Thời sự

Đa phần các tổ chức đều dự báo lạm phát Việt Nam trong tầm kiểm soát, dưới 4%

Số liệu cho thấy rủi ro lạm phát đang gia tăng

CPI Việt Nam tăng vọt trong tháng 6, tăng gần 3,4% so với cùng kỳ, khi giá xăng dầu trong nước liên tục tăng mạnh theo giá dầu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển, và nhu cầu hồi phục trở lại sau dịch. 

 

Các sỗ liệu cho thấy rủi ro lạm phát đang gia tăng. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhìn nhận lạm phát, giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề cần quan tâm. Không chỉ có giá xăng, giá phân bón, vật tư, nhân công, những hàng hóa khác cũng tăng. Do đó, cần phải có kịch bản điều hành, kiểm soát lạm phát.  

Theo các chuyên gia của Mirae Asset đánh giá, rủi ro lạm phát ngày càng gia tăng trong 2022, do các yếu tố.

Thứ nhất, giá cả lương thực đang gia tăng do thời tiết xấu, giá cả vận chuyển tăng, chịu ảnh hưởng chiến tranh Nga-Ukraine.

Thứ hai, sự tăng giá hàng hóa và nguyên vật liệu đầu vào có khả năng kéo dài do nhu cầu tiêu dùng hồi phục trong khi nguồn cung bị đứt gãy.

Ngoài ra, tác động của gói hỗ trợ lớn của Chính phủ, kèm theo tăng trưởng tín dụng cao cũng là yếu tố làm gia tăng rủi ro lạm phát.

Dù vậy, Mirae Asset nhìn nhận các chính sách đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định thị trường của Chính phủ, đi kèm chính sách rút ròng qua thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần kiềm chế lạm phát.  

 

 

Đa phần các tổ chức dự báo lạm phát 2022 dưới 4% 

Cập nhật mới nhất về dự báo lạm phát Việt Nam năm nay, đa phần các tổ chức vẫn dự báo CPI Việt Nam vẫn trong mức kiểm soát.

Các chuyên gia của Mirae Asset vẫn giữ quan điểm lạm phát sẽ được kiểm soát ổn định dưới mức mục tiêu 4% trong năm 2022, với dự báo 3,9%, cao hơn mức đồng thuận chung của các tố chức dự phóng là 3,6%.

Công ty cũng lưu ý, lạm phát các nước được kỳ vọng sẽ tạo đỉnh trong năm 2022 và hạ nhiệt sau đó, khi chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, kèm theo kỳ vọng giá năng lượng và thực phẩm hạ nhiệt và nguồn cung hồi phục.

Tuy nhiên, nếu tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc giá hàng hóa gia tăng tiếp tục kéo dài, lạm phát ở nhiều nước có thể sẽ tăng trên mức mục tiêu, trong đó có Việt Nam. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo hồi tháng 4 nhận định lạm phát 2022 của Việt Nam ở mứ 3,9%. Hôm 6/7, Ban điều hành IMF cho biết mặc dù lạm phát đang tăng trong thời gian gần đây do giá hàng hóa tăng và sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng, nhưng tỷ lệ lạm phát hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với trần lạm phát của ngân hàng trung ương.   

 

 

Trong báo cáo mới đây, HSBC cảnh báo có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã bắt đầu lan rộng. Lần đầu tiên trong gần hai năm, lạm phát cơ bản đã hồi phục ở mức 2% so với cùng kỳ năm trước, khi nhu cầu trong nước tiếp tục tăng.

Do giá dầu thế giới tăng, HSBC tin rằng áp lực lạm phát sẽ gia tăng và dự báo rằng lạm phát năm 2022 sẽ ở mức trung bình 3,5% - thấp hơn mức trần 4% do NHNN đặt ra.

Ngân hàng này cảnh báo lạm phát sẽ có thể vượt qua mức 4% kể từ quý IV/2022 đến quý II/2023, đòi hỏi NHNN cần bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm