Trong phiên họp cổ đông vào đầu tháng 4 tới, Công ty Chứng khoán Vietcap (VCI) sẽ trình kế hoạch phát hành thêm hơn 280 triệu cổ phiếu, đưa vốn điều lệ vượt 7.000 tỷ đồng.
Việc tăng vốn được Vietcap thực hiện qua phát hành cổ phiếu chương trình lựa chọn cán bộ nhân viên (ESOP), cổ phiếu thưởng cho cổ đông và chào bán riêng lẻ. Ước tính số tiền thu về khoảng 2.400 tỷ đồng (không gồm cổ phiếu thưởng), trong đó 88% (khoảng 2.100 tỷ) dùng để cấp vốn cho vay ký quỹ - margin.
Tương tự, nhiều công ty chứng khoán khác cũng chuẩn bị kế hoạch tăng vốn từ đầu năm nay. Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) cho biết sắp bán hơn 69 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên gấp đôi. Giá bán chưa được quyết định, nhưng tính theo mệnh giá, quy mô huy động gần 700 tỷ đồng. Mục đích tăng vốn chủ yếu cho vay margin, chiếm 75% số tiền thu được. 10-15% cho hoạt động chứng khoán phái sinh và ngân hàng đầu tư.
Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cũng dự kiến phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn lên 2.400 tỷ đồng trong năm nay. 50% khoản thu được sẽ dùng đầu tư tự doanh, còn lại mở rộng cho vay ký quỹ.
Ngoài ra, FPTS, ACBS hay SSI - những công ty đứng đầu về quy mô vốn điều lệ với hơn 15.000 tỷ đồng - cũng rục rịch tăng vốn từ vài trăm tới hàng nghìn tỷ đồng.
Khác những lần tăng vốn trước, theo giới phân tích, kế hoạch mở rộng quy mô lần này của các công ty chứng khoán còn là bước chuẩn bị đón hệ thống giao dịch mới KRX, với kỳ vọng thanh khoản thị trường tăng mạnh.
"Trong bối cảnh nền kinh tế thực đang chậm lại, lãi suất gửi tiết kiệm thấp từ ngân hàng và thị trường bất động sản đóng băng, dòng vốn đang chảy vào thị trường chứng khoán", báo cáo chiến lược đầu năm nay của VNDirect viết.
KRX - hệ thống công nghệ thông tin mới được HoSE đã chạy thử từ 4/3, sau nhiều lần trễ hẹn. Hệ thống này được nhiều nhà đầu tư, công ty chứng khoán và các đơn vị phân tích kỳ vọng trở thành "ngọn gió đông" cho thị trường trong dài hạn, giúp bổ sung các điều kiện còn thiếu để nâng hạng chứng khoán.
Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), hệ thống mới giúp giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên của VN-Index tăng 30-70% so với thanh khoản bình quân 5 năm gần đây.
Như trường hợp của Chứng khoán VietCap, theo SSI Research, với chiến lược tập trung mở rộng môi giới khách hàng cá nhân và chuẩn bị nguồn lực để thực hiện mô hình hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức (NPS), áp lực tăng vốn năm nay là rất lớn, đặc biệt là VCI chưa thực hiện lần tăng vốn nào kể từ 2017.
"Dư địa cho vay margin hiện tại của nhiều công ty chứng khoán vẫn còn đủ dùng, nhưng khó ai nói trước khi hệ thống mới ra mắt thì thanh khoản, nhu cầu của nhà đầu tư có thể tăng tới đâu", trưởng phòng tư vấn một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho hay.
Vốn điều lệ là căn cứ để các công ty chứng khoán cấp margin cho khách hàng. Theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ vượt quá hai lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Do đó, việc tăng trước "quota" cho vay margin là nền tảng cho cuộc đua giành thị phần, vốn đang rất khốc liệt gần đây.
Từ đầu năm 2024, dòng tiền đổ vào kênh chứng khoán liên tục tăng. Thanh khoản nhiều phiên giao dịch trở lại ngưỡng 1 tỷ USD, con số tương đương thời điểm thị trường đạt đỉnh 1.500 điểm.
Dù mở rộng hoạt động, tự doanh, nguồn thu từ phí môi giới và lãi vay margin vẫn là "nồi cơm" chính của nhiều công ty chứng khoán. Chẳng hạn, doanh thu từ môi giới và hoạt động cho vay ký quỹ mang lại cho Vietcap hơn 1.200 tỷ đồng năm ngoái, chiếm 50% tổng doanh thu.
Tuy nhiên, khác với tính ổn định trong giai đoạn một thập kỷ trước, bảng xếp hạng top 10 thị phần môi giới có xáo trộn mạnh vài năm gần đây. Những công ty từng "đóng đinh" vị trí đứng đầu trong thời gian dài cũng có thể đánh mất vị thế sau thời gian ngắn.