Viên thuốc nam cụ bà mua để điều trị bệnh đái tháo đường - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải - trưởng khoa Cấp cứu và hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khoa vừa tiếp nhận bệnh nhân chẩn đoán nghi ngờ ngộ độc phenformin sau khi dùng thuốc nam điều trị đái tháo đường.
Cụ bà 75 tuổi có tiền sử đái tháo đường 15 năm và dùng thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ.
"Tuy nhiên thời gian gần đây, người bệnh lại bỏ việc điều trị, không duy trì đơn thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ mà sử dụng thuốc nam của lang y trên mạng.
Do tin vào những lời quảng cáo rằng thuốc nam điều trị được tận gốc đái tháo đường, lại đỡ hại gan thận nên người bệnh đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua thuốc.
Sau 1 tháng sử dụng thuốc nam nói trên, cụ bà có biểu hiện mệt mỏi, sụt cân nên gia đình đã đưa đến cấp cứu tại viện", bác sĩ Hải thông tin.
Qua quá trình thăm khám, bác sĩ nghi ngờ cụ bà bị ngộ độc phenformin - một loại thuốc đái tháo đường cũ đã bị cấm cách đây 30 năm. Sau khi xét nghiệm, viên thuốc nam người bệnh sử dụng có thành phần phenformin.
Sau 2 ngày lọc máu, chăm sóc và điều trị tích cực, người bệnh đã dần hồi phục.
Theo bác sĩ Hải, phenformin được phát hiện vào năm 1957 dùng để điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên trong quá trình theo dõi, người ta nhận thấy phenformin mặc dù giúp kiểm soát đường huyết nhưng lại gây ra tác dụng phụ cực kỳ nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng, dẫn đến tử vong, đó chính là nhiễm acid lactic.
Do đó, vào những năm 1970, phenformin dần bị hạn chế sử dụng, và bị cấm lưu hành ở Mỹ cũng như các nước khác vào tháng 11-1978.
Lở loét, hoại tử ngực do đắp thuốc nam chữa ung thư vú
Bệnh nhân nữ (39 tuổi, trú tại tỉnh Sơn La) nhập viện trong tình trạng vỡ loét, hoại tử vùng ngực do tự ý đắp thuốc nam để điều trị ung thư vú.
Ngày 27-4, bác sĩ Quách Thanh Tùng, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết bệnh viện mới tiếp nhận bệnh nhân nữ nhập viện trong tình trạng vú trái sưng to, lở loét, hoại tử.
"Bệnh nhân này mắc ung thư vú cách đây 1 năm và được các bác sĩ tư vấn nhập viện phẫu thuật cắt tuyến vú trái.
Tuy nhiên, vì lý do cá nhân, chị xin ra viện và về nhà đắp thuốc nam. Sau một thời gian, khối u ngày càng to, biến dạng, chảy máu nhiều khiến người bệnh đau đớn, giảm cân, ăn uống kém.
Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ và nạo vét hạch, chuyển vạt da tự thân che phủ phần da bị tổn thương.
Đến nay, bệnh nhân đang dần hồi phục sức khỏe. Sau giai đoạn hậu phẫu, người bệnh sẽ được hóa trị, xạ trị", bác sĩ Tùng thông tin.
Bác sĩ Tùng chia sẻ u ở vú có thể là u lành hoặc u ác và thường thì khối u còn do ảnh hưởng của nội tiết trong cơ thể. Khi phát hiện và được chẩn đoán ung thư vú, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh bỏ lỡ giai đoạn đầu.
Hiện điều trị ung thư vú đã có những bước tiến lớn, như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, kết hợp với các phương pháp liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích). Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn là chữa trị khi ung thư đang ở giai đoạn sớm.