Tài chính

Công ty vốn 5 tỷ đi vay nước ngoài 1.400 tỷ đồng với lãi suất "cắt cổ" 20%/năm để mua cổ phiếu ACB bây giờ ra sao?

Công ty vốn 5 tỷ đi vay nước ngoài 1.400 tỷ đồng với lãi suất "cắt cổ" 20%/năm để mua cổ phiếu ACB bây giờ ra sao? - Ảnh 1.

Cuối năm 2019, thời điểm mà lãi suất toàn cầu không cao như hiện nay, CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (công ty Hồng Hoàng) đã phát hành lô trái phiếu khiến cả thị trường xôn xao. Hơn 1.400 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất danh nghĩa 20%/năm, kỳ hạn 5 năm.

Lúc đó, tại Việt Nam, trung bình lãi suất trái phiếu ngân hàng khoảng 7%, trái phiếu bất động sản hơn 10%, nhóm các doanh nghiệp khác dưới 10%, theo thống kê của chứng khoán SSI.

Vốn điều lệ của Hồng Hoàng khi phát hành chỉ là 5 tỷ đồng. Nhưng công ty này có khối tài sản đảm bảo 61 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) định giá thị trường gần 1.500 tỷ đồng.

Theo thông tin chúng tôi có được, ngày 1/11/2019, 60.771.055 cổ phiếu ACB do công ty Hồng Hoàng sở hữu đã được dùng làm tài sản bảo đảm với bên nhận đảm bảo là Saigon Asia Credit Limited - một pháp nhân có trụ sở tại thiên đường thuế Cayman Islands.

Do vậy nhiều khả năng Saigon Asia Credit Limited chính là trái chủ của số trái phiếu trên. Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu đã ngay lập tức được dùng để mua cổ phiếu ACB và sau đó dùng chính số cổ phiếu này làm tài sản bảo đảm.Tổ chức tư vấn cho đợt phát hành này là ACBS - công ty chứng khoán thuộc ngân hàng ACB.

Thông tin về Hồng Hoàng không có nhiều, nhưng nếu chịu khó mày mò, mối liên hệ của công ty này với gia đình chủ tịch ngân hàng ACB – ông Trần Hùng Huy sẽ hiện ra.

Công ty vốn 5 tỷ đi vay nước ngoài 1.400 tỷ đồng với lãi suất "cắt cổ" 20%/năm để mua cổ phiếu ACB bây giờ ra sao? - Ảnh 2.

Vài năm sau, Hồng Hoàng công bố số liệu về kết quả kinh doanh trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Công ty lỗ 177 tỷ đồng năm 2021, nhưng lãi sau thuế 287 tỷ đồng năm 2022. Vốn chủ sở hữu kết thúc năm ngoái -95 tỷ đồng.

Một thông tin khác về tình hình trả gốc, lãi cho biết lượng trái phiếu lưu hành tính đến tháng 7/2022 chỉ còn 1.084 tỷ đồng, tức đã mua lại 318 tỷ đồng – thời điểm mua lại không được công bố.

Số tiền lãi mà Hồng Hoàng đã thanh toán trong hai đợt năm ngoái khoảng 430 tỷ đồng, tương đương tiền lãi của 2 năm trên số dư nợ hiện tại.

Khi không có báo cáo tài chính đầy đủ, rất khó để biết nguồn lợi nhuận và dòng tiền trả lãi của Hồng Hoàng đến từ đâu. Khả năng cao là công ty đã thoái bớt một phần lượng cổ phiếu ACB.

Giả sử gần 61 triệu cổ phiếu ACB ngày ấy vẫn được giữ nguyên thì sau ba đợt trả cổ tức bằng cổ phiếu, hiện nó đã tăng lên thành 123 triệu cổ phiếu, tương đương 3,7% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Năm 2022, ACB thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức 15% cổ phiếu và 10% tiền mặt. Thời gian dự kiến phát hành cổ phiếu trả cổ tức dự kiến trong quý 3 năm nay. Mức cổ tức năm 2023 được đại hội cổ đông ACB vừa thông qua cũng tương đương mức trả năm 2022.

Công ty vốn 5 tỷ đi vay nước ngoài 1.400 tỷ đồng với lãi suất "cắt cổ" 20%/năm để mua cổ phiếu ACB bây giờ ra sao? - Ảnh 3.

Tạm thời chưa tính chuyện tương lai, giá trị của 123 triệu cổ phiếu ACB thời điểm hiện tại rơi vào khoảng 3.100 tỷ đồng. Mức này đã thừa để bao phủ cả gốc và lãi phát hành trái phiếu của công ty Hồng Hoàng khi đáo hạn.

Như vậy, câu hỏi thị trường đặt ra cách đây nhiều năm, Hồng Hoàng làm gì để lãi hơn 20% mỗi năm trả lãi trái phiếu có thể đã có lời giải thoả đáng: Đầu tư cổ phiếu ACB.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm