Kết phiên ngày 22/5, VN-Index đóng cửa ở mức 1.266,91 điểm, ghi nhận mức giảm 10,23 điểm (0,8%); trong khi đó, HNX-Index vẫn tăng 1,86 điểm và dừng ở mức 245,15 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng khi giá trị giao dịch ở riêng HOSE xấp xỉ 28.000 tỷ đồng. Dù thị trường giảm nhưng được nhận định là sự điều chỉnh tích cực sau giai đoạn phục hồi hơn 100 điểm từ cuối tháng 4 đến nay.
Trong talkshow với chủ đề "Sóng chứng khoán trở lại, cơ hội cổ phiếu ngành nào?" diễn ra chiều ngày 22/5, các chuyên gia đến từ các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ đã có nhận định về những nhóm ngành tiềm năng trong nửa cuối năm 2024.
Ông Nguyễn Thanh Lâm – Giám đốc khối phân tích cá nhân Chứng khoán Maybank cho biết có nhiều nhóm ngành để quan tâm trong trung dài hạn, tuy nhiên có 4 nhóm ngành hấp dẫn và triển vọng tốt hơn là ngân hàng, bán lẻ, công nghệ và thép.
Ngoài những nhóm ngành trên, ông Đinh Đức Minh - Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ VinaCapital còn bổ sung thêm hai nhóm ngành khác cần quan tâm là khu công nghiệp và xuất nhập khẩu.
Với nhóm khu công nghiệp, chuyên gia VinaCapital cho biết hiện đang có làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác và Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia được các tập đoàn lớn trên thế giới nhắm tới để dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Số liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam trong vòng hơn một năm qua tương đối tích cực dù ở trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng rất chậm, lãi suất và lạm phát toàn cầu tăng cao.
Với nhóm liên quan xuất khẩu, xuất khẩu Việt Nam diễn biến khá kém trong năm 2023, sang năm nay, VinaCapital dự báo tình hình xuất khẩu sẽ có những bước tiến tích cực hơn rất nhiều.
"Năm ngoái, các khách hàng mua hàng hoá, sản phẩm Việt Nam có lượng tồn kho rất cao sau thời kỳ dịch Covid-19, do đó họ cần phải giảm mua hàng. Năm nay, gần như các khách hàng này đã giải tán xong lượng tồn kho và bắt đầu tăng lượng đơn đặt hàng trở lại. Số liệu xuất nhập khẩu Việt Nam trong khoảng 6 tháng qua khá tích cực ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam.
Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đã có lượng đơn hàng tăng lên đáng kể và đủ để sản xuất cho tới cuối quý III năm nay. Ngoài các công ty xuất khẩu, những công ty về cảng biển cũng sẽ được hưởng lợi bởi xu hướng xuất nhập khẩu tăng này", chuyên gia VinaCapital chia sẻ.
Lựa chọn đầu tư theo xu hướng thay vì theo ngành, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc tư vấn đầu tư Chứng khoán Thành Công (TCSC) đánh giá sẽ có ba xu hướng đầu tư lớn trong thời gian tới và phù hợp với khả năng chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư.
Thứ nhất là nhóm dẫn dắt, những cố phiếu trong những nhóm ngành chiếm vốn hóa lớn như ngân hàng. Kinh tế Việt Nam rất khó khăn trong hai năm qua nhưng ngân hàng là ngành duy nhất vẫn tăng trưởng tốt. Ngoài ra, một số cổ phiếu ngân hàng đã vượt đỉnh mọi thời đại nhưng vẫn còn có những ngân hàng có định giá ở vùng rất hấp dẫn.
"Mặc dù tăng trưởng rất tốt về mặt sổ sách, lợi nhuận trong hai năm qua, nhưng giá cổ phiếu chưa chạy theo kịp. Do đó, ngân hàng được TCSC đánh giá là nhóm ngành dẫn dắt và sẽ tiếp tục được quan tâm, đặc biệt đối với những nhà đầu tư có khả năng chấp nhận rủi ro từ trung bình đến cao", chuyên gia TCSC cho biết.
Thứ hai là nhóm phục hồi, kinh tế Việt Nam đã bắt đầu phục hồi trong năm 2023 và đầu năm 2024, có thể nhìn vào những doanh nghiệp bán lẻ chiếm thị phần hàng đầu, những doanh nghiệp sản xuất lớn hay ngành cốt lõi của Việt Nam là xuất khẩu đều đã có những dấu hiệu phục hồi trong năm nay.
Cuối cùng là những ngành dành cho nhà đầu tư ngại rủi ro, đặc biệt muốn dịch chuyển tiền từ những kênh tiết kiệm, có thu nhập cố định với lãi suất duy trì ở mức thấp, đó là những ngành có hợp đồng kinh doanh rất ổn định, tiện ích như điện, nước, tiêu dùng thiết yếu,…