Bắt đầu từ giữa tháng 8, cổ phiếu CFV của CTCP Cà phê Thắng Lợi gây chú ý trên thị trường khi tăng liên tiếp 20 phiên từ 4.900 đồng/cp lên 60.100 đồng/cp chốt phiên 13/9, tức tăng gấp 12 lần trong vòng chưa đầy 1 tháng.
Trước đà tăng mạnh của cổ phiếu, lãnh đạo CFV đã lần lượt gửi hai đơn giải trình với HOSE và khẳng định công ty không có bất kỳ thông tin có lợi liên quan làm ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu. Công ty cũng khẳng định ban lãnh đạo cũng không làm gì tác động đến giá cổ phiếu cũng như thực hiện giao dịch cổ phiếu CFV trên thị trường chứng khoán.
Chưa kể, công ty còn có thông tin bất lợi về báo cáo tài chính bán niên, thậm chí bị lỗ gần 4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, Kiểm toán AFC Việt Nam còn đưa ra các ý kiến ngoại trừ trên báo cáo soát xét bán niên.
Công ty kiểm toán xác định CFV chưa được quyết toán chi phí cổ phần hóa với giá trị hơn 1 tỷ đồng và xác định giá trị phần vốn nhà nước để bàn giao sang công ty cổ phần do các vấn đề xử lý các tồn tại tài chính còn vướng mắc.
CFV cho biết công ty bắt đầu chuyển sang CTCP từ ngày 9/10/2019 tuy nhiên vẫn chưa có quyết định phê duyệt quyết toán bàn giao vốn nên chưa có cơ sở để xác nhận số liệu, gồm chi phí cổ phần hóa, tiền thuê đất truy thu giai đoạn 2006 – 2019, tiền nợ phân bón các hộ dân, các chi phí sản xuất kinh doanh dở dang,…
Đối với các khoản này, ngày 1/12/2020, công ty đã làm công văn để báo có các khoản tồn đọng và kiến nghị xử lý khi quyết toán bàn giao vốn nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Cà phê Thắng Lợi kinh doanh ra sao?
CTCP Cà phê Thắng Lợi tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập năm 1977 trực thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk, hoạt động chính trong lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến kinh doanh cà phê. Công ty có vùng chuyên canh sản xuất tại tỉnh Đắk Lắk. Năm 2019, CFV chính thức được cổ phần hoá.
CFV sở hữu diện tích đất đai rất lớn, lên đến 2.081 ha tính riêng tại Đắk Lắk, trong đó 1.822 ha là đất trồng cây lâu năm; 258 ha đất sản xuất nông nghiệp; 18,63 ha là đất lâm nghiệp.
Trên bản cáo bạch công bố năm 2019, CFV cho biết do thực hiện phương án khoán vườn cà phê cho các hộ nông trường viên cộng với hỗ trợ vốn nên doanh thu tăng trưởng giai đoạn 2015 – 2016. Tuy nhiên sang năm 2017 công ty có sự thay đổi, chuyển từ hoạt động thu mua sang trồng và sản xuất cà phê xuất khẩu, và giá cà phê năm đó biến động bất thường nên công ty chỉ bán được trong nội địa, khiến doanh thu năm 2017 giảm mạnh 43% so với 2016.
Ngoại trừ năm 2019 thua lỗ, CFV đã có lãi trở lại trong 2 năm 2020 và 2021, doanh thu cũng ghi nhận tăng trưởng hai chữ số. 6 tháng đầu năm nay, CFV ghi nhận doanh thu thuần đạt 221,6 tỷ đồng; tăng 6% nhưng lỗ sau thuế gần 4 tỷ đồng.
Tổng tài sản của CFV tính đến ngày 30/6 đạt 215 tỷ đồng, tăng 17,5% so với đầu năm. Trong đó, tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng là 62 tỷ, chiếm 29% tổng tài sản. Phần còn lại tập trung chủ yếu ở các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho. Về nguồn vốn, nợ phải trả của CFV là 86 tỷ đồng, trong đó 73% đến từ đi vay nợ ngắn hạn với 62 tỷ đồng.
