Chú tôm hùm màu vàng cam như được nấu chín khiến nhiều du khách thích thú
Chiều 14-7, nhiều du khách ngạc nhiên trước con tôm hùm có màu vàng cam hiếm gặp ngoài tự nhiên, do Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia tặng cho Viện Hải dương học tại Nha Trang, Khánh Hòa.
Đại diện Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia đã tận tay trao cho Viện Hải dương học con tôm hùm Canada màu vàng cam có chiều dài lên đến 55cm, trọng lượng gần 2kg được nhập từ Canada về Việt Nam đầu tháng 7-2022.
Ông Kiều Tấn Vũ - giám đốc marketing Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia - cho biết: "Con tôm hùm màu vàng cam này rất hiếm, trong tự nhiên tỉ lệ xuất hiện là 30 triệu con mới có 1 con. Sau khi trưng bày con tôm này tại cửa hàng hải sản của công ty ở quận 7, TP.HCM đã có khách hàng trả 150 triệu đồng nhưng chúng tôi không bán mà muốn gửi tặng Viện Hải dương học để phục vụ nghiên cứu và trưng bày cho du khách chiêm ngưỡng".
Sau khi tiếp nhận, Viện Hải Dương học đã đưa con tôm hùm vào nuôi trong bể kính ở khu trưng bày, điều chỉnh nhiệt độ thấp dần để phù hợp với nhiệt độ tôm sống ở môi trường tự nhiên (5 – 10 độ C).
Trước đó, tháng 3-2022, công ty này cũng đã tặng Viện Hải dương học một con tôm hùm màu xanh ngọc bích dài 48cm, trọng lượng 3,9kg được nhập khẩu từ Canada về Việt Nam.
Thạc sĩ Hồ Sơn Lâm - phó trưởng phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển, Viện Hải dương học - cho biết tôm hùm Canada (còn được gọi là tôm hùm Mỹ, tôm hùm Alaska) có tên khoa học Homarus Americanus, phân bố chủ yếu ở vùng biển Đại Tây Dương - Bắc Mỹ. Thông thường, tôm hùm có màu xanh đậm hoặc xanh lục.
Tuy nhiên, do đột biến gen nên có những con màu vàng, cam… Tỉ lệ để tìm thấy được một con tôm hùm màu vàng cam ngoài tự nhiên là rất hiếm, bởi với màu vỏ tươi sáng và bắt mắt như vậy, tôm hùm dễ trở thành mục tiêu cho những kẻ săn mồi trong tự nhiên.
"Theo một vài nghiên cứu, tôm hùm vàng là kết quả của đột biến gen hiếm gặp không xác định, trong khi tôm hùm cam là do thiếu protein giúp liên kết các sắc tố khác nhau. Hầu hết tôm hùm màu cam được mô tả là "tam thể", với sự pha trộn giữa màu cam và màu đen. Tuy nhiên những nghiên cứu này ở quy mô nhỏ vì tôm hùm có màu sắc như thế này ở ngoài tự nhiên rất hiểm.
Con tôm này được nuôi để nghiên cứu và trưng bày, nếu trong lần lột vỏ tiếp theo tôm vẫn giữ được màu vàng cam này thì màu sắc đặc biệt của con tôm này là do đột biến gen, còn nếu thay đổi màu sắc thì màu vàng cam được tạo ra do quá trình thích ứng với môi trường sống ở tự nhiên" - ông Lâm nói.
Chú tôm hùm màu xanh ngọc bích (bên trái) và chú tôm hùm vàng cam (bên phải) được nuôi chung một bể