Theo dự báo của nhà quản lý quỹ Pyn Elite Fund, VN-Index hiện đang ở 1.100 điểm và sẽ đóng cửa năm 2023 tại 1.450 điểm. Điều kiện cho kịch bản này là lãi suất huy động giảm từ 9 – 9,5% xuống còn 5 – 6% và tỷ lệ lạm phát giảm từ 4,5% xuống còn 3,5%.
Phân tích sâu hơn ông Petry Deryng chỉ ra ba yếu tố định hướng cho thị trường năm nay. Thứ nhất, xu hướng giảm giá do việc thanh lọc thị trường hay các vụ án sẽ không còn. Thứ hai, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn ở mức khá. Thứ ba, lãi suất huy động giảm sẽ hỗ trợ định giá thị trường chứng khoán Việt Nam.
VN-Index thiết lập đáy ở 911 điểm
Trước tiên nói về ông Petry Deryng, đây là nhà quản lý quỹ ngoại có góc nhìn gần như lạc quan nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Vị lãnh đạo này nổi tiếng trong giới đầu tư khi từng đưa ra những dự báo VN-Index lên ngưỡng 1.800 hay 2.100 điểm.
Trong các sự kiện đặc biệt, vị lãnh đạo Pyn thường đưa ra những phân tích đánh giá để nhà đầu tư có thêm góc nhìn tham khảo. Dự báo lần này được đưa ra khi thị trường chứng khoán Việt Nam chuẩn bị trở lại sau kỳ nghỉ lễ Tết âm lịch Quý Mão.
Về xu hướng vận động của thị trường, trong tháng 11/2022, VN-Index rơi xuống mức thấp nhất ở 911 điểm. Kể từ mức đáy đó chỉ số hồi phục và đóng cửa phiên 19/1 trên mốc 1.100 điểm.
“Chúng tôi tin rằng chỉ số sẽ đi lên trong ba năm tới, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, và do việc điều chỉnh lãi suất của Việt Nam, các biện pháp kỷ luật gây sốc cho thị trường chứng khoán được trì hoãn.
Định giá thị trường thích hợp hơn. Hiện thị trường vẫn đang giao dịch dưới mức trung bình lịch sử với P/E trong khoảng 10 – 11 lần”, ông Petri Deryng đưa quan điểm.
Thị trường trái phiếu đang bình thường trở lại
Trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh mạnh một phần liên quan đến những rủi ro liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều thương vụ phát hành sai quy định được đưa ra như vụ Tân Hoàng Minh hay nhóm Vạn Thịnh Phát.
Sau hai vụ án trên, thị trường trái phiếu gần như rơi vào trạng thái đóng băng. Đỉnh điểm trong tháng 11/2022, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp tăng lên 28% và vắng bóng người mua. Tuy nhiên, thị trường có dấu hiệu bình thường trở lại khi lợi suất trở lại mức trung bình 13 – 14%.
Song, ông Petri Deryng đánh giá thị trường trái phiếu vẫn còn những yếu tố bất định, nhưng tin rằng thị trường sẽ bình thường hóa trở lại.
Mối lo doanh số xuất khẩu yếu
Về vĩ mô, sự thu hẹp doanh số xuất khẩu tại các quốc gia bắt đầu vào cuối mùa thu năm ngoái và dự báo tiếp diễn trong mùa xuân này. Trước xu thế chung ảm đạm, xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm so với số liệu mua xuân 2022. Lý do chính là doanh số bán lẻ và nhu cầu hàng hóa của Mỹ vẫn yếu.
Ông Petri Deryng dự báo doanh số xuất khẩu của Việt Nam giảm 5% trong năm nay và ở mức âm trong khoảng thời gian tháng 1 đến tháng 5.
Việc Trung Quốc mở cửa sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam bởi từ lâu đây là thị trường xuất khẩu tăng mạnh nhất của nước ta.
“Nhưng chúng tôi cho rằng tăng trưởng xuất khẩu chung vẫn sẽ ở mức âm trong vài tháng tới do nhu cầu yếu ở EU và Mỹ. Lần gần đây nhất xuất khẩu của Việt Nam suy giảm là vào năm 2009. Nhưng khi đó GDP vẫn tăng 5,4% và thị trường chứng khoán tăng 57%”, ông Petri nêu quan điểm của mình.
Đồng USD dự báo sẽ giảm giá khi đã tăng quá nhiều
Bên cạnh rủi ro chính từ thị trường trong nước trên, về yếu tố ngoại sinh, nhà quản lý quỹ của Pyn Elite Fund đánh giá đồng USD đã tăng giá quá nhiều.
Sau khi Fed tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt, đồng USD đã tăng giá quá cao so với các đồng tiền châu Á. Ông Petri nhận định còn quá sớm để kỳ vọng lãi suất của Fed sẽ giảm trong năm 2023. Tuy nhiên, sự mất giá của đồng đô la do việc định giá quá cao bắt đầu vào cuối năm 2022, có thể sẽ tiếp tục trong hai năm tới.
Cơ sở cho nhận định trên là Fed không còn đợt tăng lãi suất nào đáng chú ý và kỳ vọng sẽ đảo chiều giảm xuống thời gian tới.
Những yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường
Trên đây là những rủi ro được nhà quản lý quỹ Pyn đưa ra, nhưng trong nguy luôn có cơ. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hỗ trợ bởi những yếu tố tích cực như hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn FDI đổ vào mạnh, đầu tư công chiến dịch làm sạch thị trường, tham nhũng tạo nền tảng cho sự minh bạch, hay lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Góc nhìn từ lãnh đạo Pyn Elite Fund, việc đồng USD kết thúc đà tăng giá có ý nghĩa quan trọng đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việt Nam không phải đối mặt với lạm phát cao năm 2022, nhưng NHNN vẫn phải tăng lãi suất cơ bản để điều hành tỷ giá và duy trì thanh khoản.
Vấn đề này sẽ dễ dàng hơn trong năm 2023, lãi suất tiền gửi sau giai đoạn tăng nhanh có khả năng giảm. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của quốc gia sẽ tăng trở lại ngay cả khi xuất khẩu bị ảnh hưởng, ông Petri dự báo.
Dòng vốn FDI cũng là điểm sáng khi lượng giải ngân năm ngoái đạt 22 tỷ USD. Các nhà đầu tư lớn nhất đều đến từ châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Hong Kong. Đan Mạch đứng vị trí thứ 6 nhờ dự án Lego sẽ sản xuất vào năm 2024 với nhà máy trị giá 2,4 tỷ USD.
Người đứng đầu của Pyn Elite Fund đánh giá chiến dịch làm sạch thị trường hay nạn tham nhũng không làm chệch định hướng một môi trường đầu tư thân thiện của Việt Nam. Trong ngắn hạn có thể tác động đến nhà đầu tư nhưng về dài hạn sẽ có tác động tích cực đến những công ty đang cân nhắc đầu tư FDI vào Việt Nam.
Phân tích thêm về vĩ mô, ông Petri Deryng đánh giá các khoản đầu tư công của Việt Nam sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước và nhu cầu của người tiêu dùng cá nhân cũng tăng lên theo từng năm. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự báo đạt 14% năm nay. Trong triển vọng dài hạn, tăng trưởng lợi nhuận hàng năm của các công ty trên sàn có thể đạt 12 – 25%.
“Định giá thị trường chứng khoán đặc biệt hấp dẫn khi bạn xem xét tiềm năng dài hạn ngay tại thời điểm này”, lãnh đạo Pyn Elite Fund nhấn mạnh.