Gia thế của vị Chủ tịch gốc Ninh Bình
CFV có vốn điều lệ ban đầu hơn 62 tỷ đồng và tăng lên 126,5 tỷ đồng như hiện tại. Trong đó, cơ cấu cổ đông khá cô đặc khi tỷ lệ sở hữu của nhà nước là 36%. Cá nhân bà Phạm Thị Linh,vợ của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Đỗ Hoàng Phúc nắm giữ 61,36% vốn.
Ông Phúc sinh năm 1957 tại tỉnh Ninh Bình. Trước khi bén duyên với kinh doanh, ông Phúc từng có 33 năm công tác tại công an tỉnh Ninh Bình. Sau đó ông làm việc tại Văn phòng tỉnh uỷ và Sở GTVT Ninh Bình với vai trò Phó Giám đốc.
Từ 2017 - nay, ông Phúc là Giám đốc CTCP Xuất Nhập khẩu Nam Phương IMEX, Chủ tịch HĐQT Công ty XNK thực phẩm Toàn Cầu và Chủ tịch CTCP Khu Công nghiệp Cái Lân - QNC. Từ tháng 6/2019 đến nay, ông Phúc còn giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Cấp thoát nước Đắk Lắk (Mã: DWC).
Tại Cấp thoát nước Đắk Lắk (vốn điều lệ hơn 315 tỷ), con trai ông Phúc là Đỗ Hoàng Phương giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT và người vợ ông Phúc là Thành viên HĐQT của DWC. Theo báo cáo quản trị bán niên, gia đình ông Phúc đang nắm hơn 59% tại DWC trong khi UBND tỉnh chỉ nắm 36%.
Quy mô tài sản 200 tỷ, muốn làm dự án điện mặt trời hơn 5.000 tỷ đồng
Ngoài sản xuất và kinh doanh cà phê, CFV chọn rẽ hướng sang năng lượng tái tạo. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, CFV đã có báo cáo về nghiên cứu định hướng đầu tư kinh doanh điện gió, điện mặt trời, kết hợp nông – công nghiệp.
Ba tháng sau, tức tháng 9/2020, CFV đã có tờ trình đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trương khảo sát, bổ sung quy hoạch đầu tư điện mặt trời nổi Thắng Lợi tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar. Dự án này có quy mô 140 ha, diện tích trên bờ 2 ha, tổng công suất dự kiến 200 MW, vốn mức đầu tư 3.000 tỷ đồng.
Đến tháng 10/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk gửi văn bản đề nghị Bộ Công Thương bổ sung dự án nhà máy điện gió Thắng Lợi Đắk Lắk (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035. Dự án có quy mô công suất 49,5 MW, tổng mức đầu tư 2.090 tỷ đồng do CFV làm nhà đầu tư.
Nói thêm, tại dự án điện mặt trời nổi Thắng Lợi, CFV có kế hoạch hợp tác đầu tư với hai công ty khác với tổng giá trị góp vốn là 600 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nam Phương góp 480 tỷ đồng, Khu công nghiệp Cái Lân – QNC góp 90 tỷ đồng và CFV góp 30 tỷ đồng. Phần vốn còn lại, CFV xin cấp tín dụng của ngân hàng với số tiền tối đa là 2.400 tỷ, tương đương 80% tổng mức đầu tư. Điểm đặc biệt là hai công ty góp vốn với CFV như đã được đề cập ở trên, đều do vợ chồng ông Phúc làm Chủ tịch.
Với quy mô tài sản chỉ hơn 200 tỷ đồng, kết quả kinh doanh cũng không nổi bật, nhưng nhờ sự hẫu thuận từ cổ đông nhà nước nắm 36% và tiềm lực của vợ chồng Chủ tịch HĐQT nên CFV có thể tự tin đề xuất dự án quy mô hơn 5.000 tỷ đồng và nhận được cái “gật đầu” từ UBND tỉnh cũng như Bộ Công Thương.
Tuy nhiên đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai. Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của CFV cũng không đề cập gì về việc phát triển dự án năng lượng tái tạo.