Chuyên gia Savills nhận định, tại thị trường bất động sản Việt Nam, các ứng dụng Proptech đã bắt đầu hỗ trợ người dùng ở một số khâu nhất định và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là ở chức năng hỗ trợ thông tin, dữ liệu cho người dùng.
Bà Giang Huỳnh - Phó giám đốc, Trưởng khối Tư vấn ứng dụng khoa học dữ liệu S22M Savills Việt Nam cho biết, lĩnh vực Proptech trong khu vực và trên thế giới đã tăng tính ứng dụng thực tiễn trong việc kết nối người mua - người bán, người thuê - người cho thuê và các dịch vụ liên quan.
Theo xu hướng toàn cầu, Proptech có thể ứng dụng vào để giải quyết 3 bài toán chính là tiếp cận thông tin, hỗ trợ giao dịch an toàn cho người dùng cuối và quản lý và tối ưu hóa tài sản.
Thậm chí, lĩnh vực Proptech đã đi xa hơn một chút và tham gia sâu hơn trong quá trình phát triển dự án. Khi dự án chưa phát triển lên thành tòa nhà đã có thể ứng dụng Proptech cho quá trình phát triển bản vẽ indoor mapping và tối ưu những chi phí trong quá trình phát triển dự án đó; ứng dụng công nghệ để khi toà nhà đi vào vận hành có thể tiết kiệm các chi phí điện nước.
Việc ứng dụng Proptech của các chủ đầu tư đã thực tiễn và đa dạng hơn. Đây cũng sẽ là một xu hướng của Việt Nam trong tương lai - chuyên gia này nhận xét.
Cùng với xu hướng đầu tư Proptech trên toàn cầu, thị trường Proptech tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến quá trình phát triển năng động trong khoảng gần một thập kỷ qua. Theo thống kê của ESCP Business School, lĩnh vực Proptech phát triển trên toàn cầu bắt đầu từ năm 2010 với chưa đầy 1 tỷ USD vốn đầu tư.
Tuy nhiên, từ giai đoạn 2014 - 2018, thị trường này "bứt tốc" và đạt khoảng 14 tỷ USD vốn đầu tư vào đầu năm 2022. Trong 2 năm 2020-2021, khi dòng vốn đầu tư trên toàn cầu dành cho lĩnh vực Proptech đạt trên 10 tỷ USD/năm, các thị trường đi đầu trong lĩnh vực Proptech tại khu vực Châu Á như Trung Quốc, Singapore đã bắt đầu nhận nguồn vốn đầu tư ấn tượng với khoảng 700 triệu USD - Savills dẫn chứng.
Theo đánh giá của bà Giang Huỳnh, trên thị trường hiện nay, các khoản đầu tư vào lĩnh vực Proptech phần lớn được đổ vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cho hoạt động kết nối người dùng cuối và các vụ liên quan đến quản lý, hỗ trợ tăng giá trị cho bất động sản.
Cụ thể như các nền tảng tìm kiếm chỗ thuê ngắn và dài hạn cho các kỳ nghỉ; bán hoặc cho thuê nhà, hỗ trợ môi giới bất động sản, tìm kiếm và cho thuê co-working space (văn phòng chia sẻ), quản lý tài sản cho thuê ngắn hạn... Ngoài ra, về quản lý vận hành bất động sản có một số các ứng dụng khác như nền tảng quản lý tiện ích tòa nhà, nền tảng dịch vụ sửa chữa và bảo hành cho nhà ở…
Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng cho việc phát triển Proptech bởi đại đa số người dân đều xem bất động sản như một kênh đầu tư cả ngắn hạn và dài hạn.
Về phía các chủ đầu tư, Việt Nam đang là một thị trường tiềm năng cho việc phát triển các loại hình bất động sản đa dạng từ dự án nhà ở, thương mại cho đến khu công nghiệp. Do đó, khả năng ứng dụng của Proptech tại Việt Nam còn dư địa lớn và sẽ rất đa dạng.