Theo Sixth Tone, đây được xem là một trong những trò lừa bịp trên Internet lớn nhất và kỳ quái nhất của Trung Quốc trong nhiều năm. Mọi chuyện bắt đầu khu Xu Jiayi, người có ảnh hưởng trên mạng (KOL), đăng bài nói muốn trả hai cuốn sách giáo khoa tiếng Trung mà cô tìm thấy trong một nhà hàng ở Paris.
Trên các mạng xã hội Trung Quốc, cuộc tìm kiếm chủ nhân hai cuốn sách nổ ra. Một số bài đăng thu hút hàng triệu lượt thích, hàng nghìn bình luận, đặc biệt là nếu liên quan tới danh tính của học sinh đứng sau.
Nhưng đến ngày 12/4, sự thật được hé lộ: KOL này đã bịa ra mọi chuyện.
Câu chuyện ở Paris
Xu Jiayi, 29 tuổi, có biệt danh Thurman. Cô từng học và làm việc ở Pháp trong ngành thời trang trước khi trở về Trung Quốc năm 2022.
Sau khi hồi hương, Jiayi khai trương dòng sản phẩm quần áo riêng, ký hợp đồng với một công ty quản lý KOL ở tỉnh Quảng Đông. Cô nhanh chóng trở thành ngôi sao trên mạng xã hội Trung Quốc, thu hút tổng cộng 40 triệu người theo dõi trên nhiều nền tảng khác nhau.
Ngày 16/2, Jiayi đăng video đến Pháp công tác. Trong đó, một phục vụ người Pháp đến gần cô và đưa hai cuốn SGK tiếng Trung, nói thấy chúng trong nhà vệ sinh và nhờ cô giúp tìm lại chủ nhân.
Jiayi đồng ý, sau đó lên mạng xã hội nhờ những người theo dõi giúp đỡ. Cô nói những cuốn sách này dường như thuộc về một học sinh lớp 1 có tên Qin Lang, bên trong chứa đầy các bài tập về nhà.
Bài đăng lập tức lan truyền. Trên Douyin, video có hơn 5 triệu lượt thích cùng hàng chục triệu lượt xem sau vài ngày. Còn trên nền tảng Xiaohongshu, bài viết cũng leo lên top xu hướng.
"Bản thân cốt truyện đã hấp dẫn. Nó xảy ra vào Lễ hội mùa xuân, liên quan đến việc đi du lịch nước ngoài nên nhanh chóng trở thành chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội", Zhao Zhichao, đội trưởng đội cảnh sát mạng tại Văn phòng Công an quận Tây Hồ ở thành phố Hàng Châu, nói với CCTV tuần trước.
Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã lập tức truy tìm danh tính cậu bé. Một người dùng Douyin thậm chí đăng bài nói Lang học trường Tiểu học Xichang và nhận được hơn 220.000 lượt thích. Dù vậy, không có ai tên Qin Lang ở trường này. Tài khoản trên bị đình chỉ do vi phạm nguyên tắc cộng đồng.
Tiếp tục bịa chuyện
Khi nhiều người bắt đầu nghi ngờ, Jiayi đăng một video khác ngày 19/2, nói đã tìm thấy mẹ của Lang. Nhưng thời gian trôi qua,, hoài nghi về danh tính "cậu bé" này vẫn tiếp tục tăng.
Trong khi đó, Văn phòng Công an quận Tây Hồ ở Hàng Châu liên tiếp nhận được phản hồi về câu chuyện, nên đã chuyển hồ sơ tới đơn vị cảnh sát mạng để điều tra. Sau khi rà soát lại hồ sơ xuất nhập cảnh dịp Tết Nguyên đán, không có người nào tên Qin Lang.
Jiayi lập tức bị cảnh sát điều tra. Lúc này, cô mới khai ra sự thật rằng cô cùng với người đồng nghiệp tên Xue, 30 tuổi, cùng nhau lên kế hoạch viết kịch bản, quay video để "câu view".
"Tôi đã nói với cô ấy: Khi bạn nói dối, sau đó thêm những lời nói dối khác để che giấu hành vi, bạn chỉ càng phạm thêm sai lầm", Xuan Jing, thành viên của đội cảnh sát mạng, nói với CCTV. "Cô ấy đã thừa nhận mình sai".
Ngày 12/4, Jiayi đăng video công khai xin lỗi. Thế nhưng, lời nói của cô không thể xoa dịu được sự tức giận của công chúng những ngày qua. "Cô ta không nên cố tình bịa đặt và thao túng cảm xúc của mọi người chỉ vì mục đích gây sự chú ý", một người bình luận và nhận nhiều lượt thích trên Weibo.
Cơ quan Công an ở Hàng Châu thông báo Jiayi sẽ phải đối mặt với hình phạt hành chính vì "gây rối trật tự công cộng", dù không đưa ra mức phạt cụ thể. Các tài khoản hàng triệu người theo dõi của cô trên Douyin, Weibo và WeChat Video đều đã bị đình chỉ. Bộ Công an Trung Quốc sau đó cũng đưa trường hợp của Jiayi vào danh sách 10 ví dụ nổi bật về thông tin sai lệch.
Theo Channel News Asia, sự việc của Jiayi làm dấy lên cuộc tranh luận về việc những người có ảnh hưởng bịa ra câu chuyện giả mạo để thu hút sự tương tác trong bối cảnh đang có sự cạnh tranh để thu hút chú ý.