Đi lên từ hai bàn tay trắng
Kiều Kim Lĩnh sinh năm 1946 trong một gia đình nông dân ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Cha và bà nội mất sớm, mẹ vì không chịu nổi cảnh nghèo của gia đình nên bỏ nhà đi, để Kiều Kim Lĩnh cùng ông nội sống nương tựa vào nhau.
Do vậy, từ rất sớm Kiều Kim Lĩnh đã phải bất đắc dĩ gánh vác gánh nặng của gia đình. Trong khi các bạn cùng trang lứa đang được bố mẹ chăm lo thì vào năm 13 tuổi, ông đã bỏ học để về nhà làm ruộng.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Do không bằng lòng với mức thu nhập ít ỏi kiếm được từ lương thực, năm 17 tuổi, Kiều Kim Lĩnh đã chọn cách đi đến Sơn Tây (Trung Quốc) để làm thợ hồ. Trải nghiệm này đã mang lại cho ông sự tự tin để làm một điều gì đó cho riêng mình.
Năm 26 tuổi, bằng số vốn 3.000 NDT dành dụm được, ông đã thành lập nhà máy gạch ngói đầu tiên của mình. Với sự cố gắng không ngừng, xí nghiệp gạch ngói ngày càng ăn nên làm ra. Trong năm đầu tiên, ông đã thành công thu được lợi nhuận hơn 30.000 NDT.
Đến năm 34 tuổi, vì rất yêu thích ngói amiăng và đồng sunfat, ông đã đầu tư 23.000 NDT để thành lập xí nghiệp "Nhà máy hóa chất thứ hai huyện Trường Cát". Thật bất ngờ, nhà máy hóa chất đã thành công ngay trong năm đầu tiên, giúp ông kiếm được 100.000 NDT.
Tuy nhiên, do chính sách mới thời kỳ đó mà nhà máy đã bị chuyển thành sở hữu tập thể, nên ông buộc phải rời khỏi nhà máy. Không có sự quản lý của Kiều Kim Lĩnh, nhà máy đã thua lỗ 472.000 NDT và nợ ngân hàng đến 720.000 NDT.
Quay trở lại, quyết làm lại từ đầu
Ba năm sau, với sự kêu gọi của tất cả nhân viên, Kiều Kim Lĩnh đã quay trở lại nhà máy. Điều đầu tiên ông làm sau khi quay lại là bán hết những hàng hóa còn tồn đọng và lấy số tiền đó để trả nợ. Lúc này ông mới hiểu rằng chỉ có công nghệ cao mới là chìa khóa bất khả chiến bại của một doanh nghiệp.
Vì vậy, ông đã chi thêm 100.000 NDT để mua công nghệ và thành lập “Nhà máy Khuôn đúc Hoàng Hà”. Trong vòng một năm, giá trị sản lượng của nhà máy đạt 1,2 triệu NDT và lợi nhuận lên đến 40.000 NDT. Chỉ vài năm, Kiều Kim Lĩnh đã nâng lợi nhuận của Nhà máy Khuôn đúc Hoàng Hà đạt 520 triệu NDT và nộp đến 79,5 triệu NDT tiền thuế.
Năm 1998, công ty đã huy động thành công 560 triệu NDT và trở thành doanh nghiệp tư nhân niêm yết đầu tiên tại Hà Nam, Trung Quốc vào thời điểm đó, theo NetEase.
Công việc kinh doanh của Kiều Kim Lĩnh không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, cuộc sống của một doanh nhân như Kiều Kim Lĩnh không dễ dàng và hạnh phúc như mọi người tưởng tượng. Vấn đề về sức khỏe và tinh thần của Kiều Kim Lĩnh chưa bao giờ thực sự được giải quyết triệt để. Phía sau ông là vô số công nhân, nếu vận hành không cẩn thận, sinh kế của những người lao động sẽ trở thành một vấn đề nan giải.
Đối với những doanh nhân như Kiều Kim Lĩnh, các kỳ nghỉ là những ý nghĩ quá xa hoa. Tập đoàn có quá nhiều vấn đề cần phải được giải quyết ngay và bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể bị thị trường nuốt chửng. Đối với ông, công việc đã chiếm hết cả cuộc đời này.
Kiều Kim Lĩnh là một người luôn theo đuổi sự hoàn hảo và yêu cầu rất khắt khe đối với bản thân. Ông cho rằng muốn thành công thì phải dành nhiều năng lượng để lập kế hoạch cho cuộc sống và từ bỏ mọi thời gian giải trí. Đối với những doanh nhân như Kiều Kim Lĩnh, một cuộc sống ngột ngạt như vậy lại chính là chuẩn mực.
Bất kể quá trình này có khó khăn như thế nào nhưng dựa vào nỗ lực của bản thân, cuối cùng ông đã thay đổi được vận mệnh của chính mình. Năm 2002, Kiều Kim Lĩnh đã được xếp hạng ở vị trí thứ 58 trong bảng "Danh sách người giàu đại lục của Forbes" và trở thành người giàu nhất tỉnh Hà Nam.
Đột ngột ra đi ở tuổi 57
Năm 2003, Kiều Kim Lĩnh đã đột ngột qua đời. Cái chết bất ngờ của ông ở tuổi 57 đã gây ra một cuộc thảo luận vô cùng sôi nổi trên các phương tiện truyền thông lớn.
Một doanh nhân thuộc thế hệ cũ như Kiều Kim Lĩnh chắc hẳn đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trên con đường làm việc từ hai bàn tay trắng. Thậm chí có nhiều lời đồn đại cho rằng ông ra đi là vì nợ nần.
Tuy nhiên sau khi điều tra, nguyên nhân tử vong của ông được công khai là do bị xuất huyết não. Tại lễ tưởng niệm Kiều Kim Lĩnh, thẩm phán của huyện Trường Cát, Trung Quốc cũng đã đứng ra bác bỏ hoàn toàn những lời đồn đại nêu trên. Điều này đồng nghĩa với việc thừa nhận những suy đoán trước đó là sai sự thật.
Cuộc đời ngắn ngủi nhưng đáng tự hào
Khi điều tra sự thật về cái chết của Kiều Kim Lĩnh, nhiều phóng viên đã đến huyện Trường Cát để phỏng vấn những người từng tiếp xúc với ông. Thật ngạc nhiên, đánh giá của tất cả mọi người về ông đều không có một chút thông tin tiêu cực nào.
Sau khi công ty phát triển ngày càng lớn mạnh, Kiều Kim Lĩnh vẫn không quên xây dựng quê hương của mình. Là một người đóng thuế lớn ở huyện Trường Cát, ông thường nhận được ưu đãi từ chính phủ hàng năm. Tuy nhiên, ông lại sử dụng tất cả các khoản tiền đó để xây dựng trường học, đường xá, tháp tín hiệu, viện dưỡng lão.
Cố doanh nhân Kiều Kim Lĩnh. Ảnh: Internet
Là một doanh nhân thuộc thế hệ cũ, triết lý kinh doanh của ông rất truyền thống. Ông mong rằng nhà máy của mình có thể mang lại lợi ích cho người dân, xã hội và đất nước. Ông tin tưởng chắc chắn rằng số tiền thuế mà công ty đóng góp chắc chắn có thể làm cho đất nước phát triển tốt hơn.
Bernard Shaw đã từng nói: “Cuộc đời không phải là ngọn nến ngắn ngủi mà là ngọn đuốc do chúng ta tạm giữ”. Chúng ta phải đốt nó thật rực rỡ và giao nó cho thế hệ người sau. Mặc dù cuộc đời của Kiều Kim Lĩnh đã kết thúc sớm. Nhưng trí tuệ kinh doanh và các nguyên tắc đạo đức kiếm tiền của ông đã được truyền lại cho các doanh nhân thế hệ sau. Cuộc đời của ông thật đáng giá, đáng trân trọng và ca ngợi!
Theo NetEase