Tài chính

Cuộc đua Ấn-Trung khốc liệt hơn khi ông Modi tái đắc cử: Lý do có cùng tham vọng với ông Tập

Ngày 9/6, tại Phủ Tổng thống ở thủ đô New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp - và theo các chuyên gia, điều này có khả năng làm gia tăng sự cạnh tranh kinh tế của Ấn Độ với Trung Quốc.

Cuộc đua Ấn-Trung khốc liệt hơn khi ông Modi tái đắc cử: Lý do có cùng tham vọng với ông Tập- Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên thệ nhậm chức tại Phủ Tổng thống ở thủ đô New Delhi, vào ngày 9/6. Ảnh: AFP

David Lubin - nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London - đã viết hôm 6/6 rằng, sự cạnh tranh có thể sẽ nóng lên vì ông Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cùng mục tiêu đối với đất nước của họ: sự tự cường.

Ông Modi có tầm nhìn về Viksit Bharat, hay "Ấn Độ phát triển", đặt ra con đường đưa nước lớn ở Nam Á này trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2047.

Trong khi đó, tầm nhìn của ông Tập đối với Trung Quốc là vị thế một cường quốc tầm cỡ toàn cầu vào năm 2049.

Lubin viết: "Cuộc cạnh tranh giành vị trí lãnh đạo kinh tế ở châu Á đang diễn ra."

Cả Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tập trung vào sản xuất

Để đạt được mục tiêu, Ấn Độ của ông Modi có thể sẽ phát triển mạnh mẽ về sản xuất.

Lubin viết: "Việc theo đuổi sự vĩ đại của quốc gia về cơ bản là một trò chơi tương đối và đối với Ấn Độ, sự so sánh quan trọng là với Trung Quốc."

Vì tự cường là ưu tiên trong chính sách của cả Ấn Độ và Trung Quốc, nên "nỗi ám ảnh về sản xuất có thể sẽ đi kèm với nó", Lubin viết.

Theo Business Insider, GDP 3,9 nghìn tỷ USD của Ấn Độ thua xa GDP 18,5 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Và Trung Quốc đã đóng vai trò là công xưởng của thế giới trong bốn thập kỷ qua – nhưng xu thế đang thay đổi.

Các công ty đa quốc gia đang đa dạng hóa hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia, và Ấn Độ đang hướng tới trở thành một "Trung Quốc mới".

Vì Ấn Độ hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới - với 65% dân số dưới 35 tuổi - nên có rất nhiều cơ hội cho quốc gia Nam Á.

Tuy nhiên, với việc Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của ông Modi mất đa số ghế trong quốc hội, điều này có nghĩa là chính quyền của ông sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc triển khai các cải cách lao động và đất đai rất cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng tại nước này.

Cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan nói trên chương trình "Planet Money" của đài phát thanh NPR (Mỹ) rằng, Ấn Độ đang bước vào một không gian đông đúc với các quốc gia mới nổi khác như Việt Nam, Bangladesh và Malaysia.

Rajan cho rằng, Ấn Độ sẽ làm tốt hơn nếu tập trung vào ngành dịch vụ vì nước này vốn có dân số nói tiếng Anh đông.

Nhưng theo Business Insider, chính phủ của Thủ tướng Modi đang chi ra số tiền lớn để bắt kịp Trung Quốc, bao gồm các ưu đãi và trợ cấp trị giá hơn 20 tỷ USD để khuyến khích sản xuất trong 14 lĩnh vực chính bao gồm điện tử, ô tô và pin xe điện.

Ấn Độ cũng cung cấp thêm 10 tỷ USD cho ngành công nghiệp chip bán dẫn – một lĩnh vực chiến lược hấp dẫn mà Đài Loan (Trung Quốc) đóng vai trò rất lớn. Ấn Độ đang cố gắng thu hút các nhà máy sản xuất chip của Đài Loan đầu tư vào Ấn Độ và đã đạt được một số thành công.

Mối quan hệ rạn nứt của Ấn Độ với Trung Quốc

Theo Business Insider, do sự cạnh tranh đang diễn ra giữa Ấn Độ với Trung Quốc và sự sốt sắng của chính phủ Thủ tướng Modi trong việc thu hút đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc), mối quan hệ Delhi - Bắc Kinh cũng có một khởi đầu khó khăn khi nhà lãnh đạo Ấn Độ bắt đầu nhiệm kỳ mới của mình.

Hôm 4/6, ông Modi đã chọc giận Trung Quốc khi ông nhận lời chúc mừng từ nhà lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức sau cuộc bầu cử ở Ấn Độ.

"Trung Quốc phản đối mọi hình thức tương tác chính thức giữa Đài Loan và các nước có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong cuộc họp báo hôm 6/6.

Cuộc đua Ấn-Trung khốc liệt hơn khi ông Modi tái đắc cử: Lý do có cùng tham vọng với ông Tập- Ảnh 2.

Ấn Độ hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới, với 65% dân số dưới 35 tuổi. Ảnh: Tatva

Ivan Lidarev - học giả về an ninh châu Á tại trường đại học King's College London - nói với Channel NewsAsia rằng, chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với Trung Quốc khó có thể thay đổi sau khi ông Modi tái đắc cử.

"Ấn Độ đã theo đuổi một chính sách đối ngoại rất tích cực nhằm xích lại gần hơn với phương Tây và đối trọng với Trung Quốc trong nhiều năm", Lidarev nói. "Có sự đồng thuận rất mạnh mẽ ở Ấn Độ về vấn đề này."

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ cố gắng hạn chế ảnh hưởng của Ấn Độ trên trường toàn cầu, Lidarev nhận định.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm