Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức hết giá trị sử dụng.
Để thay thế, Bộ Công an hướng dẫn cơ quan chức năng 7 phương thức khai thác thông tin cư trú, trong đó có một số phương thức như dùng Căn cước công dân gắn chíp, tra cứu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoặc sử dụng giấy xác nhận cư trú…
Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng đã phát sinh một số vướng mắc cần sớm được các cơ quan liên quan nhanh chóng tháo gỡ.
Đến văn phòng công chứng tại quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội làm thủ tục giao dịch mua bán nhà chung cư, anh Nguyễn Văn Giang được hướng dẫn chuẩn bị các giấy tờ như: đăng ký kết hôn, căn cước công dân, xác nhận cư trú để thực hiện các thủ tục mua bán tại phòng công chứng.
Đăng ký kết hôn, căn cước công dân thì dễ, nhưng anh Giang băn khoăn khi phải thêm thủ tục xin xác nhận nơi cư trú trong khi đã có căn cước công dân gắn chíp tích hợp các dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Nhiều bạn bè anh Giang phản ánh đã phải chạy đi chạy lại từ UBND phường sang công an phường rồi lại sang văn phòng công chứng mất rất nhiều thời gian, trong khi việc giao dịch còn phụ thuộc vào thời gian của đối tác nếu không nhanh sẽ lỡ việc.
"Căn cước công dân gắn chíp của mình khi xuất trình họ phải biết rõ ràng mình ở đâu, chỉ cần quét căn cước là ra các thông tin. Đã gọi là số hóa thì chỉ cần cái thẻ mà bây giờ lại chạy đi chạy lại để xác minh rất mất thời gian", anh Giang bày tỏ.
Người dân vẫn mang theo sổ hộ khẩu giấy để đối chiếu khi làm thủ tục hành chính.
Theo ghi nhận của phóng viên, việc công dân phải đi lại nhiều lần và chờ đợi mất thêm thời gian cũng là thực trạng tại nơi tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính ở một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Một người dân đi làm thủ tục nhận con nuôi cho biết phải mất 2 ngày. Vì bỏ sổ hộ khẩu nên phải vừa lên phường vừa sang công an để lấy xác nhận rất mất thời gian. "Nên xem xét lại để thuận tiện cho người dân tiết kiệm thời gian", người dân này kiến nghị.
Cũng có ý kiến cho rằng việc cập nhật thông tin trên căn cước công dân gắn chíp còn chậm nên nhiều nơi vẫn yêu cầu sổ hộ khẩu; đồng thời kiến nghị để thuận tiện cho người dân có thể lùi thời gian đến cuối năm hoặc sang năm khi dữ liệu đầy đủ khi đó không cần sổ hộ khẩu nữa.
Sau hơn 1 tháng áp dụng thực hiện bỏ sổ hộ khẩu giấy và sử dụng phương thức điện tử để quản lý thông tin cư trú của người dân, đến thời điểm này, nhiều người dân ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình vẫn mang theo sổ hộ khẩu giấy khi đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận 1 cửa của phường. Theo lý giải của người dân, thói quen mang theo sổ hộ khẩu giấy là để khi cần có thể đối chiếu.
Ngay cả các cán bộ làm nhiệm vụ hành chính cũng phản ánh bất cập phát sinh từ thực tiễn. Chị Đỗ Thị Hồng Nhung, cán bộ tư pháp, bộ phận 1 cửa phường Phúc Xá, quận Ba Đình chia sẻ, theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 1/1/2023, sẽ không còn sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Khi sử dụng căn cước công dân gắn chip, thay thế hộ khẩu giấy, người dân không cần xác nhận của bất cứ ai, bất kỳ cơ sở nào vì đó là giấy tờ pháp lý duy nhất để đi làm các thủ tục. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều thủ tục hành chính vẫn cần những thông tin trên sổ hộ khẩu giấy.
Ví như khi xác định tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn, nếu người dân không cung cấp hộ khẩu mà cung cấp Giấy chứng nhận cư trú thì trên đó không thể hiện thời gian sinh sống tại địa phương, gây khó khăn cho việc xác định độ tuổi. Có trường hợp công dân ở địa phương khác khi đến cư trú trên địa bàn thì đã kết hôn rồi nhưng không thể hiện trên đó thì phải đi xác minh, cũng mất thêm thời gian.
"Trên giấy chứng nhận cư trú và mã số định danh cá nhân nhiều khi không có thông tin thể hiện về thời gian sinh sống trên địa bàn của công dân hay chuyển từ đâu đến, đủ tuổi đăng ký kết hôn theo luật định chưa để còn xác minh. Nếu trích xuất được thông tin trên căn cước công dân gắn chíp và Bộ Công an chia sẻ dữ liệu, có thiết bị quét và đọc căn cước công dân gắn chíp để xác minh thông tin thì lúc đó mới sử dụng căn cước công dân gắn chíp và bỏ sổ hộ khẩu chứ như hiện nay rất khó khăn cho cán bộ tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho người dân", chị Nhung dẫn chứng.
Tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân phường Phúc Xá
Theo bà Phạm Thị Nết, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá, phần mềm dữ liệu giữa 2 Bộ Tư pháp và công an đến nay thông tin chưa được tích hợp hoàn toàn; những nội dung thông tin bên trong dữ liệu dân cư cũng chưa đầy đủ.
Ngoài thông tin cá nhân là ngày, tháng, năm sinh và một số giấy tờ văn bằng đã được tích hợp còn một số thông tin khi công dân đến làm thủ tục hành chính như: xác nhận tình trạng hôn nhân, cấp giấy đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh lại chưa đầy đủ.
Bà Phạm Thị Nết cũng kiến nghị sớm cập nhật phần mềm dữ liệu dân cư trên hệ thống đầy đủ và tích hợp các thông tin về quá trình sinh sống, tình trạng hôn nhân của công dân để việc tra cứu thuận tiện hơn. Bên cạnh đó khai thác dữ liệu thông tin trên hệ thống phần mềm, quét dữ liệu thông tin qua căn cước công dân gắn chíp.
"Mong muốn sẽ sớm được trang bị những thiết bị để phục vụ hiệu quả cho việc tra cứu thông tin, cho dù lúc này chưa có đầy đủ thông tin nhưng chắc chắn sẽ có những thông tin cơ bản nhất để phục vụ cho việc giao dịch hành chính của công dân và thuận lợi cho việc tiếp nhận hồ sơ của cán bộ" - bà Nết bày tỏ./.