Tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đang tăng nhanh. Điều này thúc đẩy sự cạnh tranh khốc liệt giữa các chuỗi cà phê trong và ngoài nước. Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hàng nghìn cửa hàng cà phê có thương hiệu đã “mọc lên như nấm” trong những tháng gần đây, vượt qua số lượng cửa hàng cà phê ở Mỹ.
Các nhà phân tích dự đoán “cơn khát” cà phê ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu cà phê trong tương lai. Các cửa hàng cà phê liên tục được mở rộng ra ngoài khu vực Bắc Kinh và Thượng Hải đến hàng chục thành phố cỡ trung bình khác - nơi các chuyên gia trẻ tuổi yêu thích loại đồ uống này.
Nhu cầu cà phê “nở rộ” tại Trung Quốc là cơ hội để các chuỗi đồ uống quốc tế như Starbucks và Tim Hortons đầu tư mạnh vào nước này, mặc dù họ phải đối mặt với thách thức lớn từ xu hướng mở rộng nhanh chóng của các thương hiệu địa phương.
Dữ liệu từ Tổ chức Cà phê Quốc tế gửi tới Reuters cho thấy lượng tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc đã tăng 15% trong niên vụ kết thúc vào tháng 9/2023 so với cùng kỳ năm trước, lên 3,08 triệu bao (1 bao = 60 kg).
Ông Jason Yu, Giám đốc điều hành người Trung Quốc của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cho biết: “Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng chuộng lối sống theo kiểu Tây và cà phê rõ ràng là một trong những đồ uống đại diện cho điều đó”.
Theo công ty theo dõi sự tăng trưởng của các chuỗi cà phê Alegra Group, số lượng cửa hàng cà phê có thương hiệu ở Trung Quốc đã tăng đáng kinh ngạc 58% trong 12 tháng qua, lên 49.691 cửa hàng.
Ông Matthew Barry, chuyên gia phân tích về thị trường đồ uống của tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor cho biết, có sự cạnh tranh gay gắt giữa các chuỗi thương hiệu cà phê địa phương và quốc tế. Ông nói rằng mỗi thương hiệu đều đang cố gắng giành được thị phần lớn nhất có thể trong một thị trường đang phát triển.
Tập đoàn Alegra ước tính chuỗi Luckin Coffee của Trung Quốc đã mở rộng thêm 5.059 cửa hàng trong 12 tháng qua, trong khi một chuỗi khác của Trung Quốc là Cotti Coffee đã mở thêm 6.004 cửa hàng trong cùng kỳ. Mở rộng thị phần là một trong những mục tiêu cốt lõi của Luckin, Giám đốc điều hành Jinyi Guo cho biết trong cuộc họp báo cáo thu nhập quý III của công ty này.
Nhà phân tích Barry cho rằng thị trường cà phê sẽ rất năng động trong vài năm tới. Starbucks đã mở mới 700 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm ngoái và cho biết họ đang sẽ vận hành khoảng 9.000 cửa hàng tại nước này vào năm 2025, trong khi Tim Hortons của Canada có kế hoạch mở 3.000 cửa hàng tại nước này trong 4 năm.
Giám đốc Jason Yu cho biết, việc mở các cửa hàng mới hiện đang diễn ra ở các thành phố nhỏ hơn của Trung Quốc, nơi có dân số hàng triệu người. Ông nói: “Vì vậy, điều đó về cơ bản có nghĩa là ở những nơi này vẫn còn nhiều khoảng trống để các chuỗi cà phê phát triển”. Anh Ruoxuan Zhao, một sinh viên 19 tuổi đến từ Bắc Kinh, cho biết uống cà phê là một phần trong lối sống hối hả của giới trẻ Trung Quốc.
Đây là tin tốt cho các nhà sản xuất cà phê, vốn đã được hưởng lợi từ môi trường giá cao do thời tiết bất lợi ở một số vùng trồng cà phê. Cà phê Arabica kỳ hạn đang được giao dịch ở gần mức cao nhất của 8 tháng, trong khi cà phê Robusta đạt mức cao nhất của 15 năm vào tuần trước.
Trung Quốc nhập khẩu cà phê chủ yếu từ châu Phi và Nam Mỹ. Tập đoàn xuất khẩu cà phê Cecafe của Brazil (Bra-xin) cho biết xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gần gấp ba lần vào năm 2023 để lần đầu tiên vượt mức 1 triệu bao, đưa nước này trở thành thị trường lớn thứ 8 toàn cầu.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ sử dụng 5 triệu bao cà phê trong mùa vụ mới (2023/2024), biến quốc gia này trở thành nước tiêu dùng lớn thứ 7 trên thế giới.
Dù vậy, tiêu thụ cà phê của Trung Quốc vẫn chưa phải nhiều nếu so sánh với Mỹ và Brazil, những quốc gia sử dụng hơn 20 triệu bao cà phê mỗi năm. Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng báo hiệu Trung Quốc đang trải qua một sự thay đổi văn hóa tương tự như các quốc gia châu Á yêu thích trà khác bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc.