Cổ phiếu ngân hàng giảm sâu, bất ngờ một mã tăng giá
Tuần qua (9 - 13/5) tiếp tục là một tuần diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng. Cụ thể, nhóm cổ phiếu "vua" tuần qua có tới 26/27 mã giảm giá; trong đó có 21 mã giảm mạnh trên 10%.
Hai cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất tuần là PGB và BVB với mức giảm xấp xỉ 23%. Riêng trong phiên cuối cùng của tuần, cả hai mã này đều giảm kịch sàn 15%. Mặc dù niêm yết trên HOSE với biên độ 7%, nhưng OCB cũng sụt sâu hơn 22% trong tuần qua với 3 phiên nằm sàn.
Diễn biến ảm đạm bao trùm lên cả những ngân hàng được đánh giá có sức khỏe tài chính tốt, kết quả kinh doanh tích cực như TCB, VIB, ACB. Các ngân hàng quốc doanh như VCB, BID, CTG cũng không phải ngoại lệ khi mức điều chỉnh thấp nhất cũng là 8,1%.
Theo số liệu từ SSI, nhóm cổ phiếu ngân hàng góp mặt nhiều nhất trong top những mã có ảnh hưởng xấu nhất tới VN-Index trong tuần qua, đứng đầu là TCB và VPB.
Đáng chú ý, giữa thị trường "rực lửa", cổ phiếu EIB của Eximbank bất ngờ vẫn giữ được sắc xanh. Theo đó, tính chung trong 5 ngày giao dịch, cổ phiếu này vẫn tăng 5,7%; trong đó có phiên 11/5 tăng kịch trần.
Trước đó, sau khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thất bại, ngân hàng này đã tiếp tục phát đi thông báo về việc triệu tập đại hội đồng cổ đông lần thứ hai, giải quyết nốt các nội dung quan trọng.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng không có nhiều biến động trong tuần. Cụ thể, tuần qua hơn 683 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 17.432 tỷ đồng.
Trong đó, cổ phiếu STB tiếp tục dẫn đầu về khối lượng giao dịch với gần 115 triệu đơn vị. SHB và VPB lần lượt đứng sau với mức 97,6 triệu và 86,5 triệu cp. Xét về giá trị giao dịch, VPB lại đứng đầu với hơn 2.753 tỷ đồng, nhỉnh hơn mức 2.618 tỷ đồng của STB và 2.448 tỷ đồng của TCB.
Giữa đà giảm sâu, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 152 tỷ đồng CTG và hơn 52 tỷ đồng STB trong tuần; trong khi đó bán ròng hơn 100 tỷ đồng VCB.
Ở một diễn biến khác, các tổ chức trong nước đã mua ròng hơn 213 tỷ đồng MBB, 175 tỷ đồng VCB, 167 tỷ đồng VPB, 157 tỷ đồng ACB. Ngược lại, mạnh tay bán ròng 469 tỷ đồng STB.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Theo báo cáo của SSI Research, hầu hết ngân hàng đã gần chạm hạn mức tín dụng được cấp ban đầu vào cuối quý I/2022.
Báo cáo của Chính phủ cho biết đã rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới và đã có phương án xử lý đối với Ngân hàng Xây dựng (CB Bank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank). Theo thông tin được tiết lộ trước đó MB sẽ nhận chuyển nhượng bắt buộc OceanBank trong khi thông tin về TCTD được chuyển giao cho Vietcombank chưa được hé lộ.
OCB cho biết đã nhận được đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động của Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư.
Ngân hàng Quốc dân có Phó Tổng Giám đốc thường trực mới là ông Nguyễn Đình Tuấn. Bà Dương Thị Lệ Hà sẽ thôi Quyền Tổng Giám đốc và đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc của ngân hàng.
Tính đến cuối tháng 3/2022, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money là hơn 1,1 triệu khách hàng, trong đó số lượng khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa,... là gần 660.000 khách hàng.
Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2022 (trước soát xét) với tổng doanh thu hợp nhất đạt 13.158 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 501 tỷ đồng, tăng 5,4%.