Techcombank và “ước mơ vươn tới ngôi sao”
Năm 2021, lợi nhuận của Techcombank tăng mạnh 47% đã đẩy mạnh lợi nhuận của ngân hàng này lên con số kỷ lục 23.238 tỷ đồng, soán ngôi thứ hai trên bảng xếp hạng các ngân hàng có lợi nhuận cao nhất ngành.
Techcombank tham vọng tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2022
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận này của Techcombank chỉ đứng sau MBBank và BIDV (trên 50%).
Top 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 2021: Vietcombank 27.376 tỷ; Techcombank 23.238 tỷ; Vietinbank 17.589 tỷ; MBBank 16.257 tỷ; VPBank 14.580 tỷ đồng. |
Trong đại hội cổ đông 2022 vừa diễn ra, Techcombank tiếp tục tham vọng tăng lợi nhuận 70% lên con số ngang ngửa lợi nhuận của Vietcombank năm 2021 là 27.000 tỷ đồng.
Nếu đạt được mục tiêu này, lợi nhuận của Techcombank tiếp tục đứng thứ hai trên bảng xếp hạng, với điều kiện Vietcombank cũng đạt mục tiêu lợi nhuận 2022 là 30.000 tỷ đồng.
Nhưng đáng chú ý, nếu cả hai ngân hàng cùng cán đích lợi nhuận 2022, vị trí xếp hạng không thay đổi nhưng khoảng cách giữa Techcombank và vị trí đầu bảng đã được kéo lại rất gần.
Và tình trạng “cô đơn trên đỉnh lợi nhuận” của Vietcombank nhiều năm sẽ không còn.
Nếu hai ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng này, đến năm 2023, việc bảo vệ ngôi vị quán quân lợi nhuận của Vietcombank sẽ rất khó khăn.
Liên quan đến lợi nhuận, các ngân hàng đã đại hội cổ đông đều đặt mục tiêu tăng mạnh trong năm nay: OCB tăng 29% lên 7.110 tỷ đồng; Sacombank tăng 20% lên 5.280 tỷ đồng; VietCapital Bank cũng phấn đấu tăng 44% lợi nhuận lên 450 tỷ; SHB đặt mục tiêu tăng trưởng cao tới 87% lên 11.686 tỷ đồng …
Tăng trưởng cao, nợ xấu vẫn “đẹp”
Ngoài mục tiêu về lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng 2022 của Techcombank dự kiến quanh 15%. Ngân hàng này cũng bỏ ngỏ khả năng tăng trưởng tín dụng cao hơn con số này khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu mục tiêu của Techcombank cũng đặt ra là chỉ quanh 1,5%.
Vietcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống
Vietcombank năm nay cũng đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng tăng quanh 15% và tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%.
Năm 2021, cũng với dư nợ tín dụng tăng 15%, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank chỉ 0,63% nhưng Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ dự phòng nợ xấu nội bảng “khủng” tới mức 424%. Đây là tỷ lệ dự phòng cao nhất ngành ngân hàng cũng như lịch sử hoạt động của ngân hàng này.
OCB cũng là ngân hàng có nợ xấu năm 2021 khá thấp với 0,7% dù tăng trưởng tín dụng bao gồm trái phiếu doanh nghiệp là 15%.
Năm nay, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng mạnh dư nợ cho vay 25% nhưng vẫn cố gắng kiểm soát nợ xấu dưới 1%.
Gây chú ý trong tín dụng liên quan đến FLC và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái này, Sacombank vừa đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn một số ngân hàng trước khi chỉ tăng 12% và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Liên quan đến xử lý nợ xấu tại ngân hàng này, Sacombank cho biết sau gần 5 năm tập trung tái cơ cấu theo “Đề án tái cơ cấu Sacombank” ngân hàng đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng; Trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án.
Đáng chú ý, Sacombank cũng xử lý được gần 15.900 tỷ đồng lãi dự thu, tương đương giảm 73,7%.
Năm 2021 cũng đánh dấu nỗ lực của Sacombank trong thu hồi, xử lý nợ xấu. Gần 14.100 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng (trong đó thuộc Đề án gần 11.800 tỷ đồng) được ngân hàng thu hồi, xử lý.
Nếu tính cả những khoản nợ đã bán tài sản để xử lý khoản vay thành công và đang thu theo tiến độ thì tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ trong năm 2021 đạt hơn 22.100 tỷ đồng, cao hơn so với kế hoạch 10.000 tỷ đồng.
Nhờ cố gắng nói trên, tài sản tồn đọng của Sacombank tiếp tục giảm thêm gần 20% so với năm trước và tỷ lệ nợ xấu hợp nhất được kéo giảm về 1,47%.
Trong bối cảnh cả nền kinh tế chịu tác động của dịch bệnh liên tục kể từ năm 2020, nợ xấu đè nặng lên doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại có thể thấy nhiều ngân hàng đã dự phòng và xử lý nợ xấu khá tốt: SHB dự kiến nợ xấu 2022 dưới 1,3%, SeABank dưới 2%, ACB 0,74%...
Năm 2022, cơ quan chức năng sẽ thắt chặt hơn việc quản lý chất lượng tài sản, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, trung tuần tháng 4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 đến 31/12/2023 để hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu tồn đọng và nợ xấu liên quan đến Covid-19.
Theo Công ty chứng khoán SSI, ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 2022 trung bình của các ngân hàng là 21% (không bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí bán bảo hiểm qua ngân hàng, thoái vốn công ty con).
Các ngân hàng tư nhân ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 22%, cao hơn so với ngân hàng quốc doanh (19%), do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn.