Sau phiên giảm mạnh đầu tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận đà phục hồi trong phiên giao dịch ngày 13/12, kết phiên VN-Index tăng 15,38 điểm (+1,49%) lên đóng cửa cao nhất phiên tại 1.047,45 điểm; HNX-Index tăng 3,06 điểm (+1,45%) lên 213,59 điểm và UpCOM-Index tăng 0,34 điểm (+0,48%) lên 71,84 điểm.
Cùng với đà phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận tăng hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 13/12, HPG ghi nhận mức tăng 400 đồng/cổ phiếu, tương đương thị giá của HPG lấy lại gần hết mức giảm của phiên giao dịch đầu tuần.
Đà phục hồi của HPG đến sau thông tin trong 11 tháng vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn thép xây dựng (gồm thép thanh, thép cuộn chất lượng cao) tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Canada… Trong đó, sản lượng hàng xuất khẩu theo tiêu chuẩn UK Cares đóng góp nhiều nhất với 45%.
Đà phục hồi của cổ phiếu HPG giúp tỷ phú Trần Đình Long có thêm hơn 600 tỷ đồng
Dù ghi nhận đà phục hồi nhưng lượng cổ phiếu giao dịch của HPG trong phiên 13/12 giảm mạnh gần 10 triệu cổ phiếu so với phiên liền trước khi kết phiên chỉ có hơn 24,34 triệu cổ phiếu được sang tay.
Với mức tăng 400 đồng/cổ phiếu của HPG, khối tài sản của Chủ tịch Trần Đình Long cũng ghi nhận phục hồi hơn 606 tỷ đồng. Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát là người ghi nhận tài sản tăng mạnh nhất cùng với đà phục hồi của VN-Index trong phiên giao dịch 13/12.
Tính theo giá thị trường ông Long đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 28.810 tỷ đồng và đứng thứ 3 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng và ông Đỗ Anh Tuấn - CTCP Phát triển Sunshine Homes.
Sau phiên phục hồi mạnh, nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán trong phiên 14/12 chuyên gia của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo thị trường có thể có quán tính tăng trong phiên sáng để VN-Index kiểm định kháng cự MA10 tại 1.055 điểm. Ngược kháng cự này có thể sẽ thúc đẩy lực bán và tạo ra sự giằng co sau đó và VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm định lại mốc 1.040 điểm vừa vượt qua.
Theo VCSC, nếu lực mua chiếm ưu thế về phía cuối ngày giúp VN-Index đóng cửa trên MA10 tại 1.055 điểm, tín hiệu tăng ngắn hạn sẽ được khôi phục và giúp chỉ số hướng lại lên kháng cự quanh 1.100 điểm. Ngược lại, nếu lực bán gia tăng khiến VN-Index một lần nữa rơi xuống dưới 1.040 điểm, chỉ số có khả năng sẽ cần kiểm định vùng hỗ trợ tại 1.015 điểm.
Chuyên gia của CTCK Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng với phiên hồi phục mạnh ngày 13/12, VN-Index vẫn vận động vững vàng trên ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm và duy trì được trạng thái thoát khỏi kênh downtrend. Mặc dù thị trường chưa xác nhận uptrend chính thức và đang vận động trong sóng hồi, nhưng theo SHS khả năng thị trường còn có thể tiếp tục có đợt tăng giá tiếp theo với mục tiêu VN-Index hướng tới là 1.150 điểm.
Xét theo xu hướng trung hạn quá trình hồi phục sẽ đối diện với ngưỡng cản mạnh khi VN-Index tiệm cận vùng 1.150 điểm, SHS cho rằng thị trường sẽ hướng tới xu hướng tích lũy trung hạn trước khi có thể vượt cản để tạo thành xu hướng uptrend tiếp theo. SHS nhận định với quan điểm tích cực trong ngắn hạn, có thể kỳ vọng thị trường sẽ sớm có đợt tăng điểm tiếp theo sau điều chỉnh.
Chuyên gia của CTCK Agribank (Agriseco) đánh giá trên đồ thị kỹ thuật, mặc dù VN-Index lấy lại sắc xanh sau 5 phiên điều chỉnh liên tiếp tuy nhiên thanh khoản tiếp tục sụt giảm gần 20% cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư nội trước các sự kiện vĩ mô quan trọng sắp diễn ra. Trong trường hợp dòng tiền khối ngoại vẫn được duy trì, Agriseco Research cho rằng chỉ số có thể chinh phục lại ngưỡng cản MA10 và hướng về vùng 1.060 – 1.070 điểm. Ngược lại, nếu áp lực bán gia tăng, nhà đầu tư có thể theo dõi hỗ trợ quanh vùng 1.000 – 1.020 điểm trong các phiên sắp tới. Agriseco khuyến nghị nhà đầu tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị tháng 12 và tăng tỷ trọng tại nhịp điều chỉnh của thị trường.