Kỹ năng sống

Cuộc chạy trốn đời sống thị thành của cặp vợ chồng trẻ

Từ cuối tháng 7 tới nay, Đà Lạt mưa triền miên. Những khối đất đá sạt lở vùi lấp mấy khóm cúc chi, hoa hồng mà anh Bình (36 tuổi) và Kiều Linh (32 tuổi) dày công chăm sóc một năm nay. ''Mưa làm hoa hư hết, chẳng còn để bán", Kiều Linh than thở trên mạng xã hội.

Nhưng mất mát đó không thấm gì so với chặng đường họ trải qua. Sau tất cả, Kiều Linh thấy sự đánh đổi này xứng đáng. Từng khoảnh khắc trôi qua cô đều vui vẻ, khỏe khoắn, khác hẳn cuộc sống 10 năm thanh xuân ở Sài Gòn.

Trước khi lên Đà Lạt, Thanh Bình quản lý một quán cà phê, Kiều Linh làm trong lĩnh vực bất động sản. Họ thầu hai 12 phòng trọ cho thuê lại. Cuộc sống không quá áp lực kinh tế nhưng là chuỗi ngày lặp lại nhàm chán.

"Quán cà phê của tôi mở 24/24h nên có khi nửa đêm vẫn phải chạy đến. Linh lúc nào cũng phải di chuyển ngoài đường. Cả ngày hai đứa mới chạm mặt nhau vài tiếng", anh Bình kể.

Công việc nơi phố thị khói bụi, chật cứng người khiến cô gái hướng nội Kiều Linh luôn buồn phiền. "Từ khi còn là sinh viên tôi đã phải uống thuốc an thần, sau đó lại lạm dụng thuốc đau đầu. Mỗi tháng tôi ốm sốt 2-3 lần, đều rất cao", Kiều Linh kể.

Kiều Linh và Thanh Bình nghỉ ngơi sau một buổi cuốc đất, nhổ cỏ trồng hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kiều Linh và Thanh Bình nghỉ ngơi sau một buổi cuốc đất, nhổ cỏ trồng hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2019, bố qua đời vì ung thư phổi khiến Linh càng thêm chán thực tại. "Hay là mình lên Đà Lạt sống, chứ ở đây ngột ngạt quá'', cô đề nghị bạn trai sau nhiều lần lên xứ sương mù dạo chơi. "Đi đâu cũng được, miễn là có nhau'', Thanh Bình đáp. Sau đợt một giãn cách vì Covid-19 năm 2020, cả hai chất đồ đạc rời Sài Gòn.

Họ vay người thân quen hơn 400 triệu đồng, thuê một căn homestay để khởi nghiệp. Nhưng dịch bệnh triền miên khiến kế hoạch đổ vỡ. Cả hai gom hết đồ đạc chở đến một ngôi nhà khác để sống. "Những ngày đầu, chúng tôi phải bán xôi thịt nướng gần cổng trường học kiếm kế sinh nhai", Thanh Bình kể.

Họ tự tay trang trí, sơn tường, trồng cây ở một homestay vừa chuyển đến để mở quán cà phê. Khi quán bắt đầu hoạt động thì chủ nhà chụp ảnh đăng lên mạng xã hội rao bán. Lần thứ hai đôi trẻ phải rời đi tay không vì không cân nhắc kỹ hợp đồng thuê nhà trước khi ký.

Một lần được mời dùng thử trà hoa cúc chi, thấy thích, anh Bình quyết định thuê một khu vườn rộng 300 m2 để trồng thử nghiệm và tìm hiểu về trà. Nhưng làm được một thời gian, vườn xung quanh phun thuốc hóa học, hoa cúc không còn an toàn để làm trà. Một lần nữa, kế hoạch khởi nghiệp đổ vỡ.

''Đà Lạt khó sống, khó kiếm tiền hơn rất nhiều so với Sài Gòn", Kiều Linh bảo với bạn trai. Nhưng từ ngày về Đà Lạt, cô bỏ hẳn thuốc đau đầu. Cô kể những lúc bế tắc quá, chỉ cần bước ra ngoài trời hít thở, không khí trong lành giúp tâm hồn như được gột rửa.

Ba lần khởi nghiệp thất bại khiến Kiều Linh và Thanh Bình lên kế hoạch bài bản hơn. "Chúng tôi thuê được khu vườn rộng 3.000 m2. Ở đó có sẵn ao, có nước suối, có điện'', anh Bình kể.

Tiền thuê nhân công cắt cỏ, làm cỏ, tiền phân chuồng giá cao trong khi vốn đầu tư không nhiều, vay mượn sau dịch khó khăn, Bình và Linh lăn ra làm kiếm thêm thu nhập. Hàng ngày, họ vào vườn từ sáng sớm, mang đồ ăn đi làm xuyên trưa, tối muộn mới về.

Thanh Bình lên luống trồng hoa trên khu vườn 3000 m2 thuê ở Đà Lạt. Ảnh nhân vật cung cấp

Thanh Bình lên luống trồng hoa trên khu vườn 3.000 m2 thuê ở Đà Lạt. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Bình nhận thêm nghề quản lý các homestay quanh đó. Năm ngoái, tình cờ xem trên mạng xã hội cách trang trí thông khô trên tranh vẽ, Kiều Linh làm thử, đăng lên trang cá nhân, không ngờ được nhiều người đặt mua. Cô luyện vẽ thêm, làm tranh bán. Những ngày đợi hoa cúc chi, hoa hồng cho thu hoạch để có thành phẩm, ngày làm vườn, tối Kiều Linh làm tranh từ quả thông bán.

"Có những ngày mệt quá, hai đứa tính quay lại TP HCM, nhưng nhận được tin nhắn khách đặt mua hàng, khen sản phẩm đẹp, tự nhiên lại có động lực bước tiếp", cô kể.

Bà Trần Thị Hoa (55 tuổi, mẹ Linh) kể ngày nào gọi cho con gái cũng thấy bảo phải thức đến 2-3h sáng làm việc. Lần đầu đến Đà Lạt thăm Linh và Bình, bà rớm nước mắt thấy con đứa con gái duy nhất leo dốc vào vườn cuốc đất, làm cỏ. "Tôi buồn mà chẳng dám nói ra vì cho con đi học bốn năm ở thành phố, có việc nhẹ, lương cao không làm lại quay về làm nông như cha mẹ", bà nói. Nhưng các con quyết tâm, bà không cản.

Từ ngày về rừng, Kiều Linh và Thanh Bình gần như ăn chay hoàn toàn. Cô không còn phải lo chọn mặc đồ gì khi bước ra đường, vì xung quanh đều là những người sống thuần tự nhiên. "Tôi chẳng cần phải dưỡng da", Kiều Linh nói. Những lúc bế tắc vì công việc, cô chạy lên rừng thông ngồi lì cả buổi ở đó, ngắm cây cỏ đâm chồi nảy lộc, mọi vướng mắc trong đầu đều được giải tỏa.

Đôi vợ chồng trẻ kết hôn năm ngoái, nuôi 5 con mèo và 4 con chó, đều là những con vật bị bỏ rơi. Họ sắp sửa chào đón đứa con đầu lòng. "Chúng tôi ở cạnh nhau trong mọi khoảnh khắc, không còn cảnh đứa đi sớm, đứa về khuya như ngày ở Sài Gòn", anh Bình nói.

Kiều Linh bên tác phẩm tự tay vẽ, trang trí bằng thông khô và hai chú chó bị bỏ rơi cô nhặt về nuôi. Ảnh nhân vật cung cấp

Kiều Linh bên tác phẩm tự tay vẽ, trang trí bằng thông khô và ba chú chó bị bỏ rơi cô nhặt về nuôi, năm 2022. Ảnh nhân vật cung cấp

Hàng ngày, họ hái hoa làm trà, tự tay sấy khô, đóng gói bán cho khách. Kiều Linh trồng thêm các loại thảo dược trong vườn, phơi khô chào hàng trên mạng xã hội. Hiện tại, sản phẩm trồng được đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng trên trang cá nhân của hai người.

Lần thứ hai, thứ ba trở lại Đà Lạt thăm con, mẹ Linh vui lây khi thấy các con nhận được nhiều đơn hàng từ khách, cùng thức đêm đóng gói. Giờ gọi điện, người mẹ không phiền chuyện bỏ phố về rừng nữa, chỉ hỏi công việc có vất vả không, đơn có đều không. "Tôi không mong các con giàu có, chỉ cần nhìn con sống vui vẻ, thanh thản như bây giờ là hơn nhiều người rồi'', bà nói.

Với thu nhập hiện tại, vài năm nữa vợ chồng trẻ mới trả được hết nợ, nhưng Kiều Linh lạc quan vào tương lai. Vì thứ quan trọng nhất trong cuộc đời là sức khỏe, tình yêu và niềm tin, vợ chồng cô đều có.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm