4 startup/35 startup đã nhận rót vốn thực
Theo tài liệu gửi kèm tại họp báo ra mắt Shark Tank mùa 5, nhà sản xuất cho biết kết quả thẩm định đầu tư (due diligence) của chương trình này mùa 4 thành công với 4 dự án. Tổng cộng số tiền được chi là xấp xỉ 22 tỷ đồng, so với số tiền cam kết khoảng 200 tỷ đồng trong các số phát sóng.
Cụ thể, dự án Vua Cua đã nhận được 3,5 tỷ đồng cho 10% từ Shark Liên (bà Đỗ Thị Kim Liên). "Sau khi rót vốn đợt 1 theo đúng cam kết trên sóng truyền hình, Shark Liên tiếp tục rót vốn đầu tư đợt 2 cho Vua Cua", tài liệu này cho biết như vậy nhưng không nói rõ số tiền rót thêm là bao nhiêu.
Thương vụ thứ hai được "rót vốn nhanh kỷ lục, đánh dấu màn due diligence thành công nhanh nhất lịch sử chương trình" là của Shark Bình (ông Nguyễn Hòa Bình) với Coolmate. Ông Bình thực hiện đúng lời hứa rót 500.000 USD cho 10% cổ phần nhưng không yêu cầu thêm 2,5% advisory shares (quyền chọn cổ phiếu được ưu tiên trao cho các cố vấn của công ty) như con số đã đề nghị trên sóng.
Theo đại diện Coolmate, sau khi lên Shark Tank và nhận được 500.000 USD, đơn vị đã có tăng trưởng vượt bậc.
"Việc đầu tư nhiều hơn vào sản xuất và sản phẩm đã giúp doanh số của Coolmate tăng lên tới 3 lần. Hiệu ứng truyền thông và marketing giúp website của Coolmate vượt hơn một triệu lượt truy cập/tháng. Số lượng đơn hàng của Coolmate cũng tăng trưởng 20%, ngày cao điểm lên đến 10.000 đơn hàng", vị này cho biết.
AnHome nhận 100.000 USD cho 40% cổ phần là thương vụ thành công của Shark Phú (ông Nguyễn Xuân Phú). Ông Phú đã giải ngân đúng như cam kết. Shark Việt (Ông Nguyễn Thanh Việt) đã giải ngân như đúng lời hứa 4 tỷ đồng cho 32% cổ phiếu tại dự án Blusaigon.
Như vậy, Shark Tank mùa 4 đã chiếu tập cuối vào ngày 15/8/2021 nhưng đến ngày diễn ra họp báo (18/5) mới chỉ có 4 startup trên tổng số 35 startup nhận rót vốn thực. Ngoài 4 shark đã xuống tiền thì Shark Hưng (ông Phạm Thanh Hưng), Shark Linh (bà Thái Vân Linh) và Shark Louis (ông Nguyễn Thế Lữ, Louis Nguyễn) của mùa 4 chưa giải ngân đồng nào.
Các Shark tham gia Shark Tank mùa 5. Ảnh: TV Hub.
"Bắt tay là đưa tiền thì bạn đang lầm tưởng"
Bà Lê Hạnh, Tổng Giám đốc TV Hub - Nhà sản xuất chương trình Shark Tank, cho biết: "Theo format chương trình thì cái bắt tay giữa Shark và Startup trên TV là để bắt đầu tìm hiểu nhau, mà giới đầu tư gọi là Due Dilligence (thẩm định doanh nghiệp), nếu bạn nghĩ bắt tay là đưa tiền thì bạn đang lầm tưởng. Có được cái bắt tay của Shark trên TV cũng là một phần thưởng đối với startup rồi. Báo chí đăng tin, nhân viên tự hào, đối tác chúc mừng, khách hàng tin tưởng… mất gì mà không bắt tay cái nào?
Thêm nữa, đời startup là gọi vốn không phải một vòng mà nhiều vòng, không có trường lớp nào bằng thực chiến. Sau mỗi cuộc thẩm định bạn sẽ có thêm trải nghiệm và full fill (bổ sung - PV) được skill set (bộ kỹ năng - PV) làm việc với nhà đầu tư. Tôi vẫn khuyên các bạn nên ráng đạt được cái bắt tay Shark trên sóng truyền hình".
Bà Hạnh cũng nói thêm, số tiền đã giải ngân hơn 1 triệu USD cho 5 startup tuy ít hơn các mùa trước khoảng 43% so với TV deal (đề nghị đầu tư trên sóng) nhưng cũng không phải là quá ít. "Ngay sau phát sóng mùa 4 là dịch, shark Liên vẫn vượt dịch đầu tư nhưng không phải startup nào cũng cố gắng vượt dịch được như Vua Cua, Coolmate . Cây bút Tả thiên thanh của BluSaigon là tiếp thu ý tưởng của Shark Việt. An Home thì đã dọn về toà nhà Sunhouse, ngoài tiền Startup còn có được những giá trị khác từ Shark", Tổng Giám đốc TV Hub cho hay.
Theo thông tin do bà Hạnh cung cấp, trong khu vực, năm 2018, Shark Tank Úc chỉ rót vốn cho 4 startup/27 TV deal. Shark Tank Mỹ có tỷ lệ rót vốn cao nhất thế giới, 47% đầu tư. "Lý do thành công cao là gọi vốn ít, tỷ lệ phần trăm hợp lý, start up biết người biết ta", Nhà sản xuất Lê Hạnh đúc kết.
Shark Tank là một thương hiệu chương trình truyền hình thực tế của Mỹ được phát sóng lần đầu năm 2009. Trong chương trình, các người chơi là những doanh nhân khởi nghiệp sẽ thuyết trình trước một hội đồng các nhà đầu tư (“các cá mập” - Shark), và những nhà đầu tư này sẽ lựa chọn đầu tư hoặc không. Chương trình này rất thành công và nhanh chóng lan ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi, là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, trong năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 trong hệ sinh thái khởi nghiệp ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Tuy gặp khó khăn vì dịch bệnh, song năm 2021 vừa qua, nền kinh tế đón nhận hơn 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, hơn 43 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.