Thị trường tiếp tục duy trì nhịp tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp, dù thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp. Nhịp tăng của nhóm VN30 chính là nhân tố chính giúp VN-Index tăng hơn 6 điểm, chốt phiên ở 1.067 điểm. Tổng khối lượng giao dịch giảm 22,3 % so với phiên trước, đạt hơn 520 triệu đơn vị, tương ứng với hơn 9.372 tỷ đồng về giá trị.
Cùng chiều, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,13 điểm, tương đương 0,18% lên 72,22 điểm. Trong khi đó, HNX-Index đỏ nhẹ 0,18% về 210,88 điểm.
Theo quan sát, đà tăng của thị trường tập trung chính ở nhóm vốn hóa lớn và trung bình như thép (HPG, HSG, NKG), đầu tư công (VCG, LCG, FCN), ngân hàng (BID, EIB, ACB, CTG), chứng khoán (HCM, VCI, MBS, SSI).
Trong nhóm này, cổ phiếu BID của BIDV gây sự chú ý khi bất ngờ chốt phiên tăng hết biên độ lên 44.700 đồng/cp, với hơn 4,7 triệu đơn vị khớp lệnh. Đây cũng là mã đóng góp tích cực nhất cho đà tăng của VN-Index với gần 3,7 điểm, gấp hơn 2 lần cổ phiếu đứng ngay sau là VCB.
Tính đến cuối phiên hôm nay, vốn hóa của BIDV đạt hơn 226.116 tỷ đồng, vượt qua bộ đôi cổ phiếu "họ Vingroup" là VHM và VIC trở thành á quân trong danh sách doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đầu tháng 1 vừa qua, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và công tác kinh doanh năm 2023, BIDV cho biết lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại năm 2022 đạt 22.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng. Tổng tài sản BIDV đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021 và là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.
Trở lại danh mục Top vốn hóa tại HOSE tính đến hết phiên 16/1, đứng đầu bảng xếp hạng giá trị niêm yết toàn thị trường vẫn là Vietcombank với hơn 413.149 tỷ đồng, gấp 1,8 lần vốn hóa của BIDV. Xếp sau đó, giá trị thị trường của bộ đôi Vinhomes và Vingroup lần lượt là 223.379 tỷ đồng và 209.004 tỷ đồng.
Mặc dù góp công trong việc đưa VN-Index vượt mốc 1.065 điểm, cổ phiếu HPG của ông lớn Hòa Phát chưa thể trở lại Top10 vốn hóa trên HOSE. Hòa Phát từng có thời gian dài đứng thứ 4 thị trường về vốn hóa, chỉ sau ba đại gia là Vietcombank, Vingroup và Vinhomes.
Sau những đợt suy giảm liên tiếp, HPG đã nhiều lần trượt ra khỏi Top10. Hiện nay, vốn hóa của Hòa Phát vẫn còn kém doanh nghiệp đứng thứ 10 tại HOSE là Sabeco khoảng hơn 3.100 tỷ đồng.