Helio Energy có mối quan hệ với nhóm Amber
Mới đây, CTCP Helio Energy vừa được chấp thuận đăng ký giao dịch 21 triệu cổ phiếu trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán HIO. Ngày đầu tiên giao dịch là 23/10 với giá tham chiếu 10.600 đồng/cp, biên độ +/- 40%. Helio Energy hoạt động chính lĩnh vực điện mặt trời. Công ty có trụ sở chính đặt tại Hà Nội.
Helio Energy tiền thân là Công ty TNHH Alpha Solar 1, thành lập vào tháng 6/2020 với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng, do CTCP Helio Power (đổi tên từ CTCP Đầu tư Helios vào tháng 2/2022) nắm 100% vốn cổ phần.
Tháng 10/2021, công ty chuyển đổi thành công ty cổ phần và tăng vốn lên 210 tỷ đồng như hiện tại. 20 triệu cổ phần được phát hành thêm nhằm tăng quy mô vốn chủ sở hữu để thực hiện tìm kiếm và mua các doanh nghiệp sở hữu dự án điện tiềm năng (185 tỷ đồng), thanh toán khoản vay (7 tỷ) và bổ sung vốn lưu động (8 tỷ).
Tính đến ngày 22/9/2023, cổ đông lớn nhất của Helio Energy là Helio Power với tỷ lệ 69,31%. Hai cổ đông sáng lập là ông Phan Thành Đạt, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và ông Hoàng Thế Anh nắm lần lượt 2,5% và 0,05%.
Hiện tại, HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026 của Helio Energy gồm 4 người với Chủ tịch là bà Nguyễn Thị Lan, còn lại là Phan Thành Đạt (cổ đông sáng lập và là Tổng Giám đốc), Bùi Tuấn Dương (Phó Tổng Giám đốc) và Nguyễn Thanh Long.
Các nhân sự của Helio Energy có liên quan đến nhóm Amber - tổ chức có hệ sinh thái tài chính - bất động sản - năng lượng. Vị Chủ tịch Helio Energy là bà Nguyễn Thị Lan đang là Phó Tổng Giám đốc tại Amber Capital (cùng hệ sinh thái Amber Holdings). Bà Lan cũng từng là Kế toán trưởng tại Amber Capital.
Ông Phan Thành Đạt, Tổng Giám đốcHelio Energy từng tham gia Hội đồng Quản trị của Chứng khoán Nhất Việt. Công ty chứng khoán này có nhiều giao dịch với Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance - Mã: EVF) với lượng tiền gửi lớn. Tháng 8/2023,EVN Finance trở thành cổ đông lớn của Chứng khoán Nhất Việt khi chi ra 180 tỷ đồng mua vào 12 triệu cổ phiếu VFS.
Trước đó, cuối năm 2019, Amber Captial và Helio Power - công ty mẹ của Helio Energy cũng từng xuất hiện trong danh mục các khoản đầu tư dài hạn khác của EVN Finance. Còn với riêng Helio Energy, EVN Fiance đang là một trong các chủ nợ của công ty này với khoản cho vay 45 tỷ đồng, lãi suất thả nổi từ 11,9% - 12,1%/năm.
Helio Energy đang kinh doanh ra sao?
Về phần hoạt động của Helio Energy, tổ chức này đang sở hữu tổng cộng 34 công ty con trực tiếp và gián tiếp, đây đều là đơn vị sở hữu dự án điện mặt trời áp mái được Helio Energy M&A giai đoạn 2021 – 2022.
Theo thống kê, các dự án của Helio Energy có tổng công suất 38,2 MWp, đã được bắt đầu vận hành phát điện vào hai tháng cuối năm 2020, tập trung tại khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ với các tỉnh như Bình Dương, Bình Thuận, Vũng Tàu, Đồng Nai; cùng một số khu vực tại Tây Nguyên. Riêng tại khu vực Tây Nguyên, Helio Energy có tới 17 dự án tạiĐắk Lắk và 12 dự án tại Đắk Nông.
Bên cạnh hoạt động sản xuất điện, Helio Energy cho biết từ tháng 7/2022, công ty làm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nghiên cứu, thực hiện dự án năng lượng tái tạo cả Việt Nam và tại Lào. Ngoài ra công ty còn đang nghiên cứu hydrogen, năng lượng sóng biển, điện sinh khối.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Helio Energy tăng trưởng trong giai đoạn 2021 – 6 tháng đầu năm 2023. Năm 2021, công ty đạt doanh thu hợp nhất 19 tỷ đồng và lỗ ròng gần 1 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu tăng đột biến lên 102,2 tỷ đồng, gấp 5 lần so với 2021. Helio Energy cho biết trong năm đã M&A 34 dự án điện, đóng góp vào doanh thu của công ty.
6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất đạt trên 64 tỷ đồng, với phần lớn đến từ mảng điện (53 tỷ đồng), các mảng dịch vụ quản lý vận hành và tư vấn đầu tư lần lượt đóng góp gần 7 tỷ và 2 tỷ.
Trong cơ cấu chi phí, giá vốn hàng bán điện là chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất, sau đó đến chi phí lãi vay. Nửa đầu năm 2023, Helio Energy lãi sau thuế hơn 6,1 tỷ đồng, xấp xỉ cả năm 2022. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 80% kế hoạch lợi nhuận và 84% mục tiêu doanh thu năm 2023.
Tổng tài sản tính tại 30/6/2023 gần 578 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn gần 25 tỷ, hầu hết là thu từ các công ty điện các tỉnh thành. Nợ phải trả tại cuối quý II/2023 là 348 tỷ đồng, với dư nợ đi vay là 337 tỷ đồng và hoàn toàn là vay từ các ngân hàng trong nước và EVNFinance.