Doanh nghiệp

Cứ 5 người Việt lại có 2 người bỏ ra 70.000 đồng cho một cốc cà phê "hàng hiệu": Chịu chi là vậy nhưng 2022 lại là năm sóng gió dữ dội với The Coffee House, Amazon Café, Chuk Chuk, PhinDeli...

iPOS.vn - đơn vị cung cấp giải pháp quản lý công nghệ cho ngành F&B – mới đây đã công bố báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022, dựa trên nguồn dữ liệu từ các đơn vị nghiên cứu thị trường và khảo sát gần 3.000 nhà hàng/quán café cùng gần 4.000 thực khách trên toàn quốc.

Báo cáo cho thấy mức độ sẵn sàng chi tiêu cho việc ăn uống bên ngoài của người Việt. Trong đó, 58% thực khách sẵn sàng chi từ 40.000 đồng cho mỗi lần đi cà phê, sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu từ 41.000 – 70.000 đồng (mức chi ở các thương hiệu đồ uống tầm trung như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House…) và 14% sẵn sàng chi tiêu từ 70.000 đồng (mức chi ở các thương hiệu đồ uống cao cấp như Starbucks, Runam Bistro…).

Tương ứng, quy mô doanh thu ngành F&B Việt Nam năm 2022 ước tính đạt gần 610.000 tỷ đồng, với khoảng 338.600 nhà hàng/café. Miếng bánh lớn là vậy, song câu chuyện làm ăn của các thương hiệu hiện hữu năm qua có vẻ khá tất tưởi. Bởi, 2022 không chỉ là năm đầu tiên hậu Covid-19 với những thay đổi về hành vi, thói quen người dùng; mà còn đi kèm với loạt biến động về kinh tế vĩ mô.

“Người cũ” phải tất tả chạy theo xu hướng

Điểm lại, đầu năm 2022 khi thị trường bước vào giai đoạn bình thường mới, rất nhiều kế hoạch lớn được đưa ra.

Đơn cử, The Coffee House sau động thái quyết liệt đóng cửa hàng Signature trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, Tp.HCM), tuyên bố mô hình mới là kios TCH Now và sẽ nhân rộng trong năm. Theo đại diện, TCH Now lúc bấy giờ sẽ phù hợp với hành vi tiêu dùng mới cũng như tinh gọn để nhanh chóng phủ sóng.

Thực tế, hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh hơn dự báo, TCH Now từ quý 2/2022 đã không còn được nhắc đến. Ngược lại, nhận thấy nhu cầu kết nối của người dùng trở lại và có phần “dữ dội” hơn, The Coffee House lại mở lại cửa hàng Signature tại quận 7. Song song, thay vì mở rộng Kios như kế hoạch đầu năm, The Coffee House tập trung làm mới menu nhằm đưa khách hàng trở lại thói quen dùng tại quán.

“Sau 2 năm đi qua cơn bão Covid-19, may mắn là The Coffee House vẫn sống sót và ‘thuyền’ vẫn còn, người còn, nguồn lực vẫn còn một ít thì vì sao lại không làm cái mới . Hơn nữa, sau Covid-19, chúng tôi cảm thấy nhu cầu kết nối của người tiêu dùng khá dữ dội”, CEO The Coffee House chia sẻ tại sự kiện khai trương cửa hàng Signature mới đây.

Cứ 5 người Việt lại có 2 người bỏ ra 70.000 đồng cho một cốc cà phê hàng hiệu: Chịu chi là vậy nhưng 2022 lại là năm sóng gió dữ dội với The Coffee House, Amazon Café, Chuk Chuk, PhinDeli... - Ảnh 1.

The Coffee House vội vàng mở lại cửa hàng Signature tại quận 7.

“Người mới” bên còn bận tìm hiểu, bên quyết định dừng lại

Nếu “người cũ” phải tất tả chạy theo xu hướng người dùng, thì “người mới” cũng không mấy suông sẻ. Trong đó, thương hiệu lớn của Thái Lan – Amazon Café – có vẻ chưa thành công tại Việt Nam.

Hậu phương vững vàng, có nền tảng từ đối tác là Central Việt Nam (với hệ thống BigC GO!...), Amazon Café chọn Việt Nam là quốc gia thứ 10 cho chiến lược bành trướng châu Á với tham vọng sẽ sớm phủ sóng toàn quốc.

Dù vậy, thông tin bất ngờ đến cuối năm 2022 (tức 2 năm gia nhập), Café Amazon chỉ đạt 15 cửa hàng tại miền Nam (11 ở TP.HCM và 4 các tỉnh lân cận), thậm chí bỏ ngỏ kế hoạch Bắc tiến.

Đại diện thương hiệu chia sẻ: “Ai cũng biết, thị trường F&B Việt Nam khá là khó khăn để làm, nên chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn vừa mở thêm cửa hàng mới vừa tiếp tục nghiên cứu để hiểu sâu hơn nữa hành vi tiêu dùng của người Việt Nam. Kế hoạch mở chuỗi của chúng tôi sẽ phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của thị trường”.

Cứ 5 người Việt lại có 2 người bỏ ra 70.000 đồng cho một cốc cà phê hàng hiệu: Chịu chi là vậy nhưng 2022 lại là năm sóng gió dữ dội với The Coffee House, Amazon Café, Chuk Chuk, PhinDeli... - Ảnh 2.

Kế hoạch phủ sóng nhưng đến cuối năm 2022, Café Amazon chỉ đạt 15 cửa hàng tại miền Nam.

Không may mắn như Amazon Café, chủ quản “tân binh” khác là Chuk Coffee & Tea chọn dừng cuộc chơi. Ra mắt với kế hoạch khá bài bản sau 20 năm ấp ủ, Tập đoàn Kido của doanh nhân gốc Hoa – ông Trần Lệ Nguyên – cuối năm 2022 đã thoái hết vốn khỏi chuỗi trà cà phê chỉ sau hơn 1 năm đầu tư. Không chỉ vì cần thiết phải “thắt lưng buột bụng”, thu hồi vốn… Chuk Coffee & Tea được biết không còn hiệu quả khi hành vi người dùng chưa thực sự rõ ràng để Kido tiếp tục phân bổ nguồn lực.

Nhớ lại, thương hiệu Chuk Chuk - dự án được cho là “giấc mơ Starbucks Việt Nam ấp ủ 20 năm” của ông Trần Lệ Nguyên - chính thức ra mắt vào tháng 6/2021. Thời điểm ban đầu, Công ty vận hành là TTV có tổng vốn đầu tư là 100 tỷ đồng, trong đó Kido tham gia 61% vốn để nắm quyền chi phối và bà Trần Tuyết Vân (con gái của ông Trần Lệ Nguyên) đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc.

Chuk Chuk bán ba loại sản phẩm chính là kem, trà, cà phê. Không chỉ mở theo mô hình cửa hàng truyền thống, Chuk Chuk định hướng phát triển thêm mô hình kiosk và xe đẩy. Tại thời điểm ra mắt Chuk Chuk, Kido mong muốn tạo nên Chuk Chuk thành thương hiệu quốc gia trong thị trường F&B với tham vọng không chỉ bao phủ trong nước mà phát triển chuỗi nhượng quyền thương hiệu theo chuẩn quốc tế.

Ông Nguyên thậm chí từng nhấn mạnh, Chuk Chuk ngay trong năm đầu sẽ có lãi. Năm 2023, dự kiến trên 100 điểm bán, doanh thu ước đạt hơn 1.200 tỷ đồng, đến năm 2025, có khoảng 1.000 cửa hàng với doanh thu trên 7.800 tỷ đồng.

Dù vậy, kinh doanh không ai nói trước được điều gì, tháng 7/2022 Chuk Chuk âm thầm đổi tên thành Chuk Coffee & Tea, trước khi thông qua ý kiến cổ đông sẽ thoái hết vốn tại TTV vào cuối năm.

Cứ 5 người Việt lại có 2 người bỏ ra 70.000 đồng cho một cốc cà phê hàng hiệu: Chịu chi là vậy nhưng 2022 lại là năm sóng gió dữ dội với The Coffee House, Amazon Café, Chuk Chuk, PhinDeli... - Ảnh 3.

Chuk Chuk âm thầm đổi tên thành Chuk Coffee & Tea, trước khi chính thức dừng cuộc chơi.

Những thương hiệu đình đám khác như Highlands, PhinDeli cũng khép lại năm 2022 với nhiều cung bậc

Chấp nhận lời mời gia nhập hệ sinh thái của Nova Group cuối năm 2021 (trước đó từng từ chối đề nghị của Kido), PhinDeli những tưởng 2022 sẽ là năm “lột xác”. Với tiềm lực mạnh mẽ, Nova Consumer từng hứa hẹn đưa PhinDeli Café có mặt tại nhiều vị trí đắc địa tại Tp.HCM và các dự án do Novaland phát triển như Aqua City (Biên Hoà, Đồng Nai), Nova Hills Mũi Né Resort & Villas… Bên cạnh thị trường trong nước, PhinDeli Café cũng sẽ từng bước phát triển thị trường quốc tế. Đến nay, những biến động tại Nova đang kéo PhinDeli chậm lại với công cuộc tái cấu trúc.

Được biết, thương hiệu PhinDeli của nhà sáng lập Phạm Đình Nguyên nổi tiếng với phân khúc take-away. Quãng thời gian trước đó, PhinDeli hoạt động không mấy ấn tượng với doanh thu xấp xỉ 20 tỷ đồng mỗi năm và lỗ trên từng năm.

Riêng Highlands, kinh doanh vẫn ổn định với phân khúc tầm trung, thương hiệu cũng trải qua một năm đầy “scandal” sau thông tin tăng giá, và cuối năm rò rỉ kế hoạch bán vốn.

Theo nguồn tin của Reuters, Jollibee Foods Corp (JFC.PS) dự định sẽ bán 10% đến 15% cổ phần đang sở hữu tại Highlands Coffee cho một nhà đầu tư. Định giá của chuỗi cà phê dự kiến sẽ rơi vào khoảng 800 triệu USD. Việc chuyển nhượng cổ phần nếu diễn ra thành công sẽ mở đường cho việc IPO của Highlands, điều mà Jollibee đã cân nhắc nhiều năm nay.

Highlands Coffee là chuỗi cửa hàng kinh doanh cà phê và đồ ăn nhanh do David Thái thành lập năm 2009. Ông David Thái sinh năm 1972, theo gia đình sang Mỹ định cư từ năm 1979 trước khi về Việt Nam vào năm 1996. Từ hai cửa hàng ban đầu, Highlands dần mở rộng ra nhiều chi nhánh và tạo dựng được tên tuổi của mình.

Khi đang ăn nên làm ra, năm 2012, David Thái bất ngờ bán gần một nửa mảng kinh doanh của Công ty quốc tế Việt Thái (VTI) – chủ sở hữu Highlands - cho Jollibee Foods. Theo đó, Tập đoàn Philippines đã chi ra 25 triệu USD để mua lại 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh Hong Kong của VTI do doanh nhân này sở hữu.

Ở phân khúc cao hơn, Starbucks cũng sớm lên kế hoạch cho riêng mình

Năm 2023, hãng sẽ mở cửa hàng thứ 100 – đánh dấu mốc tròn 10 năm thương hiệu cà phê Mỹ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2/2013 (ở ngã sáu Phù Đổng, quận 1, Tp.HCM).

“Sau 4 làn sóng dịch Covid-19, lĩnh vực FMCG có những biến động không ngừng. Với Starbucks, 2023 đánh dấu 10 năm có mặt tại Việt Nam, hãng xác định mục tiêu ở giai đoạn “bình thường mới” là tiếp tục tìm kiếm giải pháp phù hợp, tăng số lượng khách hàng, đồng thời tối ưu chi phí”, đại diện cho biết tại buổi tổng kết mới đây.

Tính đến cuối năm 2022, Starbucks đã có 87 cửa hàng, tập trung tại các tỉnh thành lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Hưng Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hoà), Bình Dương. Trong đó, riêng Tp.HCM có 50 cửa hàng. Song song, Starbucks Viet Nam năm qua cũng đã đẩy mạnh hoạt động thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử.

Cứ 5 người Việt lại có 2 người bỏ ra 70.000 đồng cho một cốc cà phê hàng hiệu: Chịu chi là vậy nhưng 2022 lại là năm sóng gió dữ dội với The Coffee House, Amazon Café, Chuk Chuk, PhinDeli... - Ảnh 4.

Điểm nhấn của Starbucks đã mở được cửa hàng tại Hội An sau nhiều năm theo đuổi.

Trong giai đoạn “bình thường mới”, định hướng của Starbucks Việt Nam theo đại diện là mở những cửa hàng có diện tích vừa phải hoặc phục vụ khách hàng chỉ mua đi. Mô hình của Starbucks Việt Nam hiện hướng đến sự tinh gọn, tìm kiếm thêm các mặt bằng tại các khu đô thị mới, cao ốc hay các cộng đồng địa phương để có thể mang trải nghiệm Starbucks đến với nhiều khách hàng hơn nữa.

Chia sẻ về mục tiêu của Starbucks tại Việt Nam trong năm 2023 nói riêng và lâu dài, bà Marques nói: “Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng và sẽ tìm kiếm cơ hội kinh doan h tại những nơi mới ngoài những thành phố đã đặt chân đến”.

Về thị trường, sang năm 2023, theo iPOS.vn không khí đang trùng xuống theo tình hình kinh tế nói chung, xu thế này được dự đoán sẽ tiếp diễn. Trong bối cảnh đó, các chủ đầu tư đơn lẻ đang có xu hướng dè chừng và phòng thủ, kế hoạch mở mới thì đang được tạm hoãn để nghe ngóng thêm thị trường.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm