Nối tiếp diễn biến tích cực từ phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì sắc xanh trong phiên giao dịch ngày 28/6. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng thêm 15,28 điểm (1,27%) lên 1.218,1 điểm và là phiên đi lên thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó HNX-Index cũng tăng 3,45 điểm (1,23%) đạt 283,87 điểm và UPCoM tăng 0,99% lên trên 89 điểm.
Đà đi lên của VN-Index trong phiên giao dịch ngày 28/6 chủ yếu do đóng góp của nhóm ngân hàng. Nhóm này đóng góp đến 8/10 đại diện có tác động lớn nhất lên chỉ số VN-Index. Trong đó, STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín ghi nhận mức tăng 1.050 đồng/cổ phiếu tương đương mức tăng 4,88% so với phiên liền trước.
Đà tăng ấn tượng của STB không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông của nhà băng này, mức tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 28/6 cũng giúp khối tài sản của đại gia người Bắc Ninh, Dương Công Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị STB có thêm hàng chục tỷ đồng.
Khối tài sản của ông Dương Công Minh vượt mức 1.400 tỷ đồng nhờ đà phục hồi của cổ phiếu STB
Cụ thể, ông Dương Công Minh đang là một trong những cổ đông lớn nhất của STB khi trực tiếp nắm giữ hơn 62,569 triệu cổ phiếu STB (tương đương tỷ lệ 3,32%). Với mức tăng của STB, khối tài sản của đại gia sinh năm 1960 người Bắc Ninh có thêm hơn 65 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, khối tài sản của ông Dương Công Minh ghi nhận mức tăng vượt mốc 1.410 tỷ đồng.
Thị giá của STB ghi nhận mức tăng mạnh trong bối cảnh nhà băng này đang rao bán đấu giá không tách rời 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án khu công nghiệp (KCN) Phong Phú.
Tổng giá trị các khoản nợ bán đấu giá này tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng.
Theo mức giá bán Sacombank đưa ra, khởi điểm sẽ là 11.810 tỷ đồng, thấp hơn 4.386 tỷ đồng so với tổng giá trị khoản nợ. Đồng nghĩa, Sacombank chấp nhận mất khoản tiền lãi hơn 4.300 tỷ để thanh lý khoản nợ xấu này.
Sau hai phiên tăng mạnh liên tiếp, nhận định về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch ngày 29/6 chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) kỳ vọng rằng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính tăng điểm kèm thanh khoản cải thiện, nhất là khi ngày chốt NAV quý 2/2022 (chỉ số chính để đánh giá kết quả hoạt động của các quỹ đầu tư) đang đến gần.
Aseansc dự báo trong phiên 29/06, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự gần 1.220 -1.225 điểm và xa hơn là vùng kháng cự 1.230-1.235 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
Theo các chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thị trường có phiên tăng điểm khá tích cực, trên 1%, lần thứ 2 liên tiếp và đưa VN-Index quay trở lại vùng cản 1.220 điểm. Thanh khoản tiếp tục được cải thiện cho thấy mức độ quan tâm của Nhà đầu tư tới các cổ phiếu cũng đang được nâng dần lên. Tuy nhiên, phiên 28/6 lại ghi nhận thêm tín hiệu xấu đi của nhóm Thủy sản và Vận tải biển. Sự suy yếu này có thể sẽ gây khó khăn cho đà hồi phục cho thị trường chung trong thời gian sắp tới.
Theo VDSC, dự kiến VN-Index vẫn có thể tiếp tục tăng điểm nhờ sự hỗ trợ của một số cổ phiếu lớn, tuy nhiên chỉ số sẽ có động thái giằng co và phân hóa trước vùng cản 1.240-1.250 điểm. Do đó, các nhà đầu tư nên chậm lại để quan sát, giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn và phù hợp với khẩu vị rủi ro.
Theo chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà hồi phục và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.223 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn của thị trường có dấu hiệu giảm khi rủi ro lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt khi giá hàng hóa đang bước vào xu hướng giảm trung hạn diễn biến thị trường khoán thế giới đã có chiều hướng tích cực hơn trong ngắn hạn cho nên Yuanta kỳ vọng thị trường có thể sẽ sớm bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn.