Lộ diện "ngôi sao" tăng giá tháng 8
Theo thống kê từ HNX, trong tháng 8 vừa qua, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là mã chứng khoán CTP của CTCP Minh Khang Capital Trading Public.
CTP có giá đóng cửa tại phiên giao dịch cuối tháng 8 tăng 181,71% (tương đương 14.900 đồng), đạt 23.100 đồng/cổ phiếu.
HNX cung cấp số liệu chỉ tính riêng tháng 8, nhưng dải dữ liệu dài hơn cho thấy CTP đã tăng giá trước đó một thời gian dài. Tính chung sau một quý, CTP đã tăng gần 360%, còn sau 1 năm đã tăng "sốc" hơn 500%.
Biểu đồ thị giá của mã CTP cũng tăng "dựng đứng".
Đứng thứ 2 về biên độ tăng giá trong tháng 8 là cổ phiếu KSD của CTCP Đầu tư DNA, với mức tăng 75% (tương ứng 2.700 đồng/cổ phiếu) đạt 6.300 đồng/cổ phiếu.
Tiếp sau đó là cổ phiếu DL1 của CTCP Tập đoàn Alpha Seven có mức tăng 39,22% (tương ứng 2.000 đồng/cổ phiếu) đạt 7.100 đồng/cổ phiếu; tiếp đến là cổ phiếu BTW của CTCP Cấp nước Bến Thành có mức tăng 35,36% (tương ứng 12.800 đồng/cổ phiếu) đạt 49.000 đồng/cổ phiếu.
Theo HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 1.231 tỉ đồng và bán ra hơn 1.459 tỉ đồng trong tháng 8. Như vậy tính chung lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 228 tỉ đồng trên sàn Hà Nội.
Trong đó cổ phiếu PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam là mã cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài bán nhiều nhất với hơn 7,8 triệu cổ phiếu - chiếm tỉ trọng 21%. Tiếp sau đó là cổ phiếu SHS của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội với hơn 5,1 triệu cổ phiếu.
Ở chiều mua vào, cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất tiếp tục là PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam với hơn 8,9 triệu cổ phiếu - chiếm tỉ trọng 28,5%; vị trí thứ 2 là cổ phiếu CEO của Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O với 4,8 triệu cổ phiếu.
Điểm kỳ lạ của "ngôi sao" tăng giá
Công ty cổ phần Minh Khang Capital Trading Public là doanh nghiệp có cổ phiếu tăng giá "sốc" nhất tháng 8, bất chấp thị trường chung ảm đạm.
Tuy nhiên, sự tăng giá của mã này không khỏi khiến nhiều nhà đầu tư thấy bất ngờ. Lý do, Minh Khang Capital Trading Public chính là doanh nghiệp gây xôn xao thị trường khi công bố việc nhận được 8 đơn từ nhiệm cùng một lúc.
Cụ thể, toàn bộ hội đồng quản trị doanh nghiệp CTP từ chủ tịch, phó chủ tịch đến các thành viên đều có mặt trong danh sách này. Không chỉ hội đồng quản trị, cả ban kiểm soát cũng nộp đơn từ nhiệm.
Dù có đơn từ nhiệm kể từ tháng 6, nhưng nhiều thành viên hội đồng quản trị như chủ tịch và các vị trí khác vẫn chưa thể hiện đã được chấp thuận đơn từ nhiệm.
Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024 đã qua soát xét vừa công bố cho thấy công ty chỉ còn đúng 3 người tại thời điểm cuối tháng 6 này.
Người ký và đóng dấu báo cáo tài chính là ông Lê Minh Tuấn - tổng giám đốc công ty. Ông Tuấn cũng chính là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này. Còn kế toán trưởng là bà Nguyễn Lệ Ngọc Như Truyền. Bà Truyền cũng chính là người lập báo cáo tài chính bán niên.
Đáng chú ý, kết quả kinh doanh của CTP cũng không có gì vượt trội. Thậm chí lợi nhuận sau thuế nửa năm nay còn âm 178 triệu đồng, trong khi cùng kỳ dương 274 triệu đồng.
Doanh thu cũng sụt từ mức hơn 60 tỉ đồng nửa đầu năm ngoái còn 708 triệu đồng trong kỳ bán niên năm nay.
Tổng tài sản tại thời điểm 30-6-2024 của CTP đạt 152 tỉ đồng, giảm hơn 40 tỉ đồng so với đầu năm. Công ty này không ghi nhận bất kỳ khoản đầu tư tài chính ngắn hạn nào, trong khi tiền có gần 3,5 tỉ đồng.
Tài sản nằm chủ yếu ở các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho, lần lượt 116 tỉ đồng và 33,4 tỉ đồng.
Trong một diễn biến có liên quan tới những biến động nhân sự bất thường ở doanh nghiệp này, bà Trần Thị Lan Anh - phó tổng giám đốc CTP - vừa nộp đơn từ nhiệm với lý do "cá nhân không thể tiếp tục đảm nhận vị trí này".