Chiếc áo mang dòng chữ "Kuya Thom goes home. Walking 15.000 km to give children a home" (Kuya Thom về nhà. Đi bộ 15.000 km để cho những đứa trẻ một mái nhà) của anh đã bạc. Thomas cho biết, hành trình của anh không phải để phiêu lưu hay phá kỷ lục, mà vì những đứa trẻ mưu sinh trên bãi rác, bị xâm hại, bạo lực tại Philippines.
Công dân Thụy Sĩ này là người sáng lập tổ chức từ thiện Island Kids Philippines (IKP) ở thành phố Cagayan de Oro, Philippines. Hành trình đi bộ 15.000 km bắt đầu hai năm trước khi Thomas muốn trở lại đất nước quốc đảo, thay vì đi máy bay, anh quyết định đi bộ với mục tiêu gây quỹ để xây trường học cho trẻ em ở đây.
Từ quê nhà Interlaken, ngày 25/8/2021, Thomas đã băng qua sa mạc, núi cao của 22 quốc gia. Việt Nam là điểm dừng chân cuối cùng của anh trước khi bay qua Philippines và kết thúc hành trình vào tháng 5 tới.
Thomas cho biết không phải lúc nào cũng đi bộ do một số quốc gia cách nhau đường biển hoặc tình hình an ninh. Thích khám phá thiên nhiên, anh thường chọn những cung đường khó như đi bộ qua những sa mạc ở Kazakhstan, Pakistan, cho đến những ngọn núi cao 5.000 m của Nepal. Một trong những lần khó khăn với anh là vượt qua những ngọn núi ở Vườn Quốc gia Great Himalaya, trong tình trạng bị thương ở chân, ong bắp cày tấn công.
"Thật trớ trêu. Tôi đã sống sót qua những nơi nguy hiểm ấy nhưng lại suýt chết vì một hòn đá rơi từ trên cao xuống khi đang đi trên một con đường bình thường", anh kể.
Nỗi cô đơn trên đường cũng không dễ dàng. Chỉ một số nơi có bạn đồng hành, còn hầu hết anh đi một mình. Thậm chí ở một số vùng hẻo lánh như Ladakh, Ấn Độ, suốt 8 ngày anh không nhìn thấy một bóng người. Thức ăn ở quốc gia này cũng khiến Thomas ba lần bị ngộ độc, tiêu chảy, sốt cao và ốm yếu.
"Cloramine B để khử trùng nước, một chiếc bếp nhỏ, lều và đệm hơi đã giúp tôi có thể sống sót trong các tình huống như thế", anh nói.
Nhưng Thomas kể, những thử thách thể xác, những lần bị băng đảng tội phạm đe dọa tính mạng và giam cầm không khiến anh sợ hãi bằng khi đối mặt với giao thông hỗn loạn và ô nhiễm trầm trọng Ấn Độ và Bangladesh.
"Chưa có một giây phút nào tôi nao núng, vì tôi thực hiện chuyến đi không phải để phá kỷ lục của ai đó, cũng không cần vượt qua giới hạn bản thân. Tôi đi vì có những đứa trẻ đang chờ ở điểm cuối", anh nói.
Cơ duyên đưa người đàn ông đất nước giàu nhất nhì thế giới đến với quốc gia ở Đông Nam Á bắt đầu 15 năm trước. Nhận lời mời của một người bạn, Thomas đến đây với dự định khám phá các hòn đảo và lặn biển. Song gây ấn tượng với anh lại là hình ảnh những em nhỏ mưu sinh trên bãi rác, những đứa trẻ đói rách trên đường phố.
"Đó chưa phải là kinh hoàng nhất. Khi đang ăn tối trên bãi biển, tôi được mời chào dịch vụ tình dục trẻ em. Tôi sốc", Thomas Kellenberger hồi tưởng.
Khoảnh khắc đó khiến chàng cảnh sát 25 tuổi biết mình không thể làm ngơ. Ngay trong chuyến du lịch, anh cùng người bạn giải cứu bốn bé gái và đưa đến nơi an toàn. Trở lại Thụy Sĩ, anh vận động quyên góp, rồi xin nghỉ việc. Rất nhiều người ngăn cản Thomas, ngoại trừ mẹ anh, bà Ruth Kellenberger.
Hai mẹ con trở thành những thành viên sáng lập đầu tiên của tổ chức Island Kids Philippines (IKP) vào năm 2007. Trong các năm qua, Thomas ở "quê hương thứ hai" để điều hành tổ chức, còn mẹ ở quê nhà kêu gọi ủng hộ. Quỹ của họ nhận phần lớn tài trợ từ Thụy Sĩ và Đức.
Thomas nói rằng việc giúp những đứa trẻ bị buôn bán, bạo lực và xâm hại ở quốc gia này không hề dễ dàng, khi mà những kẻ ác thường chính là những người ruột thịt, người có địa vị và tiền.
Trong khoảng 1.500 nạn nhân đã được tổ chức hỗ trợ, Thomas nhói lòng mỗi khi nhớ một cô bé 10 tuổi bị bán vào động mại dâm và chỉ được giải cứu bốn năm sau đó. Cô bé được đưa trở về ngôi làng an toàn trong tình trạng không chỉ đau đớn thể xác, mà tâm hồn vỡ vụn. IKP đã đem cho em sự tin tưởng, hỗ trợ. Các chuyên gia tâm lý xã hội và con người cùng vào cuộc chữa lành cho em.
Một em khác bị một người có quyền tiền xâm hại. IKP đồng hành với gia đình em đưa vụ việc ra tòa. Song luật sư ăn tiền của kẻ xâm hại, quan toà thông đồng với luật sư. Hành trình đòi công lý cho em có lúc đã sụp đổ.
Với nghiệp vụ của một cảnh sát, những kỹ năng của một thạc sĩ ngành công tác xã hội, Thomas đã thu thập được những bằng chứng quan trọng. Vụ án sau đó được lật lại, kẻ gây tội đã bị trừng phạt.
Năm 2020, một biến cố xảy đến với cựu cảnh sát này. Quê nhà báo tin mẹ anh bị ung thư giai đoạn cuối. Anh phải trở về chăm sóc mẹ. Bà Ruth nói với con trai tâm nguyện được trở về ngôi làng ở Cagayan de Oro một lần nữa.
Chuyến đi cuối cùng ấy vô cùng đặc biệt. Đó không chỉ là quãng thời gian để người con được báo hiếu sau nhiều năm xa cách mà bà Ruth còn được tận mắt thấy những thành quả trong 15 năm. Hai ngôi trường, 12 lớp học, hàng nghìn đứa trẻ được hưởng các quyền cơ bản. "Cảm xúc của mẹ sau chuyến đi là tự hào", người con chia sẻ.
Những thành quả là không thể phủ nhận, nhưng Thomas nói, nạn buôn bán và tình dục trẻ em vẫn còn, những đứa trẻ đói nghèo vẫn phổ biến. Chuyến đi để trở về này là một hành động trong những hành động không mệt mỏi của Thomas vì trẻ em Philippines.
Hiện anh đã đi được 13.000 km và gây quỹ được gần 92.000 USD. Vẫn còn xa mới đạt được mục tiêu 165.000 USD để tạo ra "một ngôi làng thứ hai". Anh dự kiến viết sách, làm phim tài liệu về chuyến đi để gây thêm quỹ.
Trong hành trình, anh cũng gặp gỡ nhiều người điều hành các tổ chức phi chính phủ khác, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bỏ bê, lạm dụng và bóc lột trẻ em, đồng thời hình thành mối liên kết trong các trường hợp cần hành động khẩn cấp.
"Đặt chân tới Hà Nội tôi đã đi quanh thành phố và vô cùng ngạc nhiên. Cùng ở Đông Nam Á, tôi không thấy tình trạng trẻ lang thang ngoài đường như ở Philippines. Tôi rất mong được tiếp xúc với các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam để trao đổi và học thêm kinh nghiệm của nước các bạn", người đàn ông Thụy Sĩ nói.
Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass gọi Thomas Kellenberger là người hùng. "Những gì anh ấy đang làm mang lại nguồn cảm hứng và bài học rất quý", ông cho hay.