GS.TS Nguyễn Tấn Hùng, sinh sống và làm việc tại nước Úc, là một trong những người Việt gây tiếng vang trên thế giới. Ông được mệnh danh là "Thầy của những phát minh" vì đã có khá nhiều sáng chế về Y khoa hết sức hữu ích, tiện dụng cho các bệnh nhân.
Con trai của ông là TS Jordan Nguyễn (1984) được giới khoa học gọi là nhà tương lai học về trí tuệ nhân tạo. Jordan là một kỹ sư, nhà phát minh và nhà cải tiến hàng đầu của Úc, người luôn cam kết cải thiện cuộc sống của nhiều người nhất có thể và là động lực thúc đẩy sự tiến hóa của cả con người và công nghệ.
Jordan thiết kế các công nghệ thay đổi cuộc sống để biến đổi cuộc sống của những người khuyết tật và người cao tuổi thông qua vai trò là người sáng lập và giám đốc điều hành Công ty khởi nghiệp Psykinetic - một doanh nghiệp xã hội cam kết mang lại sự thay đổi tích cực, bền vững và thay đổi cuộc sống.
Theo TS Jordan Nguyễn, siêu nhân không phải là chuyện khoa học giả tưởng vì máy móc thông minh có thể mở ra kỷ nguyên mới trong tiến hóa con người. Anh là tác giả sáng chế ra chiếc xe lăn có khả năng điều khiển bằng trí não giúp cải thiện cuộc sống của người khuyết tật.
Trên trang web của University of Technology Sydney (UTS), TS Jordan được giới thiệu là một đại sứ đầy nhiệt huyết cho giáo dục STEAM, tư duy thích ứng và tư duy tổng thể: "Ông sở hữu bằng Kỹ sư Điện, Bằng Danh dự Hạng Nhất, Bằng Kỹ sư Thực hành và bằng Tiến sĩ Kỹ thuật Y sinh (Danh sách Chancellor) từ Đại học Công nghệ Sydney. Ông tin rằng các thế hệ trẻ của chúng ta là những người tạo ra sự thay đổi của ngày mai và có tiềm năng tạo ra các giải pháp cho những thách thức lớn nhất của thế giới".
Cú đập đầu ở hồ bơi mở ra một chân trời mới
Lúc đang học Kỹ thuật điện tử ở UTS, Jordan Nguyễn bị đập đầu khi nhảy xuống hồ bơi. Anh nghe tiếng rắc nơi cổ rồi cổ không còn giữ thẳng được nữa. May mắn anh chỉ nằm cố định một ngày. Tai nạn ấy đã làm thay đổi quan niệm sống của anh, từ đó anh quyết tâm ứng dụng khoa học công nghệ giúp người khuyết tật cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, anh cũng cho biết, bản thân có nhiều người bạn khuyết tật, họ rất tài năng và muốn đóng góp cho xã hội. Những năng lượng từ họ đã truyền đến và kích thích anh sáng tạo, dùng công nghệ để làm nên những sản phẩm có ích.
"Tôi có người bạn tên là Jess Irwin, cô được báo chí Australia ví như một nghệ sĩ mới nổi khi thể hiện tài năng cùng tứ tấu piano trong nhà hát ở Sydney (Australia). Jess Irwin là một người tàn tật, cô không nói và không cử động được, sinh ra bẩm sinh đã vậy. Jess Irwin rất thích chơi nhạc nhưng không thể thực hiện được bằng tay.
Chính vì vậy, tôi đã quyết định nghiên cứu chế tạo ra chiếc xe lăn kết nối với trí não của cô ấy, để cô ấy có thể chơi nhạc với thiết bị điều khiển bằng mắt", TS Jordan Nguyễn chia sẻ.
Trong trường, anh chuyển hướng nghiên cứu sang Kỹ thuật Y sinh, Khoa học thần kinh, rồi sau đó là Tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo và Dụng cụ Y sinh. Năm 2012, anh thực hiện đề tài nghiên cứu Tiến sĩ Công nghệ Y sinh về giải pháp kỹ thuật hoàn chỉnh để kiểm soát và điều khiển xe lăn điện bằng suy nghĩ. Xe lăn sử dụng trí tuệ nhân tạo để tránh chướng ngại vật và hoạt động nhờ năng lượng điện của não.
Trong bộ phim tài liệu Trở thành siêu nhân phát trong chương trình khoa học "Nhân tố xúc tác" trên kênh truyền hình ABC (Úc) năm 2016, Jordan Nguyễn đã bố trí cho em Riley Saban, 13 tuổi, bị bại não nặng, mang một thiết bị sử dụng mắt để bật tắt thiết bị điện.
Thông qua điện nhãn đồ (EOG-tín hiệu điện trong mắt), não của Riley sẽ nhận biết bốn hình thái chuyển động của mắt (lên xuống, phải trái) rồi chuyển cho máy tính để trí tuệ nhân tạo phân tích và điều khiển thiết bị điện. Sau đó, anh tiếp tục thực hiện dự án giúp bé Riley điều khiển ôtô bằng cử động mắt. Phim Trở thành siêu nhân đã mang lại cho anh nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế.
Nói về quê hương Việt Nam, anh cho biết dù không có nhiều cơ hội về Việt Nam nhưng mỗi lần về anh đều cảm thấy như trở về nhà, nơi mà gốc rễ của mình là ở đây. "Tôi có một gia đình lớn ở Australia và một gia đình lớn ở TP Hồ Chí Minh nên tôi luôn có cảm giác gắn kết và yêu quý Việt Nam".
Trong một cuộc phỏng vấn, TS Jordan Nguyễn cho biết, chính những ảnh hưởng từ bố khiến anh quyết định thi vào Trường đại học Công nghệ Sydney.
"Bố tôi là người tuyệt vời, ông là một kỹ sư xuất sắc tại Australia. Ông đã nhận rất nhiều giải thưởng của Australia như: Fellowship, Amazing, Australian Awards (giải thưởng cho những người mang lại những lợi ích, đóng góp cho xã hội của Australia)… Đạt nhiều thành tích như vậy nhưng bố tôi là người luôn tôn trọng truyền thống gia đình. Đi học tại Australia, nhưng vẫn thường xuyên kết nối với gia đình ở Việt Nam", TS Jordan Nguyễn chia sẻ.