Chia sẻ với Bloomberg Television, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho hay: “Điều đáng chú ý là không lâu trước đây, mọi người cho rằng thời đại của đồng USD đã kết thúc… Nhìn vào sức mạnh của nó bây giờ, tôi tin USD vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng giá”.
Ông Summers nhấn mạnh rằng Mỹ có “lợi thế to lớn” khi không phải phụ thuộc vào các “nguồn năng lượng đắt đỏ của nước ngoài”. Washington cũng đưa ra phản ứng tài khoá mạnh mẽ hơn trong đại dịch và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang thắt chặt chính sách nhanh chóng hơn các ngân hàng trung ương khác.
“Tất cả các yếu tố trên đang biến đồng USD thành một thiên đường trú ẩn - một thánh địa của dòng vốn toàn cầu. Các nguồn lực đang chảy vào đồng bạc xanh”, ông Summers - hiện là giáo sư của Đại học Harvard, nhận định.
Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ số giá USD giao ngay của Bloomberg đã tăng khoảng 11% và vừa chạm mức kỷ lục mới trong tuần này.
Hôm 6/9, đồng USD đã vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2002 so với đồng euro - khoảng 0,9864 EUR/USD. Một ngày sau, USD leo lên mức mạnh nhất kể từ năm 1998 so với đồng yen - tương đương 144,99 JPY/USD.
Cựu Bộ trưởng Summers nói: “Ở một số khía cạnh, các nền tảng cơ bản tương đối của Mỹ hiện đang tốt hơn so với châu Âu”.
Đồng tiền của Nhật Bản mất giá thậm chí còn nhanh hơn đồng euro. Từ đầu năm đến giờ, yen Nhật đã giảm hơn 19% so với đồng bạc xanh.
Điều đó đã khiến các quan chức Nhật Bản phải lên tiếng cảnh báo. Dấu hiệu đáng lo mới nhất là cuộc họp vào ngày 9/9 giữa Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda và Thủ tướng Fumio Kishida.
Giới chức Nhật Bản hiện không loại trừ bất kỳ phương án nào, trong bối cảnh các nhà đầu tư đồn đoán về khả năng Tokyo sẽ can thiệp để mua đồng yen và bán ra đồng USD.
Nhật Bản đã không thực hiện động thái đó kể từ năm 1998, khi họ hợp tác cùng Mỹ để ngăn chặn đà sụt giảm của đồng yen. Thời điểm đó, ông Summers đang là Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ.
Trao đổi với Bloomberg, ông Summers nhận định: “Tôi hoài nghi là các biện pháp can thiệp của Nhật Bản có thể sẽ không có tác động lâu dài. Thị trường vốn ngày nay quá lớn… so với nguồn lực của các nhà chức trách.
Do đó, tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu sự can thiệp của Nhật Bản có thể tạo ra tác động lớn và lâu dài lên việc duy trì giá trị của đồng yen”.
Theo ông Summers, vấn đề cơ bản đối với đồng yen là lãi suất của Nhật Bản - cả ngắn hạn lẫn dài hạn. BoJ đã giữ lãi suất chính sách ngắn hạn ở mức âm - cùng với việc giới hạn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức 0,25%.