Thời sự

Đã có những tỉnh nào cho F0 đi làm?

Ngày 16-3, thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau cho biết tại cuộc họp giao ban giữa Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương ban hành quy định tạm thời về việc đi làm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... là F0, F1.

 Đã có những tỉnh nào cho F0 đi làm? - Ảnh 1.

Các trường hợp F0, F1 tại các cơ sở sản xuất, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp tại Cà Mau được làm việc trực tiếp. Ảnh: Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau

Theo đó, các trường hợp F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, F1 có nguy cơ, nguy cơ cao được đi làm việc, nhưng phải trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo nguyên tắc không tiếp xúc với người khác; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... hỗ trợ người lao động xét nghiệm 2 lần/tuần, bố trí sản xuất, kinh doanh khoa học, hợp lý nhất và đảm bảo an toàn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phân công công việc hợp lý, đảm bảo công tác phòng, chống dịch, tránh trường hợp lợi dụng dịch bệnh để nghỉ việc, ảnh hưởng tiến độ, chất lượng công việc.

Đối với việc đi làm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... giao Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định tạm thời để thực hiện.

Đồng thời, giao Sở Y tế tiếp tục đề xuất, kiến nghị Bộ Y tế sớm ưu tiên phân bổ vắc xin tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và vắc-xin tiêm mũi 2, mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên.

 Đã có những tỉnh nào cho F0 đi làm? - Ảnh 2.

Hiện đã có tỉnh Long An và Cà Mau cho phép các trường hợp F0, F1 đi làm trực tiếp.

Trước đó, vào ngày 9/3, tỉnh Long An đã cho phép F0, F1 được đi làm dựa trên tinh thần tự nguyện và phải có sự đồng ý của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị.

Phân tích về việc đề xuất cho F0, F1 được đi làm, bác sĩ Lê Văn Chính, chuyên khoa tai mũi họng, Bệnh viện Hồng Ngọc cho biết trên báo VOV, hiện Covid-19 vẫn là một bệnh truyền nhiễm nhóm A, vẫn có mức độ nguy hiểm nhất định. Do đó, cần có sự linh hoạt, chuẩn bị phù hợp để ứng phó.

Từng cơ quan, công sở, doanh nghiệp phải có hướng dẫn cụ thể cho người lao động về các điều kiện áp dụng theo quy định để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Bác sĩ Lê Văn Chính phân tích: "Không ai hiểu bệnh của mình bằng chính mình, có thể cảm nhận cơ thể có ổn hay không, tuy nhiên cũng phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Một số nơi có công nhân hay cơ sở y tế, nhân viên nhiễm F0 vẫn làm việc nhưng làm việc ở khu sàng lọc, khu lây nhiễm cao vẫn phải bảo hộ đầy đủ".

Đa số cho rằng, việc cho F0, F1 tham gia làm việc trong thời gian cách ly nên xét theo nguyện vọng của đối tượng, việc áp dụng nên linh hoạt. Đối với những vùng dịch phức tạp thì số lượng F1 khá cao có thể xem xét cho đi làm tránh thiếu hụt lao động, còn ở nơi ít ca nhiễm, đảm bảo nhân lực thì nên để F1 làm trực tuyến để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bùng phát.

Trong bối cảnh thiếu lao động như hiện nay, việc để F0 không triệu chứng đi làm là giải pháp tình thế, nhưng phải đảm bảo làm sao không gây áp lực lây nhiễm lên các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, nhất là tại những nơi có không gian kín, mật độ lao động cao.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm