DxTalks tập 8 mùa hai có chủ đề "Sản xuất và tối ưu hóa với sản xuất tinh gọn", dẫn dắt bởi ông Phạm Hồ Chung - Giám đốc tư vấn tại Công ty tư vấn chuyển đổi số FPT Digital cùng ba chuyên gia: ông Hou Lei, Giám đốc Sản phẩm và Vận hành xuất sắc Auk Industries; ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) và ông Hoàng Tuấn Phong - Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số, FPT Digital.
Trước khi đi vào các lát cắt chính, ông Phạm Hồ Chung khái quát về sản xuất tinh gọn - phương pháp áp dụng trên toàn thế giới nhằm tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu chi phí, giảm lãng phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Phương pháp này phát triển bởi Toyota, một trong những công ty sản xuất ôtô lớn nhất Nhật Bản, dần trở thành khái niệm sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất. Nhiều nhà máy sản xuất gỗ cũng đang tìm hiểu về phương pháp này và tìm cách để ứng dụng phương pháp sản xuất tinh gọn vào thực tế.
Nhưng trong thực tế áp dụng, doanh nghiệp có thể gặp vô số rào cản. Ông Nguyễn Chánh Phương lấy ví dụ, ngành công nghiệp đồ nội thất Việt Nam đã áp dụng một số nền tảng của sản xuất tinh gọn, bắt đầu với 5S và sau đó Kaizen, nhưng không nhiều người đã đạt đến mức tinh gọn. Lý do, có hàng trăm, hàng nghìn nhà máy cũng như hàng nghìn món đồ nội thất, nhu cầu của thị trường đòi hỏi mỗi sản phẩm phải khác nhau, do đó bài toán là cần chuẩn hóa các thành phần cũng như quy trình cho việc sản xuất tinh gọn.
Để giải quyết bài toán này, không chỉ ứng dụng 5S và Kaizen, mà cần chuyển đổi số toàn diện. Theo ông Phương, đó là sự khởi đầu để các doanh nghiệp phát triển bền vững.
"Chuyển đổi số sẽ đưa phương pháp sản xuất tinh gọn vào thực tế để hình dung một sản phẩm trông ra sao trước khi sản xuất; giúp các bộ phận tính toán nguyên vật liệu, giá thành rồi đến các bước lập kế hoạch, thiết kế... Điều đó đồng nghĩa với việc biết được mọi thứ trước khi bắt tay vào làm", ông nói.
Đồng thuận với nhận định trên, ông Hoàng Tuấn Phong cho biết hiện có nhiều công nghệ ứng dụng trong chuyển đổi số đem lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp. Như IoT giúp thu thập thông tin ở khắp mọi nơi, từ các thiết bị máy móc trong thời gian thực. Hệ thống dữ liệu được phân tích bởi AI giúp tối ưu quy trình sản xuất. Điều này có nghĩa gì? Các cấp quản lý có thể dễ dàng nhìn thấy tất cả thông tin trong bảng điều khiển, nắm bắt quy trình sản xuất theo thời gian thực, tối ưu vật liệu tồn kho. Còn VR (thực tế ảo) sẽ hỗ trợ người lao động hiểu biết về cách làm việc trong môi trường mô phỏng trước khi đến nhà máy nếu không có thời gian đào tạo. Ngoài các phần mềm kể trên còn có nhiều phần cứng như thiết bị IoT, SCADA để thu thập thông tin từ khắp mọi nơi tập trung về một trung tâm.
Ông Hou Lei nói dữ liệu đóng vai trò tiên quyết giúp đơn vị đưa ra quyết định đúng đắn nhằm giải quyết vấn đề kinh doanh. Những giải pháp vận hành dựa trên dữ liệu được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống sử dụng. Họ sản xuất các sản phẩm đóng chai, hệ thống dây chuyền hoạt động ở tốc độ rất nhanh - một phút có thể sản xuất được 400 chai. Nếu con người đứng đó và đếm từng cái chai sẽ rất không kịp thời gian, dễ xảy ra sai sót. Nói cách khác, những dữ liệu trên dây chuyển sản xuấ thì rất nhiều và rất khó để thu thập thủ công.
Thiết bị IoT có nhiệm vụ thay thế sức người, kết nối với dây chuyền sản xuất để đọc dữ liệu mỗi giây tại hàng ngàn điểm. Hệ thống sẽ tổng hợp dữ liệu, đưa lên Cloud và hiện các thông số lên bảng điều khiển. Sẽ không có sự phụ thuộc vào yếu tố con người, không còn ghi lại dữ liệu trên giấy và chuyển nó cho người giám sát hoặc ai đó trong buồng kỹ thuật rồi gõ vào bảng excel.
Tuy vậy nhiều doanh nghiệp lại rụt rè chuyển đổi số vì sợ phải chi rất nhiều tiền cho công nghệ, mà không nhìn thấy được tác động to lớn từ nó. Ông Chung đưa ra lời khuyên, đầu tư vào chuyển đổi số cần dài hạn, nên hãy bắt đầu từ nhỏ đến lớn, trước khi tự động hóa toàn bộ chúng ta có thể thử một phần trong công ty. Ví dụ, đầu tiên hãy ứng dụng phần mềm cho việc giảm thiểu sử dụng giấy, thu thập thông tin từ thiết bị IoT nhỏ. Từ đó, lãnh đạo có thể đưa ra quyết định nhanh chóng, tối ưu hóa quá trình sản xuất.
Con người là một trong những thách thức với ngành gỗ, ông Phương tiếp lời. Nếu không có ai hiểu về công nghệ, quản trị vận hành theo cách hiện đại nghĩa là đơn vị sẽ không hiểu gì về các công nghệ số. HAWA nhận thấy vấn đề này và để khắc phục, đơn vị cung cấp thông tin đến tất cả thành viên về những công nghệ đang có. Song song là kết nối đối tác. Ông nói: "Hiệp hội nhận được sự hỗ trợ từ FPT Digital tư vấn hay một vài tổ chức có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ để lựa chọn giải pháp phù hợp".
Tìm giải pháp phù hợp là quan điểm được ông Phong đồng tình. Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital nói: Với kinh nghiệm đã tư vấn chuyển đổi số cùng nhiều đơn vị, ông thấy lãnh đạo doanh nghiệp thường lo lắng và hay gặp khó khăn trong việc chọn công nghệ phù hợp để ứng dụng. Có quá nhiều công nghệ, vậy thì đâu là cái sẽ được ưu tiên: blockchain, IoT, ERP? Lời giải của FPT Digital là đồng hành để xác định tầm nhìn chiến lược, hiểu "nỗi đau" từng doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp.
Còn dưới quan điểm Auk Industries, để chuyển đổi số thành công cần trả lời câu hỏi: doanh nghiệp đã sẵn sàng, con người đã sẵn sàng? Có những lúc, doanh nghiệp mong muốn sử dụng công nghệ chỉ vì đuổi theo các xu hướng "hot" mà không xuất phát từ việc giải được bài toán gì của doanh nghiệp mình, nên không đem lại hiệu quả thực tế, gây lãng phí cả về kinh phí đầu tư, thời gian và nguồn lực con người. "Vì vậy cần đặt câu hỏi, việc kinh doanh có cần giải pháp này? doanh nghiệp và con người đã sẵn sàng chưa? Phải luôn hướng tới năng suất, vì lợi ích, vì lợi nhuận của doanh nghiệp", ông Hou Lei nhấn mạnh.
Khép lại tọa đàm, các chuyên gia tóm gọn bài học kinh nghiệm trong hành trình chuyển đổi số. Ông Phương nói, nguyên tắc cơ bản của sản xuất tinh gọn là sự rõ ràng - hãy hình dung về kế hoạch, đầu tư dữ liệu để phác thảo chân dung nhà máy.
"Ngay cả khi bạn chưa áp dụng được tinh gọn thì doanh nghiệp của bạn cũng sẽ không chết. Nhưng nếu bạn có thể áp dụng thì ít nhất bạn cũng có thể tồn tại với nhiều giá trị mới. Chỉ ứng dụng sản xuất tinh gọn thôi chưa đủ, để tăng thêm giá trị, bạn cần phải dần dần thêm vào những giá trị mới", ông Phương phân tích.
Ông Hou Lei gợi ý hãy cởi mở để tiếp thu. Doanh nghiệp cần hiểu công nghệ, hiểu những hạn chế của mình đồng thời coi công nghệ là yếu tố hỗ trợ để đạt được mục tiêu kinh doanh, chứ không để khoe khoang. Ông ví von, công nghệ là dành cho tất cả mọi người, không chỉ dành cho những người chạy nhanh. Mọi người đều có thể khai thác sức mạnh của công nghệ và dữ liệu miễn là bạn có tư duy cởi mở và bắt đầu hành động, bắt đầu thử.
Thông điệp ông Phong nêu ra: sản xuất tinh gọn không phải là tương lai xa vời mà chính ở hiện tại. Việc đầu tiên mà bạn cần làm là tối ưu hóa quy trình hiện tại, tối ưu chi phí, tối ưu hóa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Chúng ta có thể áp dụng từ quy trình nhỏ nhất đến quy trình lớn hơn, từ quy trình dễ đến quy trình khó hơn.