Nhiều người đang đặc biệt chú ý tới định hướng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và khả năng xóa bỏ độc quyền vàng miếng. Khi tình trạng chênh lệch lớn giữa giá vàng SJC và thế giới vẫn tiếp diễn khiến vô số nhà đầu tư “than thở” vì vàng. Thực tế đây không phải lần đầu tiên, giá vàng trong nước liên tục “ nhảy múa” trong một thời gian ngắn mà từ giữa tháng 8 năm ngoái, giá vàng miếng SJC bắt đầu loạn nhịp, với những bước tăng nhanh và mạnh và liên tiếp lập đỉnh cao nhất từ trước đến nay, lên tới 80 triệu đồng/ lượng bán ra. Thậm chí, giá vàng trong nước có khi tăng nhanh hơn hoặc ngược chiều tăng giảm so với giá vàng thế giới. Có thể nói, giá vàng SJC hiện diễn biến theo kiểu “một mình một chợ”.
Một số người dân bày tỏ quan điểm: "Mình thấy là gần 1 năm trở lại đây giá vàng liên tục có những biến động, thậm chí là tăng ở mức chưa từng có"; "Vàng là một trong những dòng sản phẩm tài chính và tích trữ. Tuy nhiên, thị trường vàng trong 1 năm qua là tăng khá nhanh và bất ngờ. Trong khi đó giá vàng dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng lên".
Cũng theo nhận định của chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, điểm bất hợp lý nhất của thị trường vàng hiện nay là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới . Có thời điểm, giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới lên tới hơn 19 triệu đồng/lượng.
Đề cập đến nguyên nhân, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến: "Hiện nay, giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Và ở trong nước, giá mua vào vẫn cao hơn so với giá bán ra. Và thị trường vàng không liên thông so với thế giới để mà điều chỉnh. Nhiều năm qua, NHNN không còn cấp hạn ngạch dập vàng miếng SJC. Có lẽ nên cho phép một số nhà kinh doanh vàng được nhập khẩu vàng thế giới, để giá vàng có thể liên thông với thế giới".
Nhìn lại thời điểm hơn 10 năm trước, vàng được coi như một trong những phương tiện thanh toán được ưa chuộng, nhiều giao dịch giá trị lớn được quy thành vàng khiến các cơ quan quản lý lo ngại tình trạng "vàng hóa nền kinh tế".
Do đó, Nghị định 24 ra đời đã phát huy hiệu quả tốt, đem lại trật tự và sự ổn định thị trường vàng như chia sẻ của ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA): "Nghị định 24 ra đời đã phù hợp, và có tác dụng rất tốt, ổn định lại thị trường vàng và kiểm soát tốt việc sản xuất kinh doanh vàng miếng. Thứ 2, về mặt chủ trương thì khuyến khích sản xuất trang sức mỹ nghệ…"
Tuy nhiên, diễn biến thị trường vàng hiện nay với kiểu “một mình một chợ” đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi nghị định này để phù hợp hơn với thực tế theo hướng tránh “tiền tệ hóa” vàng SJC.
Chỉ ra một số bất cập, luật sư Phạm Thành Tài, Công ty Luật Phạm Danh cho biết: "Sau 10 năm triển khai Nghị định 24 thì hiện bối cảnh nền kinh tế nhiều thay đổi. Một số quy định của Nghị định 24 trở nên bất cập, cần xem xet đánh giá cho phù hợp tình hình kinh tế mới . Các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, đưa vào nội dung phù hợp từ đó tạo ra sự cạnh tranh với vàng SJC hiện nay, từ đó giảm giá vàng, phù hợp hơn với giá vàng thế giới".
Đồng quan điểm, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phân tích, cho rằng, nguyên nhân khiến giá vàng trong nước “một mình một chợ” là do tình trạng độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Thực tế những năm qua, hầu như Nhà nước lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Mặc dù SJC và các vàng miếng khác có thể cùng chất lượng như nhau, nhưng đây là vàng thương hiệu quốc gia nên đương nhiên được tin cậy, tích lũy đảm bảo an toàn nhất nên người dân đều mong muốn mua, tích lũy, sở hữu. Song khi cung không có mà cầu có thực sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và giá vàng sẽ tăng.
"Rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý, sửa đổi Nghị định số 24, không nhất thiết phải độc quyền Nhà nước về một thương hiệu vàng. Có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân, nguồn cung được tự do được cạnh tranh bình đẳng thì sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa. Cùng với đó cần có liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế", GS.TS. Hoàng Văn Cường nói.
Và trong Chỉ thị 06 ngày 15/2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Cùng với đó, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới và phải hoàn thành trong quý I năm nay.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng có văn bản chỉ đạo NHNN nhanh chóng tổng kết Nghị định 24, báo cáo kết quả thanh tra thị trường vàng trong tháng 2, không để giá vàng trong nước chênh lệch quá cao so giá vàng thế giới.