Chứng khoán

Cổ phiếu Vietnam Airlines bay cao với “khoang hành lý” nặng 41.000 tỷ lỗ luỹ kế

HVN:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chịu áp lực điều chỉnh mạnh, cổ phiếu Vietnam Airlines (mã HVN) lại bất ngờ bay cao lên đỉnh 19 tháng. Từ đầu năm 2024 đến nay, thị giá HVN đã tăng hơn 30% và hiện đang dừng ở mức 16.000 đồng/cp. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt hơn 35.400 tỷ đồng (~1,4 tỷ USD).

photo-1712312583882

Cổ phiếu HVN bay cao trong bối cảnh Vietnam Airlines vừa lỗ năm thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, theo BCTC hợp nhất đã kiểm toán 2023, hãng hàng không này ghi nhận doanh thu đạt 92.231 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2022. Sau khi trừ chi phí, Vietnam Airlines lỗ 5.631 tỷ đồng, khả quan hơn so với số lỗ hơn chục nghìn tỷ mỗi năm trong giai đoạn 2020-2022.

Theo giải trình, khoản lỗ của Vietnam Airlines thu hẹp trong năm qua chủ yếu do giảm lỗ của Công ty mẹ và Pacific Airlines. Bên cạnh đó các công ty con như: VAECO (Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay), VACS (Công ty TNHH MTV Suất ăn Việt Nam), NCS (CTCP Suất ăn Nội Bài).... đều tăng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

photo-1712312605414

Lỗ năm thứ 4 liên tiếp đẩy khoản lỗ luỹ kế của Vietnam Airlines lên đến 41.000 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ. Điều này khiến hãng hàng không rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu hơn 17.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn đang bị mất cân đối tài chính khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 46.287 tỷ đồng.

Theo kiểm toán, các vấn đề trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngời về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines. Phía kiểm toán cho rằng khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty và các công ty con sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau COVID-19 và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các khoản phải trả cho nhà cung cấp và bên cho thuê, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu hiện đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Nguy cơ huỷ niêm yết và hy vọng vào "Trường hợp đặc biệt"

Cổ phiếu HVN hiện đang trong diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều) của HoSE và đang đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc. Bởi, Vietnam Airlines vi phạm cả 3 điều kiện gồm kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Về lộ trình khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu rơi vào diện kiểm soát, Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 và đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Theo đó, Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như: thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.

Còn về nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc, Vietnam Airlines có lẽ phải trông chờ vào "Trường hợp đặc biệt". Theo dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến hồi đầu năm, Điều 120 về hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc sẽ được bổ sung thêm Khoản 7 với nội dung "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định". Nhiều ý kiến cho rằng đây có thể là điều khoản "mở đường" để cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tiếp tục được duy trì niêm yết trên HoSE.

Trong một diễn biến khác, Vietnam Airlines vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 sau ngày 30/4/2024 và không chậm hơn thời điểm 30/6/2024. Ngày đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội dự kiến là 23/5 và thời gian tổ chức Đại hội dự kiến vào ngày 21/6/2024.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm