Chật vật vì tiền thuê nhà ở tạm
Đã gần 3 tháng nay, kể từ khi phải di dời khẩn cấp khỏi chung cư mini ( CCMN ) số 22B, ngách 236/17 Khương Đình (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân), vì sự cố nứt cột; gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (cư dân tầng 3 tòa nhà) chưa đêm nào nằm ngon giấc. Bởi không biết khi nào gia đình chị và các hộ dân khác được trở về nhà, và không biết tháng này có trả đủ tiền thuê nhà và bỉm, sữa cho các con không.
Theo chị Hồng, cách đây 5 năm, gia đình chị vay mượn người thân và bạn bè được gần 700 triệu đồng, để mua lại căn hộ CCMN ở tầng 3 tòa nhà. Những tưởng từ đây, cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn vì có nhà rồi, sẽ chỉ chuyên tâm làm ăn, trả nợ dần mà không phải lo trả tiền thuê nhà hàng tháng.
Toàn bộ cư dân sinh sống tại CCMN 22B, ngách 236/17 Khương Đình (Hạ Đình, Thanh Xuân ) phải di dời khẩn cấp sau sự cố nứt cột tòa nhà hồi tháng 2.
Tuy nhiên, đến hiện tại, gia đình chị Hồng lại đang trở về đúng cuộc sống đi thuê trọ mà chị từng lo lắng, vì sự cố nứt cột CCMN hồi tháng 2 vừa qua.
Chia sẻ với Tiền Phong, chị Hồng cho biết gia đình chị hiện có 6 người, nhưng kinh tế chỉ phụ thuộc vào chồng chị. Bởi lẽ mẹ ruột chị nay đã trên 70 tuổi, sức khỏe yếu, trong khi đó hai con đầu đã đi học, còn chị mới sinh con thứ ba, chưa thể đi làm được.
Do đó, cả nhà chỉ thuê một phòng trọ nhỏ có gác xép để sinh sống với giá 2,7 triệu đồng/tháng, chưa tính điện nước. Do diện tích phòng quá nhỏ hẹp nên chị Hồng chỉ có thể trải nệm để mẹ và các con ngủ, còn vợ chồng chị nằm trên sàn.
Hình ảnh căn phòng trọ mà gia đình 6 người của chị Hồng ( cư dân tầng 3, CCMN 22B, ngách 236/17 Khương Đình) đang ở tạm.
“ Lại sắp tới hạn đóng tiền nhà tháng thứ 3 nhưng tôi chưa biết xoay xở thế nào. Trước đó, chủ đầu tư bảo chỉ khắc phục sự cố trong 2 tháng nên chúng tôi chỉ thuê trong hơn tháng. Giờ mọi chi phí đều đổ lên vai chồng tôi nên chúng tôi sắp không cáng đáng được tiền thuê nhà và các chi phí khác rồi ”, chị Hồng ngậm ngùi nói.
Theo chị Hồng, không chỉ gia đình chị mà nhiều hộ dân khác mua nhà tại CCMN 22B, ngách 236/17 Khương Đình, cũng đang gặp phải khó khăn vì phải đi thuê nhà chờ khắc phục sự cố.
Được biết, thời điểm cuối tháng 2 khi chính quyền yêu cầu di dời toàn bộ cư dân khỏi tòa nhà, vì hai cột bê tông cốt thép chống đỡ tòa nhà ở tầng 1 xuất hiện những khe nứt lớn ngang, dọc từ chân cột lên đến trần nhà; phía chủ đầu tư đã hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ đang sở hữu nhà và 1 triệu đồng/hộ đang thuê trọ để di dời đồ đạc. Đồng thời, chủ đầu tư hứa với cư dân sẽ khắc phục sự cố trong vòng 1 tháng để mọi người có thể chuyển về lại.
Chủ đầu tư CCMN số 22B ngách 236/17 Khương Đình từng làm biên bản cam kết sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm và chi phí sửa chữa tòa nhà.Đặc biệt, tại cuộc họp giữa cư dân và chủ đầu tư CCMN là bà Phạm Thị Vân Anh, ông Nguyễn Thạc Hoàng, cùng các hộ dân đã thống nhất phương án xử lý sự cố nứt cột. Theo đó, toàn bộ trách nhiệm, chi phí sửa chữa thuộc về phía chủ đầu tư. Đồng thời, phía chủ đầu tư sẽ cắt cử người giám sát thi công trong vòng 30 ngày. Sau 30 ngày mà sự cố vẫn chưa khắc phục xong thì đơn vị thi công sẽ phải chịu phạt.
Tuy nhiên, theo các cư dân, hiện tại dù đã trễ hẹn nhưng phía CĐT vẫn chưa có bất kì động thái nào hỗ trợ, hay phúc đáp liên quan đến việc khắc phục sự cố.
Ai là người trả tiền thuê nhà ở tạm cho cư dân?
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Hoàng Tuấn Vũ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Căn cứ quy định hiện hành của pháp luật như Điều 29 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, Khoản 1 Điều 11 Thông tư 02/2016/TT-BXD, Điều 20 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, khoản 1 Điều 108 Luật Nhà ở 2014,…
Nếu căn hộ chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại thì chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có trách nhiệm phải chi trả chi phí thuê nhà ở và các chi phí khác (nếu có) cho chủ sở hữu căn hộ chung cư trong thời gian thực hiện dự án.
Đối với những trường hợp còn lại, theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, người nào có hành vi xâm phạm tài sản của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường khi có đủ các yếu tố sau đây: Có hành vi xâm phạm tài sản của người khác; Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần; Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Như vậy, theo quy định trên, mọi thiệt hại của cư dân CCMN 22B, ngách 236/17 Khương Đình khi phải chuyển ra ngoài sinh sống, trong thời gian chờ sửa chữa những hư hỏng của các tòa nhà, đều phải được người gây ra thiệt hại, bồi thường một cách thỏa đáng.
Vấn đề đặt ra ở đây là cư dân cần phải liệt kê được những thiệt hại đó (chi phí thuê chỗ ở, các chi phí khác gắn với việc thuê chỗ ở, chi phí phát sinh do quãng đường di chuyển đến chỗ làm xa hơn, phải chuyển chỗ học hành cho con cái,...), chỉ ra được ai là người có hành vi gây ra thiệt hại cũng như chứng minh được chính người đó thực hiện hành vi đó và gây ra những thiệt hại này…
Theo thông tin từ UBND quận Thanh Xuân, chung cư mini " chống nạng " ở số 22 ngách 236/17 Khương Đình được cấp giấy phép vào tháng 6/2016 với quy mô 6 tầng có tầng lửng, tum thang kỹ thuật; giấy phép vào tháng 9/2016 với quy mô 5 tầng, có tầng lửng, tum thang kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện trạng công trình là nhà 8 tầng có tum thang.
Trước đó, ngày 24/2, người dân sống tại chung cư mini này phải chuyển đồ đạc đi nơi khác, do nhiều cột, dầm bê tông dưới tầng hầm tòa nhà bị nứt vỡ.
Chung cư mini này có gần 60 căn hộ, đã được chủ đầu tư bán cho các hộ dân để sử dụng từ năm 2017 đến nay. Thời điểm các hộ dân phải di dời, một số cột bê tông, cốt thép ở tầng 1 của tòa chung cư bị nứt toác. Để trợ lực cho tòa nhà, một hệ thống giàn giáo bằng sắt được dựng quanh chân các cột nứt vỡ.