Nối tiếp đà tăng mạnh tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần từ 9 đến 13/1. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,77 điểm (+0,26%), đạt 1.054,21 điểm; trong khi đó HNX-Index giảm 0,98 điểm (-0,47%), xuống còn 209,67 điểm. UPCOM-Index đóng cửa trong sắc đỏ khi giảm 0,02 điểm để đóng cửa ở 72,73 điểm.
Cùng với đà tăng nhẹ của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch ngày 9/1, mã cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam diễn biến tích cực khi ghi nhận mức tăng 550đ/cổ phiếu để đóng cửa ở mức giá 21.150đ/cổ phiếu, tương đương mức tăng 2,7% so với phiên liền trước. Đây cũng là phiên tăng điểm thứ 5 của VIB trong chuỗi 6 phiên giao dịch gần nhất. Theo đó, thị giá của VIB cũng đã tăng từ mức 18.900đ/cổ phiếu lên mức 21.150đ/cổ phiếu.
Đà tăng của VIB trong những phiên giao dịch gần đây, không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông. Mức tăng này cũng giúp khối tài sản của ông Đỗ Xuân Hoàng - Thành viên Hội đồng quản trị VIB tăng thêm hàng chục tỷ đồng.
Khối tài sản của ông Đỗ Xuân Hoàng vượt mức 2.200 tỷ đồng nhờ đà tăng của VIB trong những phiên giao dịch gần đây
Theo đó, với việc đang sở hữu trực tiếp hơn 104 triệu cổ phiếu VIB, khối tài sản của tiến sĩ 55 tuổi ghi nhận mức tăng thêm hơn 57 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 9/1. Hiện ông Hoàng cũng đang là cổ đông cá nhân lớn nhất của VIB với tỷ lệ sở hữu là 4,96% cổ phần lưu hành của nhà băng này.
Tính theo giá thị trường, khối tài sản của tiến sĩ 55 tuổi đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 2.212 tỷ đồng. Với khối tài sản này, ông Hoàng là một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) mới đây đã thông báo sau khi kết thúc năm tài chính 2022, ngân hàng có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, tức mỗi cỏ đông sở hữu một cổ phiếu VIB có thể nhận được 3.500 đồng cổ tức.
“Con số 35% này thậm chí có thể cao hơn nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022”, VIB cho biết. Lãnh đạo VIB cho hay ngân hàng sẽ tính toán mức cổ tức tối ưu để trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vào đầu năm 2023, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 10/1, chuyên gia của Chứng khoán VCBS cho rằng với diễn biến hiện tại của VN- Index, vùng điểm 1.060 vẫn được xác định là vùng kháng cự mạnh của thị trường và xác suất áp lực bán mạnh xảy ra là cần được tính đến. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động hiện thực hóa lợi nhuận ngắn hạn đối với những cổ phiếu đã có nhịp tăng tốt từ các phiên trước, nâng cao tỷ trọng tiền mặt để hạn chế tối đa rủi ro trong trường hợp thị trường xuất hiện lực bán bất ngờ trong những phiên còn lại trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết dài ngày.
Chuyên gia của Chứng khoán KBSV cũng cho rằng VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh giằng co trong những phiên tới với vùng hỗ trợ gần quanh 1.03x trước khi hồi phục trở lại. Nhà đầu tư được khuyến nghị thực hiện bán trading một phần vị thế ngắn hạn tại vùng kháng cự và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn.
Trong khi đó, chuyên gia của chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo trong phiên ngày 10/1, lực mua của khối ngoại cũng như hỗ trợ MA5 ngày của VN30 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sắc xanh cho nhóm vốn hóa lớn, tạo hiệu ứng cho phần còn lại. Theo đó, chỉ số VN-Index có thể xuất hiện nhịp kiểm định lại kháng cự ngắn hạn tại vùng 1.065-1.070 điểm trong khi HNX-Index sẽ kiểm định kháng cự MA5 ngày vừa đánh mất. Nếu lực cầu đủ mạnh giúp các chỉ số vượt qua ngưỡng cản này, VN-Index sẽ tiếp tục tiến lên kháng cự mạnh hơn của đường MA100 tại 1.085-1.090 điểm. Ngược lại, nếu lực mua giá cao vẫn cho thấy sự suy yếu về phía cuối ngày, khiến các ngưỡng kháng cự vẫn không thể được chinh phục, thị trường có khả năng sẽ xuất hiện điều chỉnh giảm, đặc biệt ở phân khúc vừa và nhỏ.