Khởi nghiệp

Cựu "cá mập" chia sẻ về startup của Lương Xuân Trường: Mô hình dễ hiểu là lợi thế, nhưng cần chú ý bởi một số ông lớn sắp tham gia cuộc chơi

Mới đây, trên sóng tập 6 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5, người xem đã bất ngờ khi chứng kiến sự màn gọi vốn của tuyển thủ đội tuyển quốc gia Việt Nam Lương Xuân Trường.

Cụ thể, cầu thủ đang thuộc biên chế CLB Hoàng Anh Gia Lai và người đồng hành Nguyễn Việt Hùng đã lên sóng kêu gọi số vốn 3,5 tỷ đồng cho 5% cổ phần Trung Tâm Phục Hồi Chấn Thương Thể Thao Quốc Tế (IRC).

Màn gọi vốn của Xuân Trường càng được chú ý hơn khi khiến hai “cá mập” là Shark Liên và Shark Phú dùng vé vàng để đua tranh, giành giật. Shark Liên với đề nghị vé vàng trị giá 500 triệu đồng là người đã giành được quyền deal với startup của Xuân Trường.

Sau quá trình thương lượng và hội ý, IRC đưa ra đề nghị đầu tư 7 tỷ cho 15% cổ phần. Shark Liên đề nghị 3,5 tỷ cho 15% cổ phần cùng cam kết sẵn sàng cho vay thêm. IRC không thay đổi mức đề nghị của mình. Cuối cùng, Shark Liên đồng ý cam kết đầu tư với 7 tỷ đồng đổi lại 15% cổ phần.

Lương Xuân Trường (trái) lên sóng Shark Tank Việt Nam gọi vốn. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Khi tập 6 kết thúc, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia về startup của tuyển thủ đội tuyển quốc gia Việt Nam, trong đó có ý kiến từ một “cá mập” cũ trong bể cá mập của chương trình Shark Tank Việt Nam, đó là Shark Trương Lý Hoàng Phi.

Cụ thể, trên trang Facebook cá nhân, Shark Phi chia sẻ: “Shark Tank mùa này mình xem được vài phần gọi vốn của những startup mà mình quan tâm, và hôm qua mình xem hai chàng trai này gọi vốn. IRC với sự xuất hiện của cầu thủ Xuân Trường là dự án được mình vote, một phần vì cảm tình với team, phần khác vì một vài yếu tố lý trí hơn”.

Theo đó, Shark Phi đã chỉ ra một số mặt được của IRC. Thứ nhất, Shark Phi cho biết ở các vòng gọi vốn angel hay seed round, đội ngũ thường chiếm tỷ trọng khá áp đảo trong nhiều tiêu chí để nhà đầu tư/người đồng hành ra quyết định. “Bạn Trường và đội ngũ có sự hiểu biết sâu sắc và sự đồng cảm cần thiết với khách hàng, hiểu biết nhất định trong lĩnh vực này. Đây là điều không khó để nhận ra và là yếu tố ăn điểm đầu tiên”, Shark Phi chia sẻ.

Thứ hai, Shark Phi đề cập tới yếu tố “sự sẵn sàng của thị trường”. Vị “cá mập” này nhấn mạnh rằng thị trường mà startup của Xuân Trường đang theo đuổi vốn đang tồn tại và đó vẫn là bài toán chưa có nhiều lời giải trọn vẹn ở góc độ khách hàng. Tín hiệu này cho thấy khoảng trống vẫn còn cho những tay chơi mới. Để xác định quy mô của thị trường, chắc chắn cần tới những con số. Tuy nhiên, tất cả những thứ được xem là độ lớn thị trường cũng cần lời giải ban đầu đủ hợp lý, vì nếu không thì dù thị trường lớn đến cỡ nào cũng chỉ là “bánh vẽ” đối với doanh nghiệp.

Shark Phi cũng cho rằng mô hình kinh doanh mà IRC đang theo đuổi là đơn giản và dễ hiểu. “Mô hình rất đơn giản, dễ hiểu, ai cũng cần, cũng sử dụng dù có muốn hay không vào một thời điểm nào đó. Đương nhiên, điều này mang lại lợi thế cho startup. Mô hình kinh doanh không phải mất thời gian và thậm chí nhiều tiền bạc để tiến vào thị trường. Vấn đề ở đây là quyết định của khách hàng sẽ chịu ảnh hưởng bởi yếu tố niềm tin và dịch vụ”, Shark Phi chia sẻ.

Bên cạnh đó, nữ “cá mập” này cũng đề cập tới một số mặt trái của startup mà Xuân Trường đang là Co-Founder. Đầu tiên, bà cho biết IRC, với mô hình kinh doanh hiện tại, đòi hỏi nguồn vốn ban đầu cao để trang bị thêm thiết bị, cơ sở vật chất,…

Câu chuyện lớn hơn, theo Shark Phi, liên quan đến yếu tố con người, hay cụ thể hơn là đội ngũ chuyên gia, bác sĩ. “Làm thế nào để chọn lựa, cộng tác, quản lý và giám sát quá trình cung cấp các dịch vụ từ thăm khám đến điều trị đảm bảo tính tiêu chuẩn và hiệu quả, điều này có vẻ IRC sẽ cần nhiều công sức và cả thời gian hay sự đỡ đầu từ vài “tên tuổi” lớn”, Shark Phi cho biết.

Về khía cạnh tài chính, nữ “cá mập” đề cập câu hỏi quan trọng nhất là làm sao tối ưu được khâu vận hành cho mô hình có cả đầu tư lớn và quản lý chất lượng dịch vụ ở mức độ tiêu chuẩn cao.

Cuối cùng, về khả năng cạnh tranh, Shark Phi cho biết đã quan sát thị trường và nhận thấy có một số “tên tuổi lớn” sắp nhảy vào cuộc chơi mà IRC đang theo đuổi. Tất nhiên, những “ông lớn” có lợi thế tài chính, vận hành, được tích luỹ một quãng thời gian trong cùng lĩnh vực. Do vậy, các đơn vị này sẽ “mát tay” hơn những người mới như IRC.

“Tất nhiên, cạnh tranh là cần thiết và khách hàng cũng sẽ đa dạng sự lựa chọn, tuy nhiên, chọn phân khúc hợp lý, tìm ra lợi thế cạnh tranh mang tính độc nhất mới là điểm quan trọng nhất mình muốn nói ở đây. Và điều này, lại một lần nữa cần thời gian, sự am hiểu sâu sắc ngành/lĩnh vực và cả chính mình của đội ngũ IRC”, Shark Phi chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm