Nhân viên vệ sinh môi trường có 35 tỷ, kỹ sư có 100 tỷ đồng
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam mới đây, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hoá chất Đức Giang đã tiết lộ về số tài sản khổng lồ mà đội ngũ công nhân viên của doanh nghiệp đang sở hữu.
Theo đó, ông Huyền tự hào một nhân viên vệ sinh môi trường của công ty cũng có 35 tỉ đồng, một kỹ sư có hơn 100 tỉ đồng nhờ sở hữu cổ phiếu DGC. Công ty 2.000 nhân sự năm qua có thêm vài trăm ô tô mới nhờ nhân viên trở nên giàu có hơn.
Ông Đào Hữu Huyền tiết lộ sốc về tài sản của nhân viên
Khối tài sản chục tỷ đến cả trăm tỷ đồng của nhân viên vệ sinh môi trường hay kỹ sư của Hóa chất Đức Giang đang sở hữu có được nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu DGC thời gian qua.
Với việc cổ phiếu DGC liên tục thiết lập mức đỉnh mới cũng giúp khối tài sản của Chủ tịch Đào Hữu Huyền tăng mạnh thời gian qua.
Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 13/6, vị doanh nhân 66 tuổi đang sở hữu khối tài sản hơn 8.643 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị vốn hóa thị trường của DGC cũng tăng lên hơn 46.702 tỷ đồng.
Ông Đỗ Anh Tuấn từ nhiệm Chủ tịch Công ty Xây dựng SCG
Công ty cổ phần Xây dựng SCG vừa công bố thông tin về việc thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, ngày 10/6 SCG đã nhận được đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch/Thành viên Hội đồng quản trị của ông Đỗ Anh Tuấn và Đơn từ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị của ông Lê Văn Nam.
Trong đơn từ nhiệm, ông Đỗ Anh Tuấn cho biết, nguyên nhân là do trong thời gian tới, kế hoạch công việc của ông Tuấn có sự thay đổi, vì vậy, ông Tuấn không thể sắp xếp được thời gian để đảm nhận công việc trên cương vị là Chủ tịch/Thành viên Hội đồng quản trị của SCG. Việc từ nhiệm của ông Tuấn nhằm đảo bảo hoạt động ổn định của SCG trong thời gian tới.
Cũng trong ngày 10/6, SCG ra quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của ông Lê Văn Nam, đồng thời cũng miễn nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc với ông Đặng Song Hải.
Chuẩn bị về tay hơn 60 tỷ đồng, đại gia Trương Gia Bình sở hữu khối tài sản thế nào?
FPT sẽ trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10%, tương ứng mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu nhận được 1.000 đồng. Thời gian thanh toán là ngày 27/6. Với 914 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính FPT sẽ chi 914 tỷ đồng để thanh toán cổ tức tiền mặt.
Cùng với đó, FPT sẽ thanh toán cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 5:1 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 20 cổ phiếu mới). Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của FPT sẽ tăng từ 9.142 tỷ đồng lên 10.970 tỷ đồng.
Ông Trương Gia Bình sở hữu khối tài sản khủng
Theo báo cáo quản trị năm 2021 của FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình đang trực tiếp nắm giữ gần 64 triệu cổ phiếu FPT, tương đương với vị đại gia sinh năm 1956 sẽ nhận được gần 64 tỷ đồng tiền cổ tức và gần 12,8 triệu cổ phiếu mới.
Sau đợt chia cổ tức của FPT, ngoài gần 64 tỷ đồng tiền mặt nhận được ông Trương Gia Bình sẽ sở hữu hơn 76,7 triệu cổ phiếu FPT. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 13/6, khối tài sản của đại gia 66 tuổi ở mã cổ phiếu này có giá trị hơn 6.615 tỷ đồng.
Glexhomes kinh doanh ra sao khi định cho vay tín chấp 2.000 tỷ đồng?
CTCP Glexhomes (Glexhomes) đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc cho CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco) vay tín chấp số tiền 2.000 tỉ đồng trong thời hạn 12 tháng, lãi suất vay không quá 8%/năm. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 1/6 – 13/6/2022.
Kể từ đầu năm 2022, Glexhomes đã hai lần xin ý kiến cổ đông về việc cho Vạn Hương Investoco vay tín chấp với các điều kiện vay tương tự. Cụ thể, vào các ngày 9/3 và 25/4, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Glexhomes đã lần lượt chấp thuận cho Vạn Hương Investoco vay hạn mức 1.000 tỉ đồng và 2.000 tỉ đồng.
Trong năm 2021, Glexhomes ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.080,9 tỉ đồng, tăng 88,1% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế ở mức 158,1 tỉ đồng, tăng 85% so với năm 2020.
Tính đến cuối năm 2021, Glexhomes có tổng cộng nguồn vốn hơn 3.144 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với con số chỉ hơn 992 tỷ đồng đầu năm. Cùng với đà tăng mạnh về tổng tài sản, nợ phải trả của Glexhomes cũng tăng tới 10 lần khi từ hơn 115 tỷ đồng lên hơn 1.574 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 480 tỷ đồng và hơn 1.093 tỷ đồng nợ dài hạn. Tổng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn của Glexhomes là hơn 1.300 tỷ đồng.
VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia tay 4 nhân sự cao cấp
Hãng tin Reuters cho biết hãng xe Việt VinFast thông báo 4 Giám đốc điều hành cấp cao đã rời đi. Thay đổi này diễn ra khi VinFast chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ USD ở Bắc Carolina, mở phòng trưng bày đầu tiên ở California, tiến tới việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Các Giám đốc điều hành đã rời đi bao gồm Emmanuel Bret, Phó giám đốc điều hành phụ trách bán hàng toàn cầu; Franck Euvrard, Phó Giám đốc điều hành phát triển sản phẩm; Hong Bae, Phó giám đốc điều hành phát triển công nghệ xe và Bruno Tavares, người từng là Giám đốc tài chính.
Người phát ngôn của VinFast, đơn vị thuộc tập đoàn Vingroup, cho biết họ đã "chấm dứt hợp đồng lao động" với 4 người này khi nhận được sự đồng ý của họ. Công ty cho biết hai trong số các Giám đốc điều hành đã rời đi (không được nêu tên cụ thể), đã từ chức vì lý do cá nhân.
VinFast, bắt đầu sản xuất vào năm 2019, đang đặt cược lớn vào thị trường Mỹ, nơi họ hy vọng sẽ cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô và startup bằng hai mẫu SUV chạy điện và mô hình cho thuê pin độc đáo của mình.
VinFast đã hứa sẽ tạo ra 7.500 việc làm tại nhà máy theo kế hoạch của họ ở Bắc Carolina, nơi công ty sẽ chế tạo hai mẫu xe điện VF 8 và VF 9. Hãng xe Việt có kế hoạch bắt đầu xuất khẩu hai loại xe điện này sang Mỹ vào cuối năm nay từ nhà máy tại Việt Nam.