Kỹ năng sống

Cửa hàng áo dài 0 đồng của hai chị em

Ý tưởng về cửa hàng ra đời bốn năm trước khi một cô bé khiếm thị đến may áo dài. Người mẹ kể phải tích góp cả năm mới đủ tiền thỏa mãn ước mơ được mặc áo dài của con. Bà chủ Đoàn Thị Nguyệt xúc động nên bàn với em gái về việc biến cửa hàng của mình thành nơi cung cấp áo dài miễn phí cho những người khó khăn.

"Tôi muốn phụ nữ Việt dù là ai, ở hoàn cảnh nào cũng được mặc áo dài", chị Nguyệt, 46 tuổi, chủ cửa hàng áo dài trên đường Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức nói.

Chị Đoàn Thị Nguyệt chỉnh sửa lại áo dài cho khách tại cửa hàng trên đường Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, trưa 1/3. Ảnh: Minh Tâm.

Chị Đoàn Thị Nguyệt chỉnh sửa lại áo dài cho khách tại cửa hàng trên đường Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, trưa 1/3. Ảnh: Minh Tâm.

Nhưng dịch Covid-19 khiến kế hoạch bị trì hoãn hai năm. Chị Nguyệt mất thêm một năm để đi xin từng khách quen, bạn bè, người thân tặng lại áo dài cũ. "Hơn 80% số áo dài của mọi người trong gia đình tôi đều dành cho cửa hàng, chỉ giữ lại một, hai bộ mặc khi cần thiết", chị kể.

Những chiếc áo dài sau khi nhận từ người quyên góp sẽ được kiểm tra lỗi, chỉnh sửa, giặt sạch và ủi phẳng. Bà chủ còn phân loại theo màu, đính số đo 3 vòng lên áo để khách hàng tìm được áo đúng nhu cầu.

Ngày 8/3/2022, cửa hàng áo dài 0 đồng của hai chị em Nguyệt chính thức khai trương.

Ngày đầu tiên, 300 bộ áo dài được trao hết. Chị kể, hôm đó cả gia đình ăn sáng lúc 17h. "Tôi không nghĩ tình yêu áo dài của mọi người lại nhiều đến vậy. Mệt nhưng rất hạnh phúc", chị nói. Hôm đó có đôi vợ chồng chở nhau từ Long An đến chọn áo dài. Họ lựa mãi vẫn không có bộ nào vừa với dáng người nên chị Nguyệt quyết định may tặng một bộ mới, chuyển đến tay hai ngày sau đó.

Phùng Thị Anh Thư, 15 tuổi chọn cho mình bộ màu hồng để biểu diễn văn nghệ dịp lễ 8/3 tới tại cửa hàng áo dài 0 đồng. Ảnh: Minh Tâm.

Phùng Thị Anh Thư, 15 tuổi chọn cho mình bộ màu hồng để biểu diễn văn nghệ dịp lễ 8/3 tới tại cửa hàng áo dài 0 đồng. Ảnh: Minh Tâm.

Nguyệt kể, đa số khách hàng là những phụ nữ bán vé số, rửa chén thuê chưa dám mơ một lần trong đời được mặc áo dài. "Với người khác có thể đó chỉ là chiếc áo cũ, nhưng với họ, đó là món quà quý giá, đến khi mất vẫn muốn mang theo. Tôi nghe mà nghẹn ngào", chị tâm sự.

Trưa 1/3, chị Phùng Thị Thùy Vân, 44 tuổi, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức đưa con và cháu gái đến chọn áo dài cho ngày 8/3. Chị Vân cho biết, kinh tế gia đình khó khăn còn nhiều thứ phải lo nên không thể bỏ tiền may cho con một bộ áo dài. Cửa hàng 0 đồng của chị Nguyệt trở thành cứu tinh của họ.

"Dù 0 đồng nhưng tôi thấy được trân trọng khi đến đây. Nhiều bộ áo dài được treo ngay ngắn và ủi phẳng. Chị chủ còn nhẹ nhàng tư vấn chúng tôi nên mặc mẫu nào là đẹp", chị nói.

Cô bé 15 tuổi Phùng Thị Anh Thư chọn được bộ áo dài hồng cánh sen ưng ý. Em chia sẻ, nhiều người trẻ hay mặc áo dài cách tân nhưng Thư thích cửa hàng áo dài truyền thống. "Ở đây rất đa dạng mẫu mã để mình lựa chọn. Bước vào căn phòng, em nhận rõ sự ấm áp mà người tặng mang đến cùng tiếng cười của người nhận khi chọn bộ đồ ưng ý. Em sẽ quay lại đây sẽ tặng lại bộ áo dài mình đã mặc cho người khác cần", Thư nói.

Bà Vũ Thị Tiến cùng vài chị em hàng xóm rủ nhau bỏ cả bữa trưa đi từ Bình Dương đến đây. Bà phấn khích khi chọn được bộ áo dài có hoa văn bản đồ Việt Nam hình chữ S. "Tôi không còn nhớ lần gần nhất may áo dài là khi nào. Hôm nay được mặc và nghe mọi người khen đẹp, tôi thấy hạnh phúc, như sống lại thời con gái", bà Tiến nói.

Các chị em xúm nhau chọn cho mình bộ áo dài 0 đồng ưng ý nhất tại cửa hàng của chị Đoàn Thị Nguyệt trưa 1/3. Ảnh: Minh Tâm.

Các chị em xúm nhau chọn cho mình bộ áo dài 0 đồng ưng ý nhất tại cửa hàng của chị Đoàn Thị Nguyệt trưa 1/3. Ảnh: Minh Tâm.

Đồng hành cùng chị em Đoàn Thị Nguyệt ngay từ những ngày đầu hoạt động, chủ tịch Hội phụ nữ phường Trường Thọ, Trần Hồ Thị Trang cũng kêu gọi nhiều đơn vị quyên góp áo dài cũ. Chị cho biết, áo dài 0 đồng được đặt trong cửa hàng thể hiện được sự trân trọng đối với người đến nhận. Sau nửa năm hoạt động, nhận thấy có người "thừa điều kiện" vẫn đến xin áo 0 đồng nên chị quyết định mở cửa chỉ một ngày trong tuần.

Tròn một năm, cửa hàng của Nguyệt đã trao tặng hơn 5.000 bộ cho những người cần. "Cầm trên tay gói hàng gửi từ hải đảo hay vùng núi xa mà tôi bật khóc vì nhận được sự sẻ chia của mọi người", chị nói.

Chị kể, có trường hợp một cụ bà ngoài 60 tuổi đến nhận và rưng rưng nước mắt vì đó là chiếc áo dài đầu tiên trong đời. Chị tự trách mình sao không thực hiện chương trình sớm hơn.

"Cách cho quan trọng hơn của cho" là phương châm của chị Nguyệt khi thực hiện chương trình. Dù nam hay nữ, già hay trẻ, đến với "áo dài 0 đồng", chị Nguyệt và các cộng sự đều nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ để họ có được chiếc áo dài ưng ý nhất. Một bộ áo dài cho đi, người nhận có thể dùng mãi hoặc đem đến đổi trả, miễn sao để chiếc áo dài được mặc liên tục chứ không bị bỏ lãng phí.

Chăm chút cho cửa hàng áo dài 0 đồng, khiến việc kinh doanh của chị giảm sút, nhưng không vì thế khiến chị dừng lại. Chị Nguyệt cho biết, nếu tiệm may không ai kế thừa, chị có thể dừng kinh doanh nhưng áo dài 0 đồng thì vẫn luôn duy trì. "Tôi sẽ đồng hành cho đến khi nào không còn sức thì thôi", chị tâm niệm.

Cửa hàng áo dài 0 đồng của chị Đoàn Thị Nguyệt. Video: Minh Tâm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm