POW - Doanh thu, lợi nhuận suy giảm trong nửa đầu năm
CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Phân tích:
Theo kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2022 do POW công bố, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp đạt 14.865 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 1.159 tỷ đồng, giảm 19%.
Sản lượng điện sản xuất trong nửa đầu năm của POW đạt 7,152 tỷ kWh, giảm 24,5%. Sản lượng thấp và giá khí tăng cao kéo theo sự sụt giảm về kết quả kinh doanh của POW.
Mặc dù các nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 1 và 2 cũng như cụm thuỷ điện có sản lượng điện sản xuất tích cực, tuy nhiên không bù đắp được sự sụt giảm từ 2 nhà máy lớn của POW là Cà Mau 1&2 và Vũng Áng 1 do tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện và máy móc gặp sự cố chưa được sửa chữa hoàn thiện.
KBSV nhận thấy đây là một rủi ro giảm giá mục tiêu do kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, dù cần xem xét cụ thể hơn.
PVT - Mức tăng giá cước hỗ trợ lợi nhuận nửa cuối năm
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Phân tích:
PVT nhận thấy triển vọng nhu cầu vận tải quốc tế cao hơn nhờ khối lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường biển. Trong khi khối lượng hàng hóa vận chuyển trên thế giới không tăng, xung đột Nga - Ukraine đã tạo ra sự thay đổi cơ cấu trong các tuyến đường vận chuyển dầu thô, dầu thành phẩm, hóa chất, LPG và than, từ đó thúc đẩy nhu cầu luân chuyển hàng hóa do khoảng cách vận chuyển dài hơn.
Mức tăng giá cước của tàu chở dầu quốc tế hiện tại sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023 của PVT. Cụ thể, cước vận chuyển dầu thô, dầu thành phẩm và hóa chất đã tăng mạnh kể từ tháng 3/2022. Hiện tại, 80% đội tàu chở dầu của PVT đang hoạt động trên các tuyến quốc tế, chiếm 60% tổng doanh thu của PVT.
Hầu hết các hợp đồng quốc tế của PVT là hợp đồng thuê chuyến, trong khi một số hợp đồng khác theo phương thức hợp đồng giao ngay được hưởng lợi từ việc tăng giá cước của tàu chở dầu. Tuy nhiên, do giá cước thuê chuyến cũng đang có xu hướng tăng theo giá cước giao ngay, PVT kỳ vọng giá cước cao hơn sẽ hỗ trợ tích cực cho lợi nhuận của công ty trong các năm 2022 và 2023. Nhìn chung, công ty kỳ vọng giá cước sẽ cao hơn trong giai đoạn 2022 - 2023 so với năm 2021.
TNG - Tích cực
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VDSC)
Phân tích:
Trong 6 tháng đầu năm 2022, VDSC kỳ vọng doanh thu đạt 3.232 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 125 tỷ đồng, tăng 50%, nhờ tăng đơn đặt hàng từ Decathlon, Haddad và Columbia và biên lợi nhuận ròng tăng 50 điểm phần trăm lên 4% bất kể chi phí nguyên vật liệu cao nhờ giảm chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp.
VDSC kỳ vọng kết quả kinh doanh giai đoạn 2022 - 2023 sẽ tăng trưởng nhờ hoạt động mở rộng công suất và tăng doanh thu trên mỗi dây chuyền may mặc, giảm chi phí nguyên vật liệu và tối ưu hóa tập khách hàng với biên lợi nhuận gộp cao hơn.
TNG đang giao dịch với P/E 9,3 lần, cao hơn mức P/E trung bình 5 năm khoảng 7 lần nhưng thấp hơn mức trung bình của ngành khoảng 11 lần.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.