Thế vận hội hiện đại lần đầu được tổ chức tại Athena, Hy Lạp năm 1896, với việc tính giờ thô sơ. Ví dụ, với môn chạy bộ marathon, vận động viên Spyridon Louis chiến thắng với 2 giờ 58 phút 50 giây. Thời gian được tính thông qua đồng hồ cơ gắn lên xe đạp và chạy trước một quãng ngắn để theo dõi và ghi nhận. Tất nhiên, quá trình này có sai số nhất định. Việc quan sát và bấm giờ như vậy được thực hiện trong vài chục năm tiếp theo ở các môn cần đo thời gian.
Năm 1932, tại Olympic lần thứ 10 ở Los Angeles (Mỹ), Omega từ Bienne (Thụy Sĩ) mang tới 30 chiếc đồng hồ bấm giờ đã được chứng nhận để phục vụ thế vận hội này, đánh dấu bước chuyển biến lớn bằng hệ thống đo chính xác. Đây cũng là di sản đời đầu của Omega với tư cách là "người bấm giờ" (Timekeeper) cho thế vận hội.
"Lần đầu tiên đồng hồ bấm giờ chuyên dụng được sử dụng tại Thế vận hội để đo kết quả vận động viên. Omega đã thay đổi cuộc chơi", Alain Zobrist, người đứng đầu Swiss Timing - thương hiệu thuộc The Swatch Group cùng với Omega và chuyên cung cấp giải pháp đo thời gian tại các sự kiện thể thao, nói với Sharp Magazine.
30 đồng hồ bấm giờ đã ghi lại kết quả của hơn 100 trận đấu thể thao, gồm 17 kỷ lục thế giới. Điều này cũng củng cố thêm danh tiếng của Omega như một nhà sản xuất đồng hồ hàng đầu thế giới.
Trong 9 thập kỷ tiếp theo, Omega duy trì vai trò Timekeeper. Đến Thế vận hội mùa đông St. Moritz năm 1948, thương hiệu này giới thiệu công nghệ bấm giờ mang tính đột phá khác: máy chụp ảnh đích.
Được ứng dụng tế bào quang điện (photoelectric cell), máy ảnh của Omega sử dụng chùm ánh sáng có độ phản ứng cao để đo kết quả của một cuộc đua trong phạm vi 1/1.000 giây. Đây được xem một cải tiến lớn so với băng đo vạch đích áp dụng trước đó.
20 năm sau, tại Olympic Mexico City 1968, hệ thống tính giờ điện tử của Omega được sử dụng chính thức trong tất cả môn thể thao. "Đó là sự khởi đầu của hệ thống điện tử thay thế đồng hồ bấm giờ thủ công", Zobrist nói. "Nó không chỉ giúp cuộc thi trở nên công bằng hơn, mà còn nắm bắt được những khoảnh khắc khác biệt mà con người không thể thấy bằng mắt thường".
Công nghệ của Omega ngày càng trở nên tinh vi với độ chính xác cao hơn. Năm 2000, công ty cung cấp kết quả theo thời gian thực qua Internet. Năm 2006, hãng sử dụng chip gắn trên vận động viên trượt băng để đo tốc độ. Năm 2008, họ tiếp tục giới thiệu giải pháp lập bản đồ GPS thời gian thực cho vận động viên marathon.
Tại Olympic Tokyo 2020, Omega đã một lần nữa nâng cao tiêu chuẩn của chính mình với Quantum Timer, đồng hồ bấm giờ lượng tử có độ chính xác đến một phần triệu giây. Thiết bị có bộ đếm thời gian và bộ nhớ đệm tích hợp để đảm bảo độ chính xác, dữ liệu được truyền đến máy tính tại chỗ.
Với Olympic Paris 2024 đang diễn ra, Omega mang đến hơn 350 tấn thiết bị hiện đại, từ bàn di chuột và camera 4K đến hàng km cáp để chia sẻ kết quả của vận động viên với thế giới tức thì. Quantum Timer tiếp tục được nâng cấp bằng AI cho độ nhạy và khả năng thu thập dữ liệu chuyên sâu hơn.
Không chỉ đếm giờ bằng Quantum Timer, công ty cũng bắt đầu dùng công nghệ thị giác máy tính và AI cho các môn thể thao khác nhau, chẳng hạn áp dụng AI để phát hiện động tác xem chúng chính xác và đúng luật không, phân tích hướng bóng, tốc độ vận động viên và hiển thị chỉ số theo thời gian thực. Ngoài ra, công ty lần đầu trang bị máy ảnh đo vạch đích với khả năng chụp 40.000 hình ảnh mỗi giây.
"Vai trò của Timekeeper đi kèm với rất nhiều trách nhiệm. Chúng tôi không thể mắc bất kỳ sai lầm nào, cũng không thể nói với những người vừa chạy marathon rằng: 'Xin lỗi, đồng hồ tính sai, hãy chạy lại", Zobrist nói thêm. "Mọi thứ chúng tôi đang làm luôn hướng đến một mục đích: giúp vận động viên chia sẻ ước mơ của mình và ghi lại cảm xúc của chính họ".
(theo Sharp Magazine, IoT World Today, Medium)