Thời sự

Công ty Vàng Phước Sơn xin dò tìm vàng trên 16 km2 rừng: Lo ảnh hưởng nguồn nước, sinh thái rừng

Theo công văn của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (gọi tắt là Cty Vàng Phước Sơn), công tác thăm dò trên diện tích 16,09 km2 tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam) sẽ được tiến hành bao gồm: đo vẽ bản đồ địa chất, công tác địa hóa, đo địa vật lý, dọn vết lộ, đào hào, trắc địa và khoan thăm dò bằng lỗ khoan.

Theo công ty, việc đo vẽ bản đồ địa chất, địa hóa, địa vật lý, dọn vết lộ, đào hào và trắc địa sẽ có ảnh hưởng rất nhỏ đến đất mặt, và hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến cây rừng tại khu vực triển khai khoảng 14,23 km2.

Chỉ có công tác khoan thăm dò (tổng 101 lỗ khoan) tại 3 khu vực là Trà Long - Suối Cây, K7 và Bãi Bướm thuộc các xã Phước Đức, Phước Xuân và Phước Năng, huyện Phước Sơn, trong diện tích 1,86 km2 còn lại (tương đương 186 ha) là có tác động trực tiếp xuống nền đất tự nhiên nhưng ở diện tích nhỏ.

Do đó, công ty không điều tra, đánh giá hiện trạng rừng trong toàn bộ 16,09 km2, mà chỉ hợp đồng với đơn vị tư vấn điều tra, đánh giá hiện trạng rừng trong 186 ha tại 3 khu vực nêu trên, nơi có bố trí 101 mũi khoan để xác định mức độ tác động đến rừng (nếu có) và có kế hoạch điều chỉnh thiết kế lỗ khoan để hoàn toàn không tác động đến rừng tự nhiên.

Công ty Vàng Phước Sơn xin dò tìm vàng trên 16 km2 rừng: Lo ảnh hưởng nguồn nước, sinh thái rừng- Ảnh 1.

Nhà máy vàng Phước Sơn

Sau khi Cục Khoáng sản Việt Nam có công văn (ngày 9/10/2023) về việc lấy ý kiến về khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và quy hoạch rừng tại khu vực thăm dò vàng gốc Trà Long - Suối Cây - K7, thuộc các xã Phước Đức, Phước Năng và Phước Xuân, tỉnh Quảng Nam đã giao Sở TN&MT Quảng Nam chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan kiểm tra, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh.

Công ty Vàng Phước Sơn thuộc Công ty Besra Việt Nam (Tập đoàn Besra). Năm 1999, mỏ Phước Sơn được cấp phép. Tháng 7/2014, sau khi cùng Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (cùng thuộc Tập đoàn Besra) khai thác khoảng 7 tấn vàng, Công ty Vàng Phước Sơn vỡ nợ, ngừng hoạt động. Tháng 7/2015, được cơ quan chức năng cho phép, Công ty Vàng Phước Sơn hợp tác với Công ty CP Vàng VACO, VietABank triển khai đề án tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp để dần từng bước phục hồi hoạt động sản xuất. Tháng 8/2016, công ty này hoạt động lại, đến cuối năm 2016 lại thông báo dừng hoạt động. Đầu năm 2024, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn được gia hạn giấy phép khai thác thêm 8 tháng tại mỏ vàng Đăk Sa.

Sở TN&MT Quảng Nam có báo cáo một số nội dung liên quan đến đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản vàng của Cty Vàng Phước Sơn.


Khoan thăm dò trong diện tích rừng tự nhiên

Theo ý kiến của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, khu vực đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản vàng gốc tại Trà Long - Suối Cây - K7 thuộc các xã Phước Đức, Phước Năng, Phước Xuân có diện tích khoảng 1.609 ha.

Hiện trạng tại thời điểm kiểm tra là đất đồi núi, rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, xa dân cư, hoạt động thăm dò không ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đi lại của người dân trên địa bàn huyện. Khu vực không phải là đất quốc phòng, không có công trình quốc phòng, đất quy hoạch bố trí quốc phòng.

Kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng rừng và quy hoạch 3 loại rừng khu vực Trà Long - Suối Cây, K7 và Bãi Bướm thuộc Dự án mỏ vàng Đăk Sa , diện tích khu vực dự án là 186 ha (rừng tự nhiên 166,1 ha). Trong đó, diện tích đặt 101 mũi khoan thăm dò khoáng sản là 2.020m2 (mỗi mũi khoan diện tích 20m2).

Vị trí thuộc khoảnh 5, 6, 9 tiểu khu 630 xã Phước Xuân; khoảnh 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11 tiểu khu 673 xã Phước Đức, và khoảnh 2, 3 tiểu khu 677 xã Phước Năng.

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, tổng diện tích khu vực dự án là 186 ha, trong đó, hiện trạng là rừng tự nhiên chiếm 166,1 ha và đất trống 19,9 ha (đất trống, đất trống có cây tái sinh). Trong số này, diện tích đặt 101 mũi khoan thăm dò khoáng sản 2.020 m2 là có tác động trực tiếp xuống nền đất tự nhiên, có hiện trạng là đất trống (đất trống, đất trống có cây tái sinh, không có cây gỗ rừng tự nhiên).

Sở NN&PTNT đề nghị Cty Vàng Phước Sơn cam kết với UBND huyện Phước Sơn chỉ tận dụng đường dân sinh, đường mòn, lối đi có sẵn để vận chuyển máy móc, thiết bị phục vụ khoan thăm dò khoáng sản (khi được cấp thẩm quyền cho phép khoan thăm dò); không được tác động đến rừng tự nhiên hoặc mở các tuyến đường mới khi thực hiện dự án.

Trong quá trình thăm dò khoáng sản, nếu có nhu cầu tác động vào rừng (chặt cây rừng tự nhiên, san ủi, mở đường…) thì phải lập các thủ tục trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định.

Huyện “lắc đầu”

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND huyện Phước Sơn xem xét phương án dự kiến thi công thăm dò khoáng sản và kiểm tra thực tế, có ý kiến về đề nghị của Cty Vàng Phước Sơn gửi UBND tỉnh. Lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn cho rằng, khu vực đề nghị cấp phép thăm dò có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn (99%) diện tích.

Diện tích này tuy không nằm trong vùng lõi lâm phận Vườn Quốc gia Sông Thanh, nhưng nằm ở đầu nguồn Sông Thanh liền kề, tiếp giáp với lâm phận và thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Sông Thanh.

Hiện trạng rừng tự nhiên trên có hệ động, thực vật khá phong phú. Khi thăm dò, khai thác, quá trình mở đường vận hành, vận chuyển máy móc, thiết bị, làm lán trại, nhà xưởng, đưa người vào rừng sẽ ảnh hưởng nguồn nước đầu nguồn Sông Thanh, hệ động, thực vật, hệ sinh thái rừng và gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ Vườn Quốc gia Sông Thanh cũng như quản lý, bảo vệ rừng của huyện Phước Sơn…

Vì vậy, UBND huyện Phước Sơn không thống nhất đề nghị của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn về cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực trên.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm