Thị trường chứng khoán tiếp tục tuần giao dịch (ngày 25 đến 29-3) khá tích cực, dù chịu áp lực điều chỉnh khi tiến tới vùng kháng cự mạnh 1.295 điểm - vùng giá cao nhất 21 tháng.
VN-Index tăng gần 14%
Kết phiên cuối tuần, VN-Index dừng ở mốc 1.284,09 điểm, tăng nhẹ khoảng 0,18% so với tuần trước, nhưng đã tăng tới 31,36 điểm (2,5%) so với cuối tháng 2.
Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, chỉ số chung đại diện thị trường chứng khoán Việt đã tăng 13,6%.
Về thanh khoản, thống kê từ Chứng khoán SHS, tuần qua tổng giao dịch trên HoSE chỉ đạt 124.049 tỉ đồng, giảm 18% so với tuần trước, tương ứng 24.800 tỉ đồng mỗi phiên. Một phần nguyên nhân đến từ sự cố chưa có tiền lệ của VNDirect dẫn đến mất kết nối với sở giao dịch cả tuần.
Tuy nhiên, nếu so mức bình quân giao dịch cả 3 sàn trong tháng 3 lại tăng tới 28% so với bình quân tháng liền trước, đạt 27.268 tỉ đồng/phiên, theo dữ liệu Fiintrade.
HNX-Index cũng kết thúc quý 1-2024 tăng 4,99% so với cuối năm 2023 lên mức 242,58 điểm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng có quý giao dịch tích cực với mức tăng 14,62% - động lực chính dẫn dắt thị trường lần lượt vượt các vùng kháng cự mạnh quan trọng như 1.200 điểm, 1.250 điểm.
Cũng trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch trong tuần. Theo đó, khối lượng bán ròng mạnh đột biến với 4.715 tỉ đồng trên HoSE.
Đội ngũ phân tích SHS nhận xét đây là chuỗi bán ròng đột biến liên tiếp của khối ngoại trên HoSE, trong khi mua ròng trên HNX với giá trị 37 tỉ đồng.
Cổ phiếu của VNDirect 'sang tay' mạnh
Về tỉ trọng phân bổ dòng tiền, dữ liệu Fiintrae cho thấy đã chạm đỉnh 10 tuần ở nhóm bán lẻ, thực phẩm, nhựa cao su và sợi, hàng cá nhân.
Trong khi chạm đáy ở xây dựng, điện, hàng không. Tỉ trọng này tiếp tục hồi phục từ đáy ở nhóm bất động sản, dầu khí, vật liệu xây dựng, bảo hiểm.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân vẫn là bên mua ròng duy nhất và tiếp tục tập trung mua ròng nhóm thực phẩm, bất động sản và ngân hàng. Trong khi, đây là các ngành chịu áp lực bán ròng mạnh của nước ngoài.
Dữ liệu từ SHS cho thấy trong tuần, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su có mức tăng: DPR (+7,04%), SIP (+4,44%), D2D (+4,26%)...
Với nhóm cổ phiếu bất động sản nhà ở, nhiều mã tăng giá mạnh như VRC (+24,38%), QCG (+23,53%), VPH (+7,48%), NHA (+6,54%)....
Với nhóm cổ phiếu chứng khoán, VND của VNDirect (-5,56%) chịu áp lực bán khá mạnh, thanh khoản đột ngột cao nhất lịch sử trong tuần này khi xảy ra sự cố mất kết nối.
Trong đó, phiên 25-3, cổ phiếu VND khớp lệnh 86,2 triệu đơn vị, tương đương 7% tổng lượng cổ phiếu lưu hành, con số này gấp 3 lần mức bình quân phiên trong vòng một năm trở lại đây.
Sang đến ngày 26-3, VND tiếp tục khớp lệnh gần 82 triệu đơn vị, còn 3 phiên còn lại trong tuần, khối lượng gần 115 triệu.
Ngoài VND, còn lại đa số các mã nhóm chứng khoán vẫn tăng giá tốt trước những thông tin tích cực như CSI (+6,06%), AGR (+5,69%), TVB (+4,21%), HCM (+3,15%)...
Các nhóm ngành khác đa số biến động trong biên độ hẹp với thanh khoản suy giảm khá mạnh.