Một mã tăng hơn 33%, thanh khoản toàn ngành tiếp tục đi ngang
Tuần giao dịch vưa qua (18/7 - 22/7), sắc xanh chiếm chủ đạo trong nhóm cổ phiếu ngân hàng 22/27 mã tăng giá và 5 mã giảm giá.
Trong đó, cổ phiếu PGB là điểm nhấn khi tăng vọt 33,1%, kết tuần tại mức 22.700 đồng/cp, trong khi không còn một mã nào khác tăng hơn 5,5%. Đà tăng mạnh của cổ phiếu này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức phê duyệt việc Petrolimex thoái hơn 40% vốn cổ phần tại PG Bank. Tiết lộ tại đại hội cổ đông năm 2022, đại diện Petrolimex khẳng định có thể hoàn tất thoái vốn PG Bank trong năm nay.
3 mã xếp sau PGB là MSB, TPB và LPB với mức tăng lần lượt 5,5%, 5,2% và 5%. Phần lớn các mã tăng giá còn lại có mức tăng chưa tới 2%.
Ở chiều ngược lại, NVB có mức điều chỉnh mạnh nhất (-3,9%), 4 mã còn lại là OCB, KLB, STB và EIB giảm chưa tới 2%.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đi ngang trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần có tổng cộng 487 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, cao hơn 5 triệu cp so với tuần trước; giá trị giao dịch tương đương đạt 11.063 tỷ đồng, nhỉnh hơn 20 tỷ đồng.
Trong đó, SHB có thêm một tuần giao dịch sôi động với khối lượng giao dịch đạt 96,7 triệu cổ phiếu, tăng 23% so với tuần trước và đứng đầu toàn ngành tuần này. Trái ngược, khối lượng giao dịch của STB tiếp tục giảm 11% xuống còn gần 74 triệu đơn vị.
Ngoài ra, không còn cổ phiếu ngân hàng nào có thanh khoản đạt trên 50 triệu đơn vị tuần quá. Xếp sau STB lần lượt là MBB, VPB và LPB với khối lượng giao dịch ở mức 44,6 triệu, 42,8 triệu và 34,3 triệu đơn vị.
Dù vậy, xét về giá trị giao dịch, STB vẫn đứng đầu toàn ngành với mức 1.709 tỷ đồng, trong khi của SHB là 1.417 tỷ đồng, VPB là 1.206 tỷ đồng và MBB là 1.134 tỷ đồng.
Trong tuần này, LPB lại là tâm điểm của khối ngoại khi được nhóm này mua ròng 89 tỷ đồng; CTG tiếp tục được mua ròng 61 tỷ đồng. Ngược lại, sau nhiều tuần gom liên tiếp trước đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 51 tỷ đồng trong tuần.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II như MSB, LienVietPostBank, TPBank, .... Tính đến hiện tại, VPBank là ngân hàng có lợi nhuận 6 tháng đầu năm cao nhất trong các nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh, đạt hơn 15.300 tỷ đồng, vượt hơn 50% kế hoạch năm.
Một ngân hàng khác có lợi nhuận đạt trên 10.000 tỷ đồng là Techcombank, báo lãi 14.100 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước.
MB được chấp thuận thành lập ngân hàng 100% vốn tại Campuchia. Đây là công ty con đầu tiên của MB tại thị trường nước ngoài. Trước đó, MB có một văn phòng đại diện tại Nga, hai chi nhánh và một phòng giao dịch tại nước ngoài.
Tại buổi “Gặp gỡ chuyên gia phân tích, nhà đầu tư tổ chức và công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022”, Tổng Giám đốc Jens Lottner cho biết Techcombank có thể nhận hạn mức tín dụng tốt trong tháng 8.
VietinBank thông báo bán đấu giá loạt tài sản bảo đảm của các khoản vay để thu hồi nợ, trong đó có cả nhà máy sản xuất xi măng và nhà máy sản xuất gạch, tài sản phải mang ra toà tranh chấp.
Hàng loạt ngân hàng tuyển dụng nhân sự quy mô lớn, bao gồm cả các ngân hàng tư nhân và các ngân hàng quốc doanh.