Y tế tại Việt Nam là một trong những lĩnh vực nhận nhiều sự quan tâm của Chính phủ cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các chuyên gia trên thế giới đánh giá ngành chăm sóc sức khỏe trong nước những năm gần đây đạt nhiều thành tựu với tốc độ phát triển nhanh chóng. Song vẫn còn tồn đọng khó khăn nhất định, như rào cản địa lý, khả năng chi trả, hạn chế về cơ sở hạ tầng...
Mới đây, ông Paul Verhulst, Phó Chủ tịch tập đoàn Medtronic khu vực Đông Nam Á - một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghệ chăm sóc sức khỏe, đã có những chia sẻ với VnExpress, phân tích cụ thể về tiềm năng phát triển của ngành. Đồng thời, ông cũng đưa ra những giải pháp công nghệ hỗ trợ và tầm nhìn về tương lai ngành chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Y tế Việt Nam phát triển nhanh
Chia sẻ với VnExpress, ông Paul Verhulst nhận định ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam có nhiều thay đổi đáng kể những năm gần đây. Hầu hết là những tiến bộ đáng chú ý về công nghệ y tế, dược phẩm và phương pháp điều trị...
Theo ông, ứng dụng khoa học công nghệ vào y tế, chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh là xu thế nhiều năm qua. Nhờ đó, bệnh nhân có thể dễ dàng tiếp cận các phương pháp điều trị hiện đại, giúp gia tăng tỷ lệ chẩn đoán, phát hiện bệnh kịp thời, chữa khỏi và giảm thời gian điều trị. Bên cạnh những tiến bộ vượt bậc, việc thu hẹp khoảng cách chất lượng chăm sóc sức khỏe giữa nông thôn và thành thị cũng là vấn đề cấp bách.
Cụ thể, ông Paul chỉ ra có gần 30% dân số ở các khu vực khó tiếp cận, như miền núi, vùng sâu vùng xa... thiếu thốn dịch vụ y tế phù hợp. Việc này chủ yếu bắt nguồn từ việc cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, chi phí, thiếu đội ngũ chăm sóc, điều trị chuyên môn và trang thiết bị y tế tiên tiến.
Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức hiến kế cải thiện chất lượng ngành. Thông qua quan hệ hợp tác đa phương, các tổ chức chính phủ, bệnh viện, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận điều trị của bệnh nhân.
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ chăm sóc sức khỏe, Medtronic đã có hơn 12 năm hiện diện và phục vụ bệnh nhân tại Việt Nam. Đặt bệnh nhân làm trung tâm là mục tiêu thôi thúc công ty liên tục đưa ra các sáng kiến công nghệ, đồng hành cùng ngành y tế vượt qua nhiều thách thức, phục vụ bệnh nhân Việt ngày một tốt hơn.
Đầu tư công nghệ và đào tạo nâng cao
Công nghệ hiện đại gần đây được tích cực đẩy mạnh, ứng dụng trong hầu hết lĩnh vực, bao gồm y tế. Hiệu quả và lợi ích công nghệ mới mang lại góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành, đồng thời cải thiện hiệu quả điều trị bệnh đáng kể.
Theo ông Paul Verhulst, công nghệ giữ vai trò then chốt trong cuộc cách mạng chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Trong 12 năm qua, Medtronic luôn nghiên cứu và đem đến những giải pháp cải tiến, nhằm giải quyết những thách thức về khả năng tiếp cận y tế. Ngoài ra, đơn vị cùng chung tay với nhiều đối tác, mở rộng đào tạo chuyên môn, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y bác sĩ trên cả nước.
Đơn cử như liệu pháp kích thích não sâu (DBS) ít xâm lấn trên bệnh nhân Parkinson. Phương thức này giúp bệnh nhân kiểm soát hiệu quả các rối loạn vận động như run lắc, chậm cử động, đơ cứng. Ngoài ra còn có các phẫu thuật tiên tiến, giúp điều trị bệnh lý thần kinh, chỉnh hình và cột sống ở cả trẻ em và người lớn.
Một số phương pháp khác cũng có mặt tại Việt Nam như áp lạnh và kỹ thuật ít xâm lấn trong điều trị rung nhĩ; thay van động mạch chủ qua da (TAVI) điều trị hẹp van động mạch chủ, giúp nâng cao hơn kết quả điều trị, giảm thời gian nằm viện...
Các liệu pháp này đều được thực hiện tại các trung tâm lớn trên cả nước. Tất cả chuyên gia tham gia thực hiện đều đã qua đào tạo chuyên sâu với trang thiết bị hiện đại.
"Chỉ đầu tư công nghệ là chưa đủ. Các bác sĩ cũng cần được đào tạo chuyên môn nâng cao để có thể lựa chọn áp dụng liệu pháp điều trị tối ưu cho từng bệnh nhân. Điều đó sẽ giúp gia tăng đáng kể cơ hội chữa khỏi, nâng tầm chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân", ông Paul cho biết.
Theo đó, những năm qua doanh nghiệp không ngừng đẩy mạnh hợp tác cùng các bệnh viện và tổ chức Chính phủ, đưa ra những giải pháp hiện thực hóa. Năm ngoái, Medtronic đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo với Bệnh viện Trung ương Huế, Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, Bệnh viện E, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM...
Thông qua những hợp tác này, công ty đã triển khai các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn của y bác sĩ toàn quốc. Các buổi đào tạo chủ yếu tập trung vào liệu pháp xâm lấn tối thiểu, giải pháp giúp gia tăng tính an toàn, hiệu quả trong điều trị bệnh tim mạch, thần kinh cột sống, ung thư và phẫu thuật nói chung.
Năm 2022, Medtronic Việt Nam và Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã hợp tác xây dựng, triển khai chương trình đào tạo sử dụng máy thở. Hơn 4.000 bác sĩ và nhân viên y tế tại các khoa ICU trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên cả nước đã tham gia.
Song song đó, công ty còn tập trung phát triển các công nghệ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe liên quan các bệnh như tim mạch, đột quỵ, ung thư... Hiện Medtronic cung cấp các liệu pháp khác nhau, hỗ trợ điều trị hơn 70 tình trạng bệnh hiện hữu. Riêng năm 2023, đơn vị đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho 120.000 bệnh nhân tại Việt Nam, dự kiến số lượng trong năm nay sẽ tăng lên 150.000 bệnh nhân.
Ông Paul Verhulst cho biết thêm Medtronic cũng đang trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng AI, phẫu thuật có robot hỗ trợ... Mục tiêu chính nhằm nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân Việt Nam hơn nữa.
"Medtronic kỳ vọng sẽ ngày càng có nhiều bệnh nhân vùng sâu, vùng xa được điều trị bằng các giải pháp tiên tiến, rút ngắn khoảng cách, thời gian tiếp cận y tế. Để từ đó chúng tôi có thể đóng góp thêm vào sự phát triển của ngành y tế cả nước và toàn khu vực", ông Paul Verhulst chia sẻ.