Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nộp vào ngân sách bao nhiêu tiền?
Tập đoàn Vingroup (VIC) do tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và là cổ đông lớn đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với kết quả kinh doanh phục hồi mạnh sau những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Theo đó, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thu về 3.955 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng trưởng mạnh so với mức lỗ gần 6.600 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý IV/2022 đạt 410 tỷ, trong khi cùng kỳ lỗ gần 9.300 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi, bao gồm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận vào thu nhập tài chính đạt 130.759 tỷ đồng, tương đương hơn 5,5 tỷ USD.
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nộp vào ngân sách số tiền lớn
Nhờ tiết giảm được hàng nghìn tỷ đồng ở chi phí quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Vingroup đã đạt 12.694 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cũng chấm dứt đà thua lỗ năm liền trước với mức lãi dương 1.982 tỷ đồng.
Cùng với khoản doanh thu hơn 5,5 tỷ USD, trong năm 2022, Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng kê khai nộp vào ngân sách nhà nước hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 9.536 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng hơn 7.762 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân hơn 651 tỷ đồng; thuế nhà đất và tiền thuê đất hơn 515 tỷ đồng cùng thuế và các khoản phải nộp khác hơn 1.869 tỷ đồng.
Ông Bùi Thành Nhơn trở lại chức Chủ tịch Novaland
Ngày 3/2/2023, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị cho biết Novaland đã điều chỉnh số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống 5 thành viên và bầu cử lại thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT).
Theo đó, ông Bùi Thành Nhơn chính thức được bầu chọn là Chủ tịch HĐQT và là người đại diện pháp luật. Ông Nhơn trở lại vị trí Chủ tịch NVL sau hơn một năm chuyển giao chức Chủ tịch cho ông Bùi Xuân Huy được công bố cuối tháng 11/2022.
Theo báo cáo quản trị năm 2022 mới được công bố, trước khi trở lại giữ chức Chủ tịch NVL, ông Bùi Thành Nhơn đang trực tiếp nắm giữ hơn 96,76 triệu cổ phiếu doanh nghiệp tương đương tỷ lệ sở hữu 4,96%. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 3/2 là 14.950đ/cổ phiếu, khối tài sản ông Nhơn đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 1.446 tỷ đồng.
Tài sản ông Lê Hồng Minh lọt top nghìn tỷ
Ngày 1/2/2023, sau hàng chục phiên "trắng" thanh khoản, CTCP VNG (mã: VNZ) chính thức ghi nhận những cổ phiếu đầu tiên được khớp lệnh trên sàn chứng khoán.
Kết phiên giao dịch, cổ phiếu VNZ đã tăng kịch trần (tăng 96.000 đồng, +40%) lên mức 386.400 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hoá VNG lên 13.850 tỷ đồng (~590 triệu USD).
Với biên độ phiên khớp lệnh đầu tiên sau khi chào sàn UpCOM lên đến 40%, VNZ đã lập kỷ lục trở thành cổ phiếu có mức tăng trong một phiên mạnh nhất lịch sử tính theo số tuyệt đối. Con số này thậm chí còn cao hơn thị giá của phần lớn cổ phiếu trên toàn sàn chứng khoán.
VNZ đã lập kỷ lục trở thành cổ phiếu có mức tăng trong một phiên mạnh nhất lịch sử
Như vậy, sau 2 phiên tăng trần liên tiếp, “kỳ lân” công nghệ này đã có thêm 5.250 tỷ vốn hóa. Với hơn 3,5 triệu cổ phiếu VNZ đang nắm giữ (tỷ lệ 9,837% vốn), khối tài sản trên sàn chứng khoán của Lê Hồng Minh - CEO VNG cũng tăng thêm hơn 500 tỷ, qua đó vượt mức 1.360 tỷ đồng, đồng thời đưa ông Lê Hồng Minh gia nhập CLB những người sở hữu tài sản nghìn tỷ trên sàn giao dịch.
So với dàn lãnh đạo nhóm các công ty công nghệ, ông Minh đã vươn lên trở thành người giàu thứ 4, xếp sau 3 đại diện liên quan đến cổ phiếu FPT và vượt Phó chủ tịch FPT Đỗ Cao Bảo.
Doanh nghiệp của nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam kinh doanh ra sao?
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV cho thấy doanh thu thuần 11.807 tỷ đồng, gấp 4,2 lần cùng kỳ 2021. Giá vốn hàng bán tăng mạnh lên 15.650 tỷ đã khiến cho công ty lỗ gộp 3.843 tỷ đồng. Đây là mức lỗ gộp theo quý lớn nhất từ trước đến nay của Vietjet.
Doanh thu tài chính và chi phí tài chính lần lượt là 2.064 tỷ và 1.353 tỷ, đều cao gấp nhiều lần cùng kỳ 2021. Lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 3.746 tỷ đồng, trong khi quý IV năm trước đó chỉ lỗ 82 tỷ đồng.
Vietjet bất ngờ ghi nhận 1.625 tỷ đồng “thu nhập khác” trong quý IV/2022, vượt xa con số 7,8 tỷ đồng của một năm trước đó.
Nhờ khoản lợi nhuận bất thường này, hãng bay của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo chỉ còn lỗ sau thuế 2.358 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh kể trên. Tuy nhiên, kết quả quý IV vẫn là khoản lỗ sau thuế lớn nhất trong lịch sử của Vietjet.
Công ty Tân Tạo của bà Đặng Thị Hoàng Yến lỗ kỷ lục
Công CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Tân Tạo - mã chứng khoán ITA) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 và lũy kế năm 2022 với các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều rơi về đáy lịch sử.
Cụ thể, trong quý IV/2022, Tân Tạo ghi nhận doanh thu thuần âm đến hơn 2.033 tỉ đồng, giảm đến 861% so với cùng kỳ năm 2021, do bị giảm trừ doanh thu tới hơn 2.142 tỉ đồng. Thậm chí, giá vốn bán hàng cũng âm 1.610 tỉ đồng, giảm 1.247% so với cùng kỳ.
Kết quả, công ty lỗ gộp 423 tỉ đồng và lỗ ròng kỷ lục 330 tỉ đồng sau khi trừ các khoản chi phí khác.
Tân Tạo giải trình lý do sụt giảm sâu trong kết quả kinh doanh phần lớn là do bị thu hồi dự án Nhiệt điện Kiên Lương của công con là Công ty CP Phát triển Năng lượng Tân Tạo, buộc doanh nghiệp phải thanh lý hợp đồng thuê đất dài hạn xây dựng Trung tâm Điện lực Kiên Lương, dẫn đến giảm trừ doanh thu hơn 2.142 tỉ đồng.