Theo Investors, việc "về nhì" dường như đã trở nên quen thuộc đối với AMD, do bà Lisa Su điều hành. Trước đây, công ty đứng sau Intel ở lĩnh vực chip máy tính và máy chủ trong nhiều năm. Khi AI bùng nổ và nhu cầu chip cho trung tâm dữ liệu tăng nhanh, họ tiếp tục trở thành kẻ thách thức lớn nhất của Nvidia. Sự cạnh tranh được dự đoán thêm sức nóng vào ngày 18/3 khi Nvidia giới thiệu B100 - GPU thuộc dòng Blackwell đầu tiên của mình tại sự kiện GTC 2024 ở San Jose, California. Trong khi đó, AMD đang tăng cường sản xuất MI300X, chip chuyên huấn luyện các mô hình AI, để kịp cung ứng ra thị trường.
"Trong lịch sử, AMD luôn đứng thứ hai trong hầu hết lĩnh vực mà họ cạnh tranh, nhưng đều là những mảng hấp dẫn", nhà phân tích Harsh Kumar của Piper Sandler nói với Investors.
Không chỉ là đối thủ lớn trên thị trường, CEO Nvidia Jensen Huang và CEO AMD Lisa Su còn có quan hệ thân thích. "Chúng tôi là họ hàng xa", bà Su lần đầu tiết lộ trong sự kiện của Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng CTA năm 2020. Cuối 2023, nhà phả hệ học Jean Wu tại đảo Đài Loan công bố các văn bản hành chính cho thấy ông Huang là chú họ của bà Su. Khi đó, phát ngôn viên Nvidia xác nhận Jensen Huang là họ hàng bên ngoại của CEO AMD.
Dù sinh ra ở Đài Loan, cả hai sớm đến Mỹ. Huang sinh năm 1963 tại thành phố Đài Bắc, đến Thái Lan và cuối cùng là bang Washington (Mỹ) khi 9 tuổi. Còn bà Su sinh tại thành phố Đài Nam năm 1969, chuyển đến New York ba năm sau đó.
Huang và Su đều là những người đam mê kỹ thuật. Huang nhận bằng kỹ sư điện tại Đại học Bang Oregon (OSU), từng có thời gian làm việc tại AMD trước khi đồng sáng lập Nvidia với số vốn ban đầu 40.000 USD. Trong khi đó, bà Su chọn ngành kỹ thuật điện tại Viện Công nghệ Massachusetts năm 1986, lấy bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ tại đây.
Vị thế của AMD
Được xem là đối thủ số một của Intel, AMD từng trên đà sụp đổ khi cổ phiếu có lúc xuống mức 2 USD. Nhưng sau khi đảm nhiệm vị trí CEO năm 2014, Lisa Su đã đưa AMD trở lại đường đua dù vẫn chưa thể đuổi kịp Intel. Theo thống kê của IDC trong quý IV/2023, Intel chiếm 72,4% thị phần chip máy tính, còn AMD là 18,3%.
Trên thị trường chip AI, Nvidia củng cố vị thế gần như tuyệt đối. Theo Reuters, Nvidia hiện kiểm soát hơn 80% thị trường chip AI phân khúc cao cấp. Trong khi đó, dữ liệu được Wells Fargo công bố cuối tháng 1 cho thấy Nvidia chiếm 98% thị phần chip AI dành cho trung tâm dữ liệu, đứng thứ hai là AMD với 1,2% thị phần.
Sự thống trị này được dự đoán sẽ tiếp tục trong năm 2024, khi Jensen Huang tự tin tuyên bố Nvidia "không thể bị đánh bại", ít nhất trong tương lai gần. "Nhưng như thường lệ, AMD sẽ vẫn là kẻ bám đuôi khó chịu đối với bất cứ công ty nào trong lĩnh vực họ đang cạnh tranh", Wccftech bình luận.
Theo Extremetech, thị phần của Nvidia có thể giảm 5-10% năm nay, khi AMD đẩy nhanh việc tung ra các sản phẩm hàng đầu, trong đó có MI300X. Trong báo cáo cuối tháng 1, bà Su cho biết công ty đã nhận được đơn hàng chip mới nhất trị giá 3,5 tỷ USD.
Wells Fargo ước tính doanh thu GPU dành cho trung tâm dữ liệu của AMD trong năm tới sẽ dao động từ 461 triệu đến 2,1 tỷ USD. Tom's Hardware đánh giá con số này khá nhỏ so với hàng chục tỷ USD của Nvidia, những là thành tựu lớn cho thấy công ty bà Su điều hành đang đi đúng hướng.
Thực tế, sau khi AMD tăng cường hiện diện trên thị trường chip AI năm ngoái, Nvidia cũng chuyển sang chiến lược công bố mẫu chip chủ lực hàng năm, thay vì chu kỳ hai năm như trước. "Khách hàng xây dựng trung tâm AI lớn cần có sự lựa chọn. Bất kỳ thị trường nào bị thống trị bởi một nhà cung cấp duy nhất đều khiến họ khó chịu. Sự cạnh tranh nên diễn ra", nhà phân tích Patrick Moorhead của Moor Insights & Strategy nói.
Một khảo sát gần đây cũng cho thấy có sự chuyển dịch trong việc lựa chọn GPU của các kỹ sư AI. Theo công ty TensorWave, gần một nửa trong số 82 kỹ sư và chuyên gia AI tham gia khảo sát của họ nói muốn sử dụng chip AMD cho các mô hình đào tạo. Những người này cũng đặc biệt quan tâm đến mẫu AMD MI300X mới nhất nhờ tỷ lệ giá trị so với hiệu suất cao hơn, khả năng tiếp cận dễ dàng hơn.
Vấn đề của Nvidia và cơ hội của AMD
Theo giới chuyên gia, các mẫu GPU của Nvidia như H100 hay A100 hiện "cháy hàng" do nhu cầu lớn, trong khi bản H200 mạnh nhất phải giữa năm nay mới bán. Nhưng chính việc không thể đáp ứng nhu cầu về chip AI cho thị trường đã tạo cơ hội cho AMD giành thị phần. Ngoài AMD, lĩnh vực này còn có Intel với bộ xử lý Gaudi AI, Broadcom với ASIC, cũng như một số công ty dự định ra sản phẩm riêng như Marvell Technology, Cerebras và SambaNova Systems.
Các nhà phân tích phố Wall cho biết việc chi tiêu cho hạ tầng trung tâm dữ liệu để đào tạo AI chưa có dấu hiệu chậm lại. Ngay cả khi sự cạnh tranh ngày càng tăng, Nvidia vẫn khó bị lật đổ do hãng đang cung cấp giải pháp toàn diện cho điện toán AI, gồm phần mềm CUDA cũng như các mô hình và thư viện nền tảng để bắt đầu phát triển ứng dụng AI dễ dàng. Ngược lại, AMD và Intel lại tập trung vào việc cung cấp sức mạnh tính toán thô cho GPU.
"Tôi thực sự thấy AMD là một sự thay thế rất khả thi cho Nvidia", Kumar của Piper Sandler nói. "Cách AMD đang cố gắng cạnh tranh là mang lại giá trị và hiệu suất. Họ sẽ không cung cấp cho đối tác toàn bộ phần mềm và thư viện được xác định trước, nhưng sẽ đưa ra giải pháp tốt nhất về hiệu suất".
Kumar cũng cho rằng ở vị trí "về nhì", AMD có thể kiểm soát khoảng 20-30% thị phần ở lĩnh vực mà họ cạnh tranh. 20% thị phần chip AI là một con số khổng lồ, vì thị trường hiện rất lớn.
AMD lạc quan trước viễn cảnh này. Trong cuộc họp với các nhà đầu tư cuối tháng 1, bà Su ước tính thị trường chip AI sẽ tăng lên khoảng 400 tỷ USD vào năm 2027. "Vẻ đẹp của thị trường AI là đang phát triển nhanh đến mức, tôi nghĩ chúng tôi luôn tin và có động lực để giành thị phần", bà Su nói khi đó.
Lợi thế lớn nhất của AMD là giá. Tuy nhiên, theo Moorhead của Moor Insights & Strategy, công ty khó có thể vươn lên dẫn đầu. "AMD sẽ phải nỗ lực rất nhiều để trở thành số một. Họ cần tấn công ở tất cả vũ trụ", Kumar nói. "Nhưng đến nay, mọi thứ vẫn ổn với AMD. Họ đang để Nvidia tạo dựng thị trường, còn bản thân cố gắng giành khoảng 20% hoặc 30% thị phần".