có thể lên tới 750 triệu USD (tổng quy mô thị trường ở Việt Nam dự kiến là 1,6 tỷ USD), nâng thị phần từ 30 lên 45% và tiếp tục nâng thị phần lên khoảng 60% thời gian tới. Trong đó, mục tiêu 250 triệu USD từ mô hình TopZone trong năm nay.
FLC của ông Trịnh Văn Quyết bị phạt gần 500 triệu đồng
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) vì công bố thông tin không đúng quy định trong giai đoạn năm 2018-2021.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 24/3/2020 đến 13/5/2021, cơ quan quản lý chứng khoán cho biết một số nghị quyết HĐQT của doanh nghiệp này đã không được công bố thông tin theo đúng quy định trên hệ thống của Ủy ban Chứng khoán (hệ thống IDS Plus) và trang thông tin điện tử của Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Cùng với đó, công ty cũng không công bố đúng thời hạn với các tài liệu báo cáo tài chính riêng, hợp nhất kiểm toán năm 2019, bán niên 2020, quý III/2020 và giải trình chênh lệch kết quả sản xuất kinh doanh; báo cáo về việc từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Lê Thành Vinh; nghị quyết HĐQT về việc bổ nhiệm bà Lê Thị Trúc Quỳnh giữ chức vụ phó tổng giám đốc; nghị quyết HĐQT về việc thông qua việc góp vốn và thay đổi tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Với vi phạm kể trên, FLC bị phạt tiền 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán cũng phạt 200 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin với việc tập đoàn này công bố thông tin sai lệch trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 và bán niên 2021; các giao dịch với bên liên quan tại báo cáo tình hình quản trị năm 2020 và 2021.
Chủ tịch Đất Xanh chi hơn 900 tỷ đồng gom cổ phiếu
Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa có thông báo về kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ công ty là ông Lương Trí Thìn, chủ tịch HĐQT.
Theo đó, Đất Xanh cho biết ông Thìn đã hoàn tất đợt mua vào hơn 20,7 triệu cổ phiếu DXG theo đăng ký trước đó. Trong số này, có 725.700 cổ phiếu được ông Thìn mua theo chương trình ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và 20 triệu cổ phiếu mua thông qua các giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn.
Các giao dịch được thực hiện từ ngày 28/2 đến 18/3, trong giai đoạn này, thị giá DXG dao động phổ biến quanh vùng 43.000-45.000 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo giá này, ông Thìn đã phải chi gần 900 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch mua 20 triệu cổ phiếu trên sàn.
Ngoài ra, vị chủ tịch Đất Xanh cũng đã chi hơn 7 tỷ đồng để mua vào 725.700 cổ phiếu DXG theo chương trình ESOP.
Sau giao dịch, ông Thìn nâng lượng cổ phiếu DXG nắm giữ trực tiếp lên gần 104,9 triệu cổ phiếu, tương đương 17,46% vốn điều lệ nhà phát triển bất động sản này.
Ông Lê Phước Vũ muốn dồn lực cho mảng bán lẻ trước khi rời Hoa Sen
Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ông Lê Phước Vũ cho biết tập đoàn sẽ có bước ngoặt lớn là hình thành hệ thống bán lẻ Hoa Sen Home.
"Trong 5-10 năm tới, khi nói đến Tập đoàn Hoa Sen chính là nói đến hệ thống phân phối vật liệu xây dựng Hoa Sen Home chứ không phải là tôn Hoa Sen hay ống thép Hoa Sen", ông Vũ phát biểu.
Người đứng đầu Hoa Sen tin tưởng nếu vận hành tốt chuỗi bán lẻ này thì có thể đem về doanh số xấp xỉ 50.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD) cho tập đoàn, thậm chí lên 5 đến 10 tỷ USD cũng không phải là con số viển vông nếu triển khai hệ thống thành công.
Tỷ phú Trần Đình Long vay 35.000 tỷ đồng làm dự án Dung Quất 2
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa có thông báo về việc công ty con của tập đoàn - Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất - đã ký kết hợp đồng tín dụng với 8 ngân hàng lớn của Việt Nam.
Theo đó, 8 nhà băng - dẫn đầu bởi Vietcombank - sẽ thu xếp khoản vay hợp vốn 35.000 tỷ đồng cho Hòa Phát Dung Quất để làm dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Ngoài Vietcombank, 7 ngân hàng thương mại khác đứng ra thu xếp vốn cho Hòa Phát là BIDV, Agribank, VietinBank, MBBank, TPBank, VPBank và MSB. Đây là khoản tín dụng lớn nhất từ trước tới nay của Hòa Phát với các ngân hàng.
Được biết, các khoản vay có thời hạn 7 năm kể từ ngày ký kết, được ân hạn 2 năm và thời gian rút vốn là 24 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, cho biết khoản tín dụng 35.000 tỷ đồng này mang ý nghĩa quan trọng, đảm bảo sự thành công của dự án Dung Quất 2. Với kinh nghiệm và thành công từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, tập đoàn tin rằng dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo dòng vốn của các ngân hàng được sử dụng đúng mục đích